Với mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hướng tới phát triển công nghiệp bền vững, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Samsung triển khai các chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Đầu tháng 11 vừa qua, Bắc Ninh tổ chức Triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam năm 2024 với sự tham gia của hơn 600 gian hàng đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Đức, Anh… trưng bày, giới thiệu sản phẩm máy móc, công cụ và dụng cụ, thiết bị công nghiệp, gia công cơ khí, tự động hóa, công nghệ in và thiết kế 3D; giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0, IoT, sản xuất thông minh, AI, Robot trong công nghiệp và logistic…Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.
Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam là một trong những nhà sản xuất, lắp ráp xe máy lớn nhất tại Việt Nam, bên cạnh đó, Yamaha Motor Việt Nam còn được biết đến là nhà sản xuất các thiết bị tự động hoá, cung ứng các giải pháp công nghệ cho sản xuất công nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng khả quan tại thị trường Bắc Ninh, đơn vị này đang định hướng Bắc Ninh là thị trường trọng điểm cho các sản phẩm phục vụ sản xuất công nghiệp. Ông Ogasawara Satoshi, Chuyên gia phân tích thị trường quốc tế, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam cho biết: Ngành công nghiệp phụ trợ đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nhưng cũng đầy tiềm năng phát triển. Bắc Ninh là địa phương tập trung các dự án của các tập đoàn lớn, có thương hiệu nổi tiếng trong khu vực và thế giới như: Canon, Samsung Electronics, Samsung Display, Hồng Hải Foxconn, ABB, Amkor, Goertek… Các dự án đều sử dụng máy móc, thiết bị thế hệ mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất các sản phẩm sạch, không phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm cũng như phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Với 16 Khu Công nghiệp tập trung, Bắc Ninh đang trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp trọng điểm phía Bắc; cho thấy tiềm năng lớn về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với định hướng phát triển nền công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh, nhiều chuyên gia nhận định, dư địa để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Bắc Ninh là rất lớn, đặc biệt là trên các lĩnh vực: Máy móc, thiết bị công nghiệp, gia công cơ khí, tự động hóa, công nghệ in và thiết kế 3D, các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 sản xuất thông minh và tự động hóa cao trong sản xuất công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn tham quan trưng bày công nghiệp bán dẫn Bắc Ninh tại Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam (ngày 7-11).
Sự phát triển của các KCN với hơn 1.200 doanh nghiệp FDI là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của tỉnh, góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đưa nền kinh tế của tỉnh tham gia hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Sự phát triển của các KCN là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, công nghệ cao của tỉnh.
Thu hút đầu tư có chọn lọc, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo là cần thiết để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Việc thúc đẩy các chương trình hợp tác, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đang mang lại tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung, của tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mà còn giúp doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất của ngành công nghiệp phụ trợ. Được biết, từ đầu năm đến nay có gần 1.700 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng nhân lực qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh, với nhu cầu tuyển hàng chục nghìn lao động. Nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang rất lớn, nhiều doanh nghiệp đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Bắc Ninh. Sự thông thoáng về môi trường đầu tư, thì việc sẵn sàng nguồn nhân lực không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp công nghệ cao mà còn đảm bảo sự phát triển công nghiệp phụ trợ của kinh tế Bắc Ninh.
Mới đây, Bắc Ninh cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành chính sách hỗ trợ việc giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số. Nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng, đây là chính sách quan trọng để Bắc Ninh trở thành “Thủ phủ công nghiệp công nghệ cao”.