Trường Sa lắng đọng cảm xúc thiêng liêng
Đầu năm 2024, tôi vinh dự được là một trong 2 phóng viên của Đài PT&TH Bắc Ninh cùng gần 100 phóng viên các cơ quan Báo chí trên cả nước tham gia chuyến công tác thăm, chúc Tết, động viên cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên quần đảo Trường Sa của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân. Vậy là, mong ước được một lần đến với Trường Sa thân yêu cũng được thực hiện trong chuyến công tác “đặc biệt” sau 24 năm tôi gắn bó với nghề báo.

Gìn giữ từng tấc đất quê hương.

 

Sau lễ xuất quân được tổ chức trang trọng tại quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), bốn con tàu rẽ sóng, hướng ra biển Đông mang mùa xuân đến với Trường Sa. Thời điểm cuối năm là mùa gió chướng, nên hải trình đến với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa gặp nhiều khó khăn, vất vả. Những đợt sóng dồn dập xô ngang làm con tàu rung lắc. Hầu hết chúng tôi đều bị say sóng, có lúc tưởng chừng như chẳng đủ sức lực, tâm trí để tiếp tục hải trình.

Nhưng điều đó trở nên nhỏ bé, khi ngay trên tàu, chúng tôi chứng kiến mất mát bất ngờ của một người lính hải quân đang trên đường ra quần đảo Trường Sa thực hiện nhiệm vụ. Anh nhận tin từ quê nhà, người bố thân yêu vừa qua đời. Nỗi đau không thể bật thành tiếng khóc, nén chặt vào trong mà nước mắt cứ lăn trên gương mặt rắn rỏi. Hướng mặt về đất liền, anh lặng lẽ quỳ xuống boong tàu, vái vọng cha mình, và bên anh là đồng đội, để con tàu tiếp tục lựa sóng vượt gió, vững vàng tiến về phía trước.

Trải qua gần 40 giờ vượt sóng to, gió cản, vượt qua 254 hải lý (khoảng 500 km), tàu 561 (Vùng 4 Hải quân) đã đưa chúng tôi đến điểm dừng chân đầu tiên là đảo Trường Sa. Khác với những gì tôi tưởng tượng, giữa muôn trùng khơi xa, đảo Trường Sa hiện ra hiền hòa, xanh tươi, đậm màu sự sống, niềm tin và khát vọng. Hình như cỏ cây, hoa lá nơi đây cũng khác, cứng cỏi, kiên cường bám đất giữ đảo tiền tiêu.

 

Duyệt đội ngũ trên đảo Trường Sa.

 

Trường Sa là đảo lớn trong quần đảo, là chốt tiền tiêu bảo vệ và khẳng định chủ quyền, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự chung tay của các địa phương, Nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, diện mạo của đảo không ngừng được đổi mới, ngày càng khang trang và vững chắc hơn. Đảo có Ủy ban Nhân dân, trường học, trạm xá, bưu điện đảm bảo phục vụ người dân cũng như chiến sỹ trên đảo. Nơi đây còn được xây dựng, trang bị nhiều công trình, trang thiết bị hiện đại như: Cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, trạm hải đăng, hệ thống năng lượng sạch, nhà khách Thủ đô,… Trên đảo cũng có nhiều công trình phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh cho người dân và cán bộ chiến sỹ như: Đài tưởng niệm liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa, phòng đọc với hàng nghìn đầu sách, sân bóng,…

Có lẽ không ở đâu và không bao giờ tôi có được cảm xúc thiêng liêng đến thế, khi được đứng trong buổi chào cờ đầu năm tại đảo Trường Sa. Trước cột mốc chủ quyền, quân, dân trên đảo trang nghiêm, thành kính hướng lên lá cờ Tổ quốc đang kiêu hãnh, hiên ngang tung bay trong gió. Trong tiếng nhạc trầm hùng, phút cúi đầu mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh, nghe trong tiếng sóng âm vang vọng về có hồn thiêng của 64 Anh hùng liệt sĩ đã cống hiến cuộc đời mình, anh dũng ngã xuống trong trận chiến chống xâm lược năm 1988- trận chiến Gạc Ma. Đảo Cô Lin, Len Đao đã được giữ bằng sự hi sinh xương máu ấy, để cờ Tổ quốc tung bay hào hùng, khẳng định chủ quyền. Hồn thiêng các thế hệ ngã xuống để bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo đã trở thành một phần đất nước, mãi tô thắm lá cờ Tổ quốc- niềm tin và tự hào của mỗi người dân Việt.

Từ trái tim các chiến sĩ hải quân và các lực lượng trên đảo, 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam hào hùng hòa trong sóng, gió Trường Sa: “Xin thề, hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam”, là tôn chỉ để mỗi cán bộ, chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ ở Trường Sa trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng vượt qua khó khăn, trở thành niềm tin vững chắc của ngư dân, của Nhân dân, Tổ quốc.

 

Ấn phẩm báo Bắc Ninh đến với người lính đảo.

 

Trong hải trình mang tình cảm của đất liền đến với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi được chứng kiến những tình cảm quân-dân trên biển khi gặp tàu cá của ngư dân xin tiếp tế lương thực, thực phẩm. Giữa biển khơi muôn trùng sóng nước, cảm xúc khi gặp được đồng bào vươn khơi bám biển thật đặc biệt. Tình cảm thân thiết, gần gũi như người thân lâu ngày gặp lại với những nụ cười tươi trẻ, những vòng tay xiết chặt là tình quân dân thắm thiết, nồng nàn của những cán bộ, chiến sĩ được rèn luyện và trưởng thành trong gian khó. Tàu 561 đã hỗ trợ 40 kg gạo cùng các loại dầu ăn, mắm, muối và rau xanh, giúp ngư dân cải thiện bữa ăn trong những ngày đi biển. Anh Phan Tài, tàu cá KH77524TS xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: Tôi đi biển hơn 2 tháng nay, lương thực mang theo đã sắp hết, thật may mắn gặp được tàu Hải quân ở đây.

Trong đoàn công tác của cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí, tôi đặc biệt ấn tượng với nhà báo Đặng Thị Phương Hoa, Hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang, người đã có 5 lần đến với Trường Sa. Mỗi chuyến đi của chị là gói ghém tình cảm yêu thương của đất liền bằng những món quà quê, đặc sản vùng miền Hà Giang như mộc nhĩ, nấm hương, măng rừng, bánh Tam giác mạch… gửi đến đủ 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa, mong được chia sẻ những niềm vui, những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ nơi đầu sóng tiền tiêu.

Hải trình hơn 20 ngày gian nan sóng gió, được đặt chân lên những hòn đảo mà tên gọi đã trở thành một phần máu thịt của Tổ quốc: Trường Sa, An Bang, Đá Đông, Đá Tây…, tôi mới hiểu vì sao Trường Sa là tiếng gọi thiêng liêng trong triệu triệu trái tim người Việt. Bởi vì nơi đó, giữa thời tiết khắc nghiệt, giữa bốn bề sóng cuộn, có những người lính trung kiên, gác lại hạnh phúc đời thường để vững chắc tay súng nơi đầu sóng, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

“Đến Trường Sa, thấy mình thêm yêu Tổ quốc”! Đó là cảm nhận trong tôi và các đồng nghiệp trong chuyến công tác, bởi chúng tôi đã cùng nhau trải qua sóng gió và cách trở, để thấu hiểu những hy sinh, kiên trung thầm lặng của bao thế hệ người lính đảo. Một lần về Trường Sa, chúng tôi lại có thêm nhiều câu chuyện kể cho những người chưa đến. Nhớ một ánh mắt, một nụ cười giản dị, ấm áp... tất cả lắng sâu thêm tình người, tình yêu đất nước quê hương: “Hãy giữ lấy biển rộng bao la/ Cho Tổ quốc mình đẹp muôn màu hoa/ Và dịu dàng trong mỗi khúc dân ca.... ” .

Phương Hoa (Đài PT&TH Bắc Ninh)
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập