Vững chãi đảo Sinh Tồn
Đảo Sinh Tồn (xã đảo Sinh Tồn) là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo có các hộ dân sinh sống, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh như: Nhà văn hóa, trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới.

Cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn.

 

Đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 09o53’07N, kinh độ 114o19’47”E. Đảo chạy dài theo hướng Đông - Tây. Rìa ngoài của nền san hô ngập nước cách bờ đảo từ 300m - 600m. Xung quanh đảo có tường kè chắn sóng, có bờ cát rộng từ 5m-10m; phía 2 đầu của đảo theo hướng Đông Tây có 2 doi cát. Đảo có nhiều cây xanh rợp bóng mát, không có giếng nước ngọt.
Huyện đảo Trường Sa hiện có 9 ngôi chùa, chủ yếu nằm ở các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sơn Ca, Phan Vinh, Sinh Tồn ... Chùa Sinh Tồn được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, chính điện hướng về thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có bia ghi Phương danh anh linh 64 liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988. Trên đảo có một tấm biển ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Đất trên đảo là cát san hô nên hầu như không trồng được cây ăn quả, rau xanh, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như: Mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng quả vuông, cây bão táp, cỏ dại, đất qua cải tạo trồng được rau xanh như giàn bầu, bí, mướp rồi mướp đắng sai trĩu quả; rau muống, rau cải, mùng tơi và rau đay tốt ngợp bằng đất chở từ đất liền ra. Có những cây được mang ra từ đất liền, rồi bộ đội nhân giống. Trên đảo nuôi được chó, lợn, gà, vịt. Vượt qua bão tố, nắng hạn, dưới bàn tay của người lính, những mầm xanh của các loại cây đua nhau nảy lộc, cứ lớn dần lên, khẳng định sức sống mãnh liệt trên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.
Trung tá Trần Danh Hoàng - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn chia sẻ: Dù đất nước bước vào thời bình đã lâu, tuy nhiên, để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngày ngày các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Sinh Tồn nói riêng vẫn không ngừng rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo công tác tuần tra, bảo vệ theo kế hoạch đề ra. Các đơn vị trên đảo luôn quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp trên, hiệp đồng chặt chẽ trong tất cả các nhiệm vụ.
Ở đảo Sinh Tồn thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, mùa khô nắng nóng kéo dài, mùa mưa thì giông bão liên tục xảy ra. Điều khác hẳn với các đảo trên quần đảo Trường Sa là ở vùng biển của đảo Sinh Tồn, nước biển có độ mặn cao hơn và mùa mưa thì dường như ngày nào cũng có giông bão. Mặc dù vậy, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức tuần tra, canh gác chặt chẽ 24/24 giờ. Đặc biệt vào các ngày lễ, Tết, công tác tuần tra, kiểm soát lại càng được thực hiện nghiêm ngặt, nhằm kịp thời phát hiện những mục tiêu có dấu hiệu xâm phạm vùng biển, vùng trời của Việt Nam và sẵn sàng trong mọi tình huống.
Đảo Sinh Tồn là một trong 5 đảo giải phóng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa vào ngày 28/4/1975. Từ đó, ngày 28/4 trở thành ngày truyền thống của Đảo. Trải qua 48 năm, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước kế tiếp nhau thực hiện nhiệm vụ gìn giữ đảo. Với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, quân và dân trên đảo luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luôn cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, lập nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với những thành tích và kết quả đạt được, quân dân xã đảo Sinh Tồn hoàn thành tốt nhiệm vụ và vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng.

  Lưu Văn Tuấn
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập