Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh tiếp tục giữ vững tốp đầu cả nước - Sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, toàn diện và quyết liệt của Đảng ủy Sở GD-ĐT, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nâng cao tinh thần, trách nhiệm, nghiêm túc thực hành “nêu gương”, qua đó đã tham mưu, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng; Nghị quyết số 12-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030”; thực hiện tốt Chủ đề năm học 2023-2024 “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, hoàn thành xuất sắc chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần đưa ngành GD-ĐT Bắc Ninh tiếp tục giữ vững tốp đầu cả nước - Sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu về chất lượng giáo dục và đào tạo

Năm học 2023 – 2024 tỉnh Bắc Ninh có 506 trường học với 383.176 trẻ mầm non và học sinh các cấp học, 89 cơ sở ngoại ngữ, tin học, 10 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập; 30 đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; 36 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ tư vấn du học; 126 trung tâm học tập cộng đồng.

Cấp ủy, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã có nhiều sáng tạo trong đổi mới, tổ chức, thực hiện kế hoạch, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển; từng bước thực hiện việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ở tất cả các cấp học, ngành học; tiếp tục đưa Bắc Ninh giữ vững tốp đầu cả nước về chất lượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; số lượng thủ khoa, á khoa và điểm thi vào đại học…

Bắc Ninh là một trong những địa phương sớm có cơ chế, chính sách đổi mới, thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo, nổi bật là cơ chế khuyến khích, động viên đối với học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, giáo viên có thành tích phát hiện, đào tạo học sinh giỏi; chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp; chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Việc triển khai chương trình giáo dục mầm non có nhiều đổi mới, nổi trội; tổ chức tốt việc: Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, xanh, an toàn, thân thiện, lấy trẻ em làm trung tâm. Công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn thực hiện tốt. Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ được triển khai sâu rộng; bảo đảm trẻ đến trường được kiểm tra sức khoẻ và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới...

Giáo dục tiểu học được đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và tự học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; hoạt động giáo dục trải nghiệm có nhiều đổi mới, sáng tạo. Chất lượng giáo dục được duy trì ổn định, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt môn học, năng lực, phẩm chất ngày càng tăng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tỷ lệ huy động số trẻ trong độ tuổi đi học tiểu học đạt 100%; tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,2%; số học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt tỷ lệ 99,6%; tích cực vận động trẻ em khuyết tật học hòa nhập, duy trì sĩ số học sinh, giảm tỉ lệ lưu ban, không có học sinh bỏ học; 100% học sinh học 2 buổi/ngày, đáp ứng lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Giáo dục trung học đã quan tâm giáo dục toàn diện; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá theo lộ trình và kế hoạch; tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn học liệu nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; tăng cường giao lưu, hội nhập, hợp tác trong giáo dục nhằm phát huy về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; tiếp tục triển khai tích hợp, lồng ghép các nội dung trong chương trình giáo dục tự chọn như: Sinh hoạt câu lạc bộ, dạy hát quan họ, dạy bơi, võ cổ truyền,...

Tỷ lệ huy động học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%; tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS đạt 99,77%; tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT đạt 99,81%.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm, động viên các cơ sở phát huy nội lực, tích cực vận động, làm tốt công tác xã hội hoá để tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia được chú trọng quan tâm đầu tư triển khai; 99,6% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Công tác chuyển đổi số được triển khai đồng bộ; triển khai tốt cơ sở dữ liệu ngành, quản lý văn bản, ký số điện tử. Tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, thực hiện sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; tổ chức tiết học giáo dục địa phương, môn lịch sử kết nối trực tuyến từ các di tích tới các lớp học…

Xây dựng Bắc Ninh trở thành trung tâm lớn của cả nước về giáo dục, đào tạo nhân lực – Sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Năm học 2023-2024 Bắc Ninh có 79/86 thí sinh đoạt giải trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT (với 11 giải Nhất, 23 giải Nhì, 28 giải Ba, 17 giải Khuyến khích, đạt tỷ lệ 91,86%, xếp thứ 2 toàn quốc); có 15 học sinh được triệu tập dự kỳ thi chọn Đội tuyển Olympic quốc gia; Tại Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2024: có 03 học sinh dự thi, trong đó: 01 học sinh đoạt Huy chương Vàng thi Olympic quốc tế môn Hóa học; 01 học sinh đoạt Huy chương đồng Olympic quốc tế môn Toán; 01 học sinh đoạt Huy chương đồng Olympic Vật lý châu Âu.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đạt 7,21 điểm trung bình các môn thi, xếp thứ 5 toàn quốc; điểm trung bình các môn Vật lý, Toán, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Tiếng Anh nằm trong tốp 10 toàn quốc; có 13 Thủ khoa Khối C toàn quốc với tổng điểm 29.75; 37 Á khoa Khối C toàn quốc với tổng điểm 29.50; 02 Á khoa Khối D toàn quốc với tổng điểm 28.70; Toàn tỉnh có 2.558 lượt thí sinh đạt điểm trên 26.50...

Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” năm 2024 tỉnh Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng giải, với tổng số 114 giải, tỷ lệ đạt giải 87,6%, gồm 5 giải Nhất, 8 giải Nhì, 30 giải ba, 73 giải khuyến khích. Đặc biệt, có 5/38 giải Nhất, chiếm 13% tổng số giải Nhất của cả nước; Tại Kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh toàn quốc lần thứ 30: 02 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc và 03 Huy chương Đồng; Sân chơi “Trạng Nguyên Tiếng Việt” năm 2024: Bắc Ninh có 02 em nằm trong tốp 10 thí sinh cao điểm nhất Hội thi; 01 giải Bảng Nhãn, 01 giải Hoàng Giáp, 09 giải Nhất, 10 giải Nhì và 9 giải Ba,...

Đồng chí Nguyễn Thế Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, trong những năm qua, Đảng ủy Sở GD-ĐT đã phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng và khoa bảng của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm “Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050” chủ động cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Đảng và tỉnh Bắc Ninh bằng các cơ chế, chính sách kịp thời, đồng bộ, qua đó đã đưa Bắc Ninh đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều năm liên tục là địa phương dẫn đầu cả nước về GD-ĐT.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Đảng ủy Sở GD-ĐT xác định mục tiêu duy trì, giữ vững chất lượng tốp đầu cả nước một cách “Toàn diện - Vững chắc - Vượt trội” là tiền đề quan trọng để xây dựng Bắc Ninh thành trung tâm lớn của cả nước về giáo dục, đào tạo nhân lực mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, thực chất giáo dục, đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi – Sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Sở GD-ĐT tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, nghiêm túc thực hành “nêu gương” bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, góp phần thực hiện tốt chủ đề năm học 2024 - 2025: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”; thực hiện tốt phương châm chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể của các hoạt động giáo dục; thầy, cô giáo là động lực; nhà trường là bệ đỡ; gia đình là điểm tựa và xã hội là nền tảng”; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua: “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Dạy tốt, Học tốt, Quản lý tốt”; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đổi mới Chương trình GDPT 2018; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá; tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế mà Việt Nam đã cam kết; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên...

ĐẶNG ĐÌNH TÍNH

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập