Bác dạy: Tuyên truyền là
đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Phải dạy lý luận,
công tác, chuyên môn cho cán bộ, đảng viên. Nếu không đạt được mục đích đó, là
tuyên truyền thất bại. Chúng ta phải đánh thắng địch về mặt tuyên truyền cũng
như bộ đội ta đã đánh thắng địch về mặt quân sự.
Bác hồ nói chuyện tại Đại hội Đại biểu phụ nữ
toàn quốc lần thứ III (tháng 3 năm 1961)
NHIỆM VỤ TUYÊN TRUYỀN VÀ CÁCH TUYÊN
TRUYỀN
Tuyên
truyền được hiểu là tuyên truyền cách mạng. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền
như thế nào? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cho ai? Ai có thể tuyên
truyền? v.v.. là những câu hỏi mà những người làm công tác tuyên giáo phải luôn
luôn nắm vững để trả lời có chất lượng mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Những
câu hỏi này được Hồ Chí Minh nêu lên từ thập kỷ bốn mươi và thông qua lý luận -
thực tiễn, Người đã đem lại những câu trả lời thuyết phục, đến nay vẫn vẹn
nguyên giá trị soi sáng công tác tuyên truyền nói riêng, tuyên giáo nói chung.
Công
cuộc đổi mới đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế giới và
đất nước ngày nay đang diễn ra những biến đổi lớn lao. Nhưng trong mọi biến đổi
cũng có một số điều quan trọng không hề thay đổi. Đó là nhận thức của chúng ta
về mô hình chủ nghĩa xã hội với ba trụ cột là nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân; Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ba trụ cột được “xây” trên nền
tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với hai nhân tố quyết định
thành công của công cuộc đổi mới là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt
Nam và lấy dân làm gốc. Nhiệm vụ tuyên giáo và cách tuyên truyền hiện nay là
làm cho nhân dân và cán bộ hiểu được những vấn đề lý luận và thực tiễn đó; làm
rõ hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau là xây dựng chủ nghĩa
xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Để
hoàn thành nhiệm vụ công tác tuyên giáo, tuyên truyền phải giản đơn, rõ ràng,
cụ thể, thiết thực, đúng chỗ, đúng lúc. Tuyên truyền là để người dân hiểu, dân
tin và làm được. Phải tuyên truyền cả lý luận và công tác. Tuyên truyền lý luận
là dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp
luật của Đảng, Nhà nước. Tuyên truyền công tác là làm cho người dân hiểu vì sao
phải làm những công việc đó? Làm những gì? Làm như thế nào? Tất cả nhằm đem lại
lợi cho dân và tránh hại cho dân. Những câu hỏi nêu trên phải được cụ thể hóa,
hiện thực hóa. Bác dạy: “Các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ
trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm”(1).
Bác
phê bình những người làm công tác tuyên truyền chỉ nói nào là làm “cách mạng xã
hội chủ nghĩa”, nào là “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, nào là “xây dựng chủ nghĩa
xã hội” làm cho đồng bào khó hiểu, ít người hiểu. Bác nhắc lại câu chuyện đồng
chí Đimitơrốp kể: Khi ở Đức có bãi công, Đảng cử người đến tuyên truyền. Đáng
lẽ người tuyên truyền phải nói bãi công thế nào, thì lại nói chủ nghĩa Mác là
gì, thặng dư giá trị là gì. “Như thế là nói không đúng chỗ, không thiết thực.
May mà đồng chí đó không bị quần chúng ném đá. Tuyên truyền như thế không ăn
thua gì cả”(2).
Hiện nay, những chứng bệnh đó vẫn tồn tại với
những biểu hiện, mức độ đậm nhạt, cao thấp khác nhau. Điểm giống nhau của các
căn bệnh trước và nay là tuyên truyền không đúng lúc, đúng nơi, không cụ thể,
không thiết thực, không tỏ rõ được tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và đòi hỏi của
các tầng lớp nhân dân. Chẳng hạn, "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”
là một điểm nhấn trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nhưng nếu tuyên truyền
chỉ nhắc lại hai từ “khát vọng” thì không “thuộc bài”, “đúng bài” tuyên giáo.
Đó là cách nói chung chung, kiểu “hội trường” mà Bác đã nhiều lần phê bình: “Không
phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”(3).
Cái người dân cần là phải nói làm sao thiết thực, dễ hiểu, để người ta hiểu
được, hiểu để làm. Tức là phải biết cách tuyên truyền.
Nhiều tỉnh nói về tiềm năng, khát vọng phát triển, phải đạt tỉnh khá, tỉnh
giàu, kiểu mẫu là cần thiết, nhưng tuyên truyền là phải cắt nghĩa, phân tích
được vì sao hiện nay nói và nhấn mạnh những điều đó? Phát triển cái gì? Phát
triển đến đâu? Theo hướng nào, bằng cách nào? Tuyên truyền phải rất thực tiễn
thì mới thực hiện được khát vọng. Tuyên truyền đừng để người dân hiểu sai về
cái đúng, hiểu xấu về cái tốt, cái đẹp của khát vọng thành “phong trào khát
vọng”, “hội chứng khát vọng”.
Tuyên
truyền không phải nhắc lại Văn kiện của Đảng, Nhà nước, mà phải làm cho quan
điểm của Đảng, Nhà nước thấm sâu vào tim óc người dân, khẳng định niềm tin,
khơi dậy quyết tâm và hành động. Tuyên truyền ở những vùng sâu, vùng xa, vùng
đồng bào còn nhiều khó khăn thiếu thốn về cơm ăn áo mặc, điện, nước, trường
học, bệnh xá, đường sá…, càng phải rất thiết thực. Ý định của những người làm
công tác tuyên truyền là tốt, muốn khẳng định đường lối lãnh đạo sáng suốt của
Đảng và chính sách đúng đắn của Chính phủ, bản chất ưu việt của chế độ xã hội
chủ nghĩa, tính đột phá về lý luận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa, v.v.. Ý định tốt nhưng khi tuyên truyền phải xuất phát từ thực tế,
không thể xuất phát từ ý muốn chủ quan của người tuyên truyền, tuyên truyền để
mà tuyên truyền, tuyên truyền “lấy được”. Tuyên truyền không thiết thực, không
đúng lúc, đúng chỗ, có thể biến ý định tốt thành không tốt, biến cái hay thành
cái dở, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tuyên
truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng vậy. Bác dạy: “Nói thế
nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được, đó là nói được chủ nghĩa Mác -
Lênin. Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ mới là hiểu được chủ nghĩa Mác -
Lênin. Nếu nói không đúng chỗ không phải là chủ nghĩa Mác - Lênin”(4).
Người chỉ rõ: “Các chú dạy cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác –
Lênin, chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho mọi người hiểu chủ
nghĩa Mác – Lênin là thế nào không. Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin tức là
cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm
tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói
thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại
để cho nhà đầy rác… Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình có
nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là
hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin”(5). Lời Bác dạy vẹn nguyên giá trị đối
với công tác tuyên giáo hiện nay.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến
thăm và huấn thị cho
cán bộ, chiến sĩ Công an
nhân dân tháng 12/1961.
|
NGƯỜI TUYÊN TRUYỀN PHẢI THƯỜNG XUYÊN TU
DƯỠNG, CHỐNG THÓI BA HOA
Một
trong những yêu cầu đối với người tuyên truyền, đó là phải hội đủ những phẩm
chất về tri thức, phương pháp và đạo đức. Phải “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám
chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách,
dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu”(6).
Phải rèn luyện cách nói giản đơn, rõ ràng, thiết thực, có đầu, có đuôi, có hồn,
truyền cảm hứng, niềm tin, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được, làm được.
Bác
dạy bảo những người tuyên truyền khi nói, viết phải chống thói ba hoa, biểu
hiện ở chỗ dài dòng, rỗng tuếch; cầu kỳ; khô khan, lúng túng; báo cáo giả dối,
thành công ít suýt ra nhiều, còn khuyết điểm thì giấu đi không nói đến; bệnh
theo “sáo cũ”; nói không ai hiểu; bệnh hay nói chữ như tục ngữ có câu “xấu hay
làm tốt, dốt hay nói chữ”, v.v..
Theo
Bác, người tuyên truyền phải hiểu rằng mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là ý nguyện
và mục đích của hàng triệu đảng viên và của hàng triệu quần chúng. Mà muốn như
thế, phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng “học ăn,
học nói, học gói, học mở”, chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu
nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Nếu
không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích. Người dạy: “Trước khi nói, phải nghĩ cho
chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: Chó ba quanh mới nằm. Người
ba năm mới nói”(7).
Bác thẳng thắn phê bình người đi tuyên truyền
tưởng mình là công chức, làm việc theo cách bàn giấy mà quên nhiệm vụ của mình
là tuyên truyền, cổ động, giải thích và huấn luyện cho nhân dân. Người chỉ rõ:
“Các cấp thông tin tuyên truyền thường thi hành chỉ thị cấp trên một cách máy
móc, không biết áp dụng theo hoàn cảnh thiết thực trong địa phương mình. Tuyên
truyền không chủ trương thực tế mà hay nói những lý luận viễn vông. Chưa có một
chương trình, một kế hoạch thiết thực và đầy đủ về công tác cũng như kiểm tra”(8).
Nói về người tuyên truyền - xét tận cùng và quan trọng nhất, quyết định nhất -
phải có cái tâm, đạo đức trong sáng, xuất phát từ nhận thức về bổn phận phục vụ
Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội và đường lối đổi mới.
Ngẫm
lại những lời dạy sâu sắc của Bác lúc sinh thời về công tác tuyên truyền đến
bây giờ vẫn thấy thấm thía, vẹn nguyên giá trị để mỗi cán bộ tuyên giáo học và
làm theo./.
Nguồn:tuyengiao.vn