Học tập và làm theo lời Bác dạy báo chí cách mạng trong tình hình mới
Cách nay vừa tròn 77 năm, ngày 21-10-1946 trong chuyến công tác Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chủ bút tờ báo Dân chủ (cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh và duyên hải, trụ sở đặt tại Hải Phòng) Bùi Huy Thục: “...Báo chí phải dựa vào những cơ sở pháp lý để làm lợi khí đấu tranh...” (Sách Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2011).

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (tháng 5-1968). Ảnh TTXVN

 

Làm báo là làm cách mạng! Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ việc học làm báo. Người coi báo chí là công cụ quan trọng, yếu tố chính trị, tinh thần to lớn, làm nên sự thành công của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì vậy, báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu và mỗi nhà báo chính là một chiến sĩ cách mạng. Quả vậy, Hồ Chủ tịch đã sử dụng ngòi bút sắc bén của mình như “vũ khí lợi hại” để vạch trần tội ác của các nước xâm lược, đồng thời truyền bá không ngừng chủ nghĩa Mác-Lênin, lý tưởng mục tiêu, con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Thấm nhuần tư tưởng của Người, trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, báo chí Việt Nam đã phát huy vai trò truyền tải thông tin, và quan trọng hơn là thông qua việc đưa tin, báo chí góp phần định hướng dư luận, xây dựng tư tưởng cách mạng, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; lấy xây để chống, góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, “đề tài” xuyên suốt của các bài báo là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Những tác phẩm được ra đời trong thời kỳ này nhuốm màu khói lửa của chiến tranh, vương mùi thuốc súng, và cả những tác phẩm còn thấm máu đào của các nhà báo chiến sĩ. Thông qua các tác phẩm của mình, các nhà báo chiến sĩ đã thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong điều kiện chiến tranh ác liệt, công nghệ, phương tiện còn thiếu thốn, lạc hậu, nhưng chính báo chí Việt Nam, bằng nhiều cách làm sáng tạo, kiên trì, liên tục đã kịp thời, thông tin tuyên truyền tới toàn thế giới về tính chính nghĩa của cách mạng Việt Nam và sự phi nghĩa, phi lý, những tội ác tày trời của các đạo quân xâm lược thực dân, đế quốc. Điều đó đã tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay trên đất nước của thế lực xâm lược và nhanh chóng lan rộng toàn thế giới. Nhiều nhà báo nước ngoài đã sang Việt Nam để tìm hiểu về cuộc chiến tranh đó và viết lên những bài viết chính nghĩa, lên án các thế lực gây chiến đang tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam và cũng không ít binh lính của đối phương đã “quay đầu” hoặc chạy sang hàng ngũ quân đội ta để chiến đấu chống xâm lược… Từ các chiến trường, những bài viết nóng hổi hơi thở chiến đấu của quân và dân ta được đăng tải kịp thời đã góp phần động viên, củng cố ý chí, quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Ngày nay, kế thừa và phát huy những lời Bác dạy, báo chí tiếp tục trở thành lực lượng tiên phong trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Những năm qua, các thế lực thù địch luôn lợi dụng các công cụ truyền thông để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, công tác điều hành của Chính phủ, các ngành và các địa phương; tìm mọi cách làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đứng trước tình hình trên, hơn lúc nào hết, báo chí Việt Nam cần tiếp tục kiên định, kiên trì tôn chỉ, mục đích báo chí cách mạng; phát huy vai trò nòng cốt của mình trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực sự là cơ quan ngôn luận tuyệt đối trung thành của cấp ủy, chính quyền các cấp; quán triệt, cụ thể hóa đúng đắn, kịp thời, có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng cơ quan báo chí và đội ngũ báo chí các cấp. Mỗi cơ quan báo chí và mỗi cán bộ, phóng viên cần không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, “tự bồi dưỡng”, tích cực “tự soi, tự sửa”, thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực sự “lý luận sâu, tư tưởng vững, tâm trong, trí sáng, bút sắc”; nắm chắc luật pháp quốc tế, dựa chắc vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, nguyện vọng chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân để thực hành nghiệp vụ; đồng thời phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây cũng là tên chuyên mục, chuyên đề thể hiện sự chủ động và dũng khí đấu tranh, cách làm hiệu quả mà các cơ quan báo chí đã làm trong nhiều năm qua. Các nhà báo cách mạng đã, đang và tiếp tục trên tuyến đầu đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, vững tay bút trên mặt trận đặc biệt này và cũng là để tiếp tục thực hành “Lời dạy của Bác Hồ” với báo chí cách mạng trong tình hình mới.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập