Nâng cao cảnh giác, nhận diện và chủ động đấu tranh với các hoạt động chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

         Công tác Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang được các cơ quan chức năng tích cực tiến hành. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị vẫn đang tiến hành nhiều hoạt động với tính chất chống phá quyết liệt, đặc biệt trên không gian mạng.

Thời gian gần đây, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã đăng tải nhiều video, bài viết, hình ảnh, thậm chí phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội với mục đích kêu gọi người dân không tham gia bầu cử hoặc vận động ủng hộ một số trường hợp cơ hội chính trị “tự ứng cử” ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026; hô hào các hội nhóm dân chủ trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô, ủng hộ cho các “nhà dân chủ” để gây rối, phá hoại cuộc bầu cử. Đồng thời, chúng đưa những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ Xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam và kích động người dân “tẩy chay”, phá hoại công tác chuẩn bị cuộc bầu cử, gây nhiễu loạn thông tin, khiến cho nhiều người hiểu sai các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam…[1].

Để chuẩn bị cho cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tháng 6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó nêu rõ: Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, Đảng lãnh đạo thực hiện tốt công tác lựa chọn, hiệp thương, những vấn đề về nguyên tắc bầu cử, yêu cầu bầu cử, để bảo đảm cho một cuộc bầu cử khách quan, trung thực, chính xác, phổ thông, bỏ phiếu kín, trực tiếp, dân chủ khách quan và thực sự là ngày hội của quần chúng.

Công tác rà soát lựa chọn ứng cử viên tiêu biểu cũng được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, dân chủ, trong đó bảo đảm đúng, đủ cơ cấu, số lượng đại biểu, đặc biệt là tỷ lệ nữ, người trẻ tuổi, người dân tộc thiểu số, người ngoài đảng và tái cử. Cùng với đó, quá trình hiệp thương được thực hiện một cách công khai, minh bạch với sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Công tác tổ chức hiệp thương của chúng ta được tiến hành 03 lần: Lần thứ nhất, hiệp thương cách 95 ngày so với ngày bầu cử chính thức; lần thứ hai, hiệp thương cách 65 ngày so với ngày bầu cử chính thức; lần thứ ba, hiệp thương cách 35 ngày so với ngày bầu cử chính thức. Qua đó đảm bảo dân chủ, khoa học, chuyên nghiệp. Quá trình chuẩn bị triển khai vừa qua là minh chứng cụ thể, rõ nét, khách quan, minh bạch, dân chủ trong cơ chế bầu cử. Những luận điệu vu cáo và chống phá của các phần tử phản động, thế lực thù địch cần được nhận diện và lên án.

Từ nay đến ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026, các thế lực thù địch sẽ vẫn tiếp tục xuyên tạc, chống phá cuộc bầu cử. Để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung một số nội dung sau:  

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc nhận diện các hoạt động phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị; xác định việc đấu tranh với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch công việc thường xuyên, lâu dài, phức tạp. Do đó, phải được đặt dưới sự lãnh của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng để người dân, nhất là thế hệ thanh niên nhận thức đúng và đầy đủ về tính tất yếu của sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội nói chung, cũng như đối với công tác bầu cử nói riêng. Đặc biệt, cần tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, khả năng nhận diện và “miễn dịch” đối với các thông tin xấu độc, xuyên tạc về cuộc bầu cử.

Thứ ba, chủ động thực hiện công tác nắm tình hình từ xa, dự báo kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá bầu cử của các thế lực thù địch để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, internet và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này. Qua đó, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm minh các đối tượng đăng tải các tin, bài, clip có nội dung xấu, độc hại, trái với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Lưu Văn Tuấn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

 

 



[1] Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có hàng nghìn trang mạng xã hội phản động thường xuyên đưa tin xuyên tạc tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và một số cá nhân, hội nhóm chống đối trong nước.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập