Chuyển động tích cực từ ý thức tôn trọng nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Việc thực hiện tốt nội dung xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân theo Hướng dẫn học tập chuyên đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" của Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành sẽ làm tăng mối quan hệ khăng khít giữa dân với Đảng, với chính quyền; củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019.

Hiểu rõ về “ý thức tôn trọng nhân dân”

Trao đổi với Tạp chí Tuyên giáo, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, khi bàn tới nội dung xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phải khẳng định ý thức tôn trọng nhân dân vừa là tư tưởng, đạo đức, vừa là phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, ý thức tôn trọng nhân dân theo quan điểm của Bác thể hiện ở 5 nội dung như sau.

Thứ nhất, thể hiện ở khía cạnh Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá đúng vai trò của nhân dân trong tiến trình lịch sử, trong sự nghiệp cách mạng. 

Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là chủ thể, là người làm nên lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh nội dung đó, nhưng Bác đi vào khía cạnh rất cụ thể, đó là: Chính nhân dân là nguồn gốc sức mạnh của Việt Nam. Nếu không có nhân dân thì sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng không thể hoàn thành được. Trong xây dựng đất nước, sự nghiệp kiến quốc, sự nghiệp đổi mới là của nhân dân.

Trong cách mạng giải phóng dân tộc, khi mới về nước năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp có hỏi Bác: Chúng ta bắt đầu từ đâu? Bác đã trả lời, bắt đầu từ dân. “Phải lo dân trước, súng sau. Có dân thì sẽ có súng, có dân sẽ có tất cả”. Câu nói giản dị này đã đánh giá sự vĩ đại trong tầm nhìn của Bác về nhân dân. Bác Hồ đã phát triển tư tưởng coi trọng dân của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng này được bắt nguồn từ lịch sử của dân tộc Việt Nam đề cao vai trò của người dân.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã căn dặn: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Nguyễn Trãi đã từng nói: “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân?”. Hay Phan Bội Châu cũng đã từng nói:

“Dân là dân nước

Nước là nước dân.

Được lòng dân thì sống, không được lòng dân thì chết”.

Bác Hồ đã khẳng định vai trò, sứ mệnh của dân trong sự nghiệp cách mạng của mình. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Có dân giúp sức, ủng hộ và tin tưởng là bí quyết trường tồn của cách mạng. Tư tưởng của Bác luôn đề cao và đánh giá đúng vai trò của nhân dân.

“Mọi cán bộ, đảng viên hiện nay phải hiểu rõ, nhận thức đúng đắn về vai trò của nhân dân để không được coi thường dân hoặc có những hành vi hạ thấp vai trò của nhân dân; thậm chí coi nhân dân như lực lượng thụ động mà mình quản lý, ban ơn.” – PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Thứ haithể hiện ở khía cạnh vì dân. Ngay từ những năm 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nói giản dị và ngắn gọn: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Sự nghiệp cách mạng của Đảng ta cũng như tư tưởng của Bác đều hướng tới lợi ích của nước, của dân.

Năm 1927, trong tác phẩm Đường Cách Mệnh, Bác Hồ khẳng định lại một lần nữa, cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều. Quyền ở đây được hiểu là quyền lực và lợi ích, giao cho nhân dân. Đấy là mục tiêu của cách mạng, chứ không phải quyền lực là giao cho một số người được hưởng lợi ích. Lợi ích của cách mạng phải được trao cho dân chúng.

Năm 1945, cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã nói, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Bản thân người cầm quyền, chính quyền của ta là công bộc của dân, gánh việc chung cho dân, chứ không phải là người thống trị, cai trị dân, mà là người phục vụ dân. Đó là tư tưởng đặc sắc của Hồ Chí Minh.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, tư tưởng của Bác cần được hiểu rõ và nhấn mạnh, để cán bộ quản lý các cấp hiện nay, từ cấp phường, xã đến cấp Trung ương đừng nghĩ mình là người có quyền hành với dân, đừng “vác mặt làm quan cách mạng”, để dân khinh, dân ghét. Từ đó, có sự chuyển biến tích cực trong  nhận thức cán bộ, đảng viên phải luôn là “công bộc” của dân; không được ở trên dân, mà phải hòa với dân, lo cho dân.

Trong một lần gọi điện thoại, một đồng chí làm việc ở văn phòng Chủ tịch có nói: “Tôi ở trên Phủ Chủ tịch đây”, Bác chỉ nhẹ nhàng nhắc: Lần sau gọi điện, chú đừng có xưng danh “tôi ở trên Phủ Chủ tịch”. Bác và chú không ở trên ai cả. Bác và chú chỉ là người phục vụ dân thôi. Khi nào dân cần, Bác và chú làm việc. Khi nào dân không cần nữa, Bác và chú nghỉ.  Câu nhắc nhở của Bác rất thân tình, nhưng cũng rất sâu sắc về “đạo làm quan” trong chế độ của chúng ta. Đáng buồn là, hiện nay, vẫn còn tồn tại hiện tượng, chỉ có một chút quyền lực trong tay đã hoạnh họe, “bắt nạt” người dân, nên chúng ta càng thấy thấm thía về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Thứ ba, thể hiện ở khía cạnh, mọi việc đều phải được bàn bạc, thảo luận với nhân dân trước khi quyết định. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, tháng 10-1947, Bác đã khẳng định nội dung này rất rõ.

Vì sao phải làm như vậy? Theo Bác, bởi vì, nhiều khi người dân giải quyết vấn đề nhanh gọn, chóng vánh và hiệu quả mà có khi đoàn thể to tát, hay cán bộ lãnh đạo cấp cao ngồi nghĩ mãi không ra. Vì vậy, hãy thảo luận với dân để “gỡ” được vấn đề.

Bác có nói, xét cho đến cùng, người dân chịu sự tác động của ta. Nếu ta lãnh đạo tốt thì dân được hưởng điều tốt đẹp đó. Nếu ta lãnh đạo sai thì dân cũng phải gánh chịu hậu quả đó. Cho nên, mọi vấn đề phải thảo luận với dân trước khi quyết định, đừng áp đặt. Tư tưởng của Bác Hồ còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.

Thứ tư, thể hiện ở cái khía cạnh học cái hay, cái sáng tạo của dân và để hiểu dân một cách sâu sắc, để xử lý vấn đề tích cực. Vì sự nghiệp cách mạng xét đến cùng là lợi ích vì dân. Ngày 7-6-1960, trong bài nói tại Đại hội sản xuất tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), Bác khẳng định: “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”.

Một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam là: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Điều này được ghi rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung phát triển năm 2011. Điều này cũng bắt nguồn từ tư tưởng của Hồ Chí Minh về ý thức tôn trọng nhân dân. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi bắt đầu quá trình xây dựng, phát triển xã hội mới, Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đó là điều kiện chính trị, xã hội bảo đảm cho thi đua phát triển trong các tầng lớp nhân dân, lực lượng xã hội, lực lượng vũ trang nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược: Kháng chiến, kiến quốc. Người lãnh đạo là Đảng, là người hướng dẫn cho dân, cơ quan chính quyền là người thực thi quyền làm chủ của dân. Chúng ta phải nắm vững điều đó.

Thứ năm, thể hiện ở khía cạnh học hỏi nhân dân, nhưng không được “theo đuôi quần chúng”. Điều này Bác đã căn dặn ở trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Theo Bác, trong nhân dân, có bộ phận tích cực, có bộ phần lừng chừng (trung bình) và có bộ phận còn lạc hậu, hạn chế trong nhận thức. Tôn trọng nhân dân là phát huy tính tích cực, cái hay, cái sáng tạo của nhân dân. Nhưng bên cạnh đó, cần giác ngộ, giải thích nâng cao nhận thức của người dân, nhất là bộ phận còn trung bình, lạc hậu.

Hiện nay, cần phải tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ người dân để nâng vị trí của người dân, để người ta làm đúng được vị trí đó. Xét đến cùng, như Bác Hồ nói, cần trở lại công tác dân vận – vận động quần chúng.

 

Vận dụng tư tưởng xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân trong tình hình mới

 

Thực tiễn hiện nay cho thấy, đã có những sự chuyển động tích cực trong việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân.

Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thể hiện ý thức tôn trọng nhân dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên tiếp xúc cử tri, trước và sau các kỳ họp Quốc hội; thông báo nội dung trả lời của các cơ quan chức năng về những vấn đề cử tri kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc lần trước. Trong những lần tiếp xúc này, các đồng chí lắng nghe ý kiến của người dân, thậm chí, có sự giải thích, bàn bạc, thảo luận với người dân ngay tại các cuộc tiếp xúc.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội)

Ngày 10-1 vừa qua, tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân vận (CTDV), đánh giá kết quả thực hiện "Năm dân vận chính quyền" năm 2018; triển khai nhiệm vụ CTDV năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, năm 2019, các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc thực hiện có hiệu quả nội dung CTDV được xác định trong Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan CTDV đã ban hành.

Trong đó, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, nhất là công tác nắm tình hình nhân dân, nhất là ở những địa bàn có vấn đề phát sinh phức tạp; nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, nhất là những chính sách mới được ban hành; phát huy vai trò nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải pháp có hiệu quả nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình các tầng lớp nhân dân để chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy về chủ trương, giải pháp CTDV của Ðảng đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Tại các kỳ họp của Quốc hội, ý kiến của cử tri cả nước đều được phản ánh tới Quốc hội. Chỉ tính riêng tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa qua, đã có 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, có 365 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.611 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương.

Các địa phương đã ban hành và thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Theo đó, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,… đều trực tiếp đối thoại với người dân. Tính riêng ở tỉnh Hậu Giang, đến nay lãnh đạo tỉnh đã tiếp xúc với người dân 6 cuộc với 3.300 người dân tham dự, với 4.758 ý kiến của người dân. Các huyện, thị, thành tổ chức tiếp xúc 73 cuộc, có 6.879 người dân tham dự, với 9.549 lượt ý kiến của người dân. Xã, phường, thị trấn tổ chức tiếp xúc: 681 cuộc, có 27.770 người dân tham dự, với 4.348 lượt ý kiến của nhân dân.

Từ thực tiễn đó cho thấy, ý thức về sự tôn trọng nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được thực hiện và phát huy tính tích cực của nó. Từ sự nhận thức sâu sắc, hiểu rõ về ý thức tôn trọng nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có thể vận dụng tư tưởng này một cách tích cực trong tình hình mới, đẩy mạnh việc làm theo gương Bác.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, để vận dụng tư tưởng ý thức tôn trọng nhân dân hiện nay, trước hết, cần thực hiện đúng và tốt các quy định của “tin dân, hiểu dân, gần dân”.

Tin dân có nghĩa là tin vào sức mạnh, tin vào bản chất của người dân. Còn có bộ phận nào lừng chừng, lạc hậu, cần phải tuyên truyền, giải thích, giác ngộ cho người dân.

Hiểu dân có nghĩa là tìm hiểu xem người dân đang mong muốn điều gì; cuộc sống của người dân ra sao, ý nguyện của dân là gì, đời sống của họ có thuận lợi, khó khăn gì.

Muốn hiểu dân thì phải gần dân, cán bộ không được quan liêu, ngồi bàn giấy dự thảo các chỉ thị, nghị quyết. Cần phải xuống cơ sở, hòa mình với người dân, lắng nghe ý kiến của dân, chống xa dân.

Gần dân rồi phải bàn bạc, thảo luận với dân.

Nếu có điều gì sai, cần thành thật nhận lỗi trước dân. Bác Hồ đã căn dặn điều này trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. “Nghị quyết gì mà người dân cho là không đúng, thì phải để họ đề nghị sửa chữa”. Phải căn cứ vào đề nghị của người dân rồi mới tính toán các yếu tố khác để có những quyết sách hợp lòng dân, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Thứ hai, cần nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng”. Trong đó,

Dân biết: phải công khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để dân biết.

Dân bàn: dân biết để dân góp ý, thảo luận.

Dân làm: dân là người làm trực tiếp, người cán bộ chỉ là hướng dẫn.

Dân kiểm tra: dân là người giám sát xem việc làm có đúng không.

Quan trọng, dân phải là người được thụ hưởng kết quả tốt đẹp đó.

Chắc chắn, việc thực hiện tốt nội dung xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân theo Hướng dẫn học tập chuyên đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" của Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành sẽ làm tăng mối quan hệ khăng khít giữa dân với Đảng, với chính quyền; củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019.

 

- Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo -

 

 


Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập