“Nói không” với tin giả trên không gian mạng. Ảnh: K.T
Từ những hành động thiếu trách nhiệm với xã hội
Đêm 31-3-2021, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh có công văn hỏa tốc về việc xử lý thông tin giả mạo trên mạng xã hội. Theo đó, trên một số trang mạng xã hội đăng tải văn bản số 314/UBND-KGVX ngày 31-3-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nội dung văn bản đó là giả mạo, không đúng với tình hình thực tế và sự chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tại thời điểm hiện tại. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 1-4 phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh xác minh làm rõ trường hợp đăng tải văn bản giả mạo trên là một học sinh ở thành phố Bắc Ninh. Học sinh này khai nhận, vì muốn trêu đùa bạn bè nhân ngày Cá Tháng Tư đã tự ý tải văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh và chỉnh sửa một số nội dung trên rồi gửi vào nhóm chat Facebook message của nhóm kín và đăng tải lên tài khoản Facebook ở chế độ riêng tư. Nhưng hình ảnh văn bản giả mạo đó đã bị phát tán trên MXH với sự chia sẻ của nhiều học sinh gây hoang mang trong dư luận và phụ huynh học sinh.
Trước đó, Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Dương Đình Phúc, 36 tuổi ở xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Theo đó, ngày 10-8-2020, trên trang facebook cá nhân “Dương Phúc” đăng tải bài viết với nội dung “HÃY TRÁNH XA BLUEZONE” trong đó đưa những thông tin không chính xác về việc triển khai, cài đặt ứng dụng Bluezone. Hay trường hợp của Nguyễn Công Hoàng, có tài khoản Facebook cá nhân “Hoang Nguyen Cong” đã đăng tải bài viết với nội dung không đúng về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã khiến nhân dân hoang mang, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh. Tại cơ quan Công an Hoàng, Phúc và học sinh trên đã thừa nhận hành vi vi phạm và cam kết không tái vi phạm quy định của pháp luật.
Những vụ việc trên đây chỉ là số ít so với hàng ngàn trường hợp đưa tin sai sự thật trên toàn quốc và đến vài chục trường hợp tại tỉnh Bắc Ninh thời gian qua. Điều đó cho thấy, tin giả trên không gian mạng là vấn đề rất phức tạp ảnh hưởng lớn đến tình hình ANTT và ATXH hiện nay. Hậu quả đã làm nhiễu loạn thông tin, tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế, khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước. Nguồn tin giả còn làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc cũng như thái độ, suy nghĩ và quyết định của người dân với nhiều vấn đề của đất nước; làm suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông của đất nước nói chung và báo chí nói riêng, khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận...
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đưa tin giả trên không gian mạng
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhưng nguyên nhân cơ bản là do người dùng MXH thiếu kiến thức pháp luật, sự thiếu cẩn trọng của người tạo và đưa tin trên các phương tiện truyền thông, vô tư chia sẻ thông tin không kiểm chứng nguồn gốc, không bảo đảm tính chính xác. Một mặt do người dùng MXH thiếu trách nhiệm, muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng từ việc câu like, câu view nên đã cố tình đưa những thông tin sai lệch. Một nguyên nhân có tính đặc biệt nguy hiểm nữa là do những người có hiểu biết, có tri thức, nhưng vẫn cố tình thổi phồng, đưa tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, vô căn cứ nhằm gây bất ổn tình hình trật tự xã hội; hay từ những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng MXH để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch...
Cần tăng cường ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tin giả trên không gian mạng
Trước những hệ lụy từ tin giả, việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Để làm tốt công tác này cần có các giải pháp đồng bộ và khoa học, cụ thể:
Thứ nhất: Cần nâng cao nhận thức cho mọi người dân về tác hại của tin giả. Trên thực tế phần lớn người dân sử dụng MXH như một thói quen, chưa có kiến thức nhất định và kỹ năng ứng xử với những thông tin trên MXH. Để nâng cao nhận thức của người dân cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền (trên các kênh báo chí, truyền thông, hoặc qua các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật về các vấn đề xã hội lồng ghép với kiến thức về MXH...), qua những buổi sinh hoạt cộng đồng, khu phố, thôn, xóm; các tổ chức đoàn thể... từ đó cung cấp thông tin, kiến thức, làm tăng “sức đề kháng” để giúp người dân phân biệt, nhận thức ngăn chặn, loại trừ tin giả, làm trong sạch môi trường thông tin trong xã hội.
Thứ hai: Tăng cường sự kiểm soát của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, xử lý các vi phạm đưa thông tin giả trên MXH. Trước âm mưu, thủ đoạn lợi dụng MXH để chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải chú trọng nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, đồng thời phải đầu tư trang thiết bị, công nghệ để phát hiện, ngăn chặn, cảnh báo và xử lý kịp thời tin giả cũng như các đối tượng tạo lập, phát tán tin giả. Đi liền với đó cần xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên sâu có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận, nhiệt huyết, có trình độ, khả năng chuyên môn cao, sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật để khai thác, phản bác thông tin xấu độc, nhất là ở những thời điểm phức tạp, những vấn đề dư luận quan tâm.
Thực tế những vụ việc đưa tin giả trên MXH trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã bị các cơ quan chức năng làm rõ trong thời gian ngắn là do có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan an ninh với các nhà mạng trong quản lý, xử lý tin giả. Nhưng để ngăn chặn kịp thời tin giả phát tán trên MXH thì giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan điều tra cũng như các nhà cung cấp dịch vụ cần có quy chế phối hợp khoa học, hợp lý, sàng lọc và kịp thời gỡ bỏ, không để tin giả lan truyền trên MXH, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh mạng nói riêng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước nói chung.
Thứ ba: Tăng cường chế tài xử lý nghiêm các đối tượng tung tin giả theo quy định của pháp luật. Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định quyền tự do thông tin của công dân, đồng thời quy định cả trách nhiệm của người dân khi sử dụng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Gần đây là Nghị định số 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định 15 ra đời là một chế tài quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống thông tin giả, tin sai lệch, xấu độc đang tràn lan trên không gian mạng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tin giả trên MXH có chiều hướng ngày càng gia tăng, đòi hỏi cần có những quy định “mạnh tay” hơn để xử lý các đối tượng tạo và phát tán tin giả nhằm góp phần ổn định tình hình chính trị và xã hội. Cần tiến hành song song hai biện pháp là xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật; đồng thời kiên trì tuyên truyền, định hướng cho người dân về những nguyên tắc cần tuân thủ khi tham gia mạng xã hội.
Thứ tư: Tăng cường công tác tuyên truyền tại các cơ quan báo chí, truyền thông. Cùng với việc giáo dục, nâng cao nhận thức của người tiếp nhận thông tin, các cơ quan báo chí, truyền thông cần đẩy mạnh các nội dung thông tin, bảo đảm kịp thời, chính xác, nhất là trước các vụ việc, sự kiện “nóng”, được dư luận đặc biệt quan tâm. Cần tăng cường thông tin chính thống trên hệ thống báo chí, truyền thông, bảo đảm chính xác, kịp thời, góp phần ngăn chặn tin giả, tin gây thất thiệt trên internet và mạng xã hội; kiên quyết đấu tranh loại bỏ thông tin “bẩn”, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, nhân dân của thế lực thù địch... Cùng với làm tốt việc bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ phóng viên, cần nêu cao trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, xét duyệt chặt chẽ các thông tin trước khi cho đăng tải, tránh xảy ra những sai sót để các đối tượng lợi dụng phát tán tin giả. Các cơ quan báo chí cũng cần tích cực, chủ động cùng với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các sai phạm đối với các tổ chức, cá nhân thông tin giả trên mạng xã hội.
Thứ năm: Nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của công dân khi tham gia mạng xã hội. Bản thân mỗi công nhân cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng tránh gây hoang mang trong dư luận. Trước khi tự đăng tải thông tin hoặc chia sẻ từ người khác lên MXH cần là người dẫn thông tin có trách nhiệm, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của công dân khi tham gia mạng xã hội, tránh tình trạng cảm tính, nóng vội. Đối với cán bộ, công chức khi tham gia MXH phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, chấp hành nghiêm các điều lệ, quy định của tổ chức, có thái độ và cách hành xử đúng đắn. Có quan điểm, lập trường vững vàng khi tiếp cận thông tin xấu độc, từ đó có hành động phù hợp, đồng thời có trách nhiệm định hướng, tuyên truyền và làm gương giúp người dân nắm bắt vấn đề chính xác, cụ thể, không đưa, hay chia sẻ thông tin có nội dung gây kích động, thù địch, đi ngược với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước.
- Nguồn: baobacninh.com.vn -