Những người thầy tâm huyết trên đảo Trường Sa
  

        Đầy nhiệt huyết, hy sinh tuổi trẻ của mình, ngày ngày kiên trì "gieo chữ" cho các em nhỏ trên đảo. Nhiều năm qua, họ vừa là giáo viên, vừa như người mẹ, đồng thời là chiến sĩ góp phần canh giữ biển, đảo Tổ quốc. Đó là những thầy giáo ở Huyện đảo Trường Sa. Đến Trường Sa, giữa bốn bề sóng biển, nghe tiếng trống trường vang lên, tiếng trẻ bi bô đánh vần thật là xúc động. Cảm giác thân thuộc, gần gũi như ở đất liền bỗng ùa về.

          Để các gia đình từ đất liền ra lập nghiệp yên tâm bám đảo, bám biển, trẻ em không bị thiệt thòi so với đất liền, vậy là các trường Tiểu học của thị trấn Trường Sa, 2 xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã được thành lập. Đã có nhiều lượt giáo viên từ đất liền xung phong ra đảo dạy học. Việc dạy và học theo chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để được ra Trường Sa dạy học là một niềm vinh hạnh cũng như mong muốn của biết bao bạn trẻ. Ở nơi đó không những đòi hỏi về công tác chuyên môn, mà còn phải có sức khỏe, sự kiên trì, dũng cảm. Mỗi người có hoàn cảnh riêng, khó khăn vất vả, thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất, song các thế hệ thầy, trò nơi đảo xa đã vượt lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học.

          Một trong số những giáo viên đang dạy học ở đảo, chúng tôi thực sự ấn tượng với người thầy đầy nghị lực, đó là thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, hiện đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây. Tâm sự về ước mơ được làm thầy giáo, thầy Nguyễn Hữu Phú, chia sẻ: Quê ở tỉnh Quảng Ngãi, gia đình vào định cư ở Khánh Hòa, Phú là con út trong gia đình có 9 anh chị em. Do đông con, hoàn cảnh gia đình khó khăn, các anh chị đều phải nghỉ học từ rất sớm để đi làm giúp ba, mẹ. Năm học lớp 8, Phú cũng suýt phải nghỉ học để ở nhà giúp ba, mẹ làm ruộng. Thấy em vẫn muốn được học, vậy là các anh, chị vất vả lo việc để có tiền và thời gian cho Phú đi học hết phổ thông. Việc ôn thi đại học cũng là chuyện khó bởi không được dự ôn luyện tại các trường, vậy là Phú mượn sách, vở của bạn bè và vừa lo việc gia đình vừa ôn thi. Trượt đại học, mẹ ốm rồi mất, ba cũng bị bệnh nằm liệt giường, các anh chị ở riêng và cũng phải mưu sinh để kiếm sống. Vậy là Phú làm thuê nhiều nghề, miễn sao có tiền thuốc thang chăm mẹ, rồi chạy chữa cho ba. Ước mơ được học sư phạm, được là thầy giáo đành gác lại. Rồi ba mất, vượt lên nỗi đau, Phú ôn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Bỏ học đã gần 10 năm, việc ôn lại kiến thức cũng không hề đơn giản, nhưng Phú luôn phấn đấu vượt qua. Đúng ngày giỗ ba, Nguyễn Hữu Phú nhận được tin báo trúng tuyển. Vậy là gần 30 tuổi, thầy Phú mới đạt được ước mơ được đi học trường sư phạm. Cũng trong thời gian ôn thi và học sư phạm, Phú luôn tranh thủ đi làm thuê để có tiền đi học. Tốt nghiệp, ra trường đi dạy ba năm, thầy Phú viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học và mong ước của thầy trở thành hiện thực: Là giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây. 

          Việc học và dạy của thầy Nguyễn Hữu Phú cũng không mấy suôn sẻ: Đó là đầu năm 2012, khi đang học Cao đẳng Sư phạm, Phú bị tai biến nhẹ, có nguy cơ bị bại liệt nửa người. Biết được hoàn cảnh của Phú, thầy thuốc phòng châm cứu không lấy tiền phí điều trị, mà còn hỗ trợ Phú thêm thuốc để uống. Mất một thời gian trị liệu, chữa khỏi tai biến nhưng một mắt của Phú yếu dần, sau đó cả 2 mắt đều yếu. Nếu không can thiệp kịp thời, mí mắt bị kéo xuống sẽ không nhìn thấy nữa. Tháng 5 vừa qua, thầy Phú phải tạm xa đảo, đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để chữa trị mắt. Chiều 12/6, nghe tin thầy giáo Nguyễn Huy Phú, đi chữa bệnh, đoàn công tác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức đến Bệnh viện Quân đội 108 thăm hỏi và động viên thầy. Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trao 5 triệu đồng của Công đoàn Giáo dục Việt Nam và sữa, thuốc bổ của giáo viên cả nước tặng thầy Phú. Ngày ra viện, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú gọi điện, khoe với tôi rằng: Mắt em đã khỏe lại, vậy là em yên tâm trở lại đảo dạy học rồi. Về đất liền hơn 1 tháng mà nhớ đảo, nhớ học trò quá.

          Tranh thủ giờ giải lao, thầy Phú chia sẻ: “Việc dạy và học tất nhiên phải theo chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hằng năm chúng tôi được vào đất liền tập huấn, bồi dưỡng nên cập nhật đầy đủ kiến thức. Chúng tôi luôn tự nhủ để được ra Trường Sa dạy học là niềm vinh dự, tự hào, cơ hội để cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Ai cũng có hoàn cảnh, khó khăn, vất vả riêng song chúng tôi luôn quyết tâm vượt lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học, gieo chữ cho học sinh ở đảo. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020, tôi nhận được món quà bất ngờ của các em. Vốn là trong những ngày lên lớp dạy học, tôi có nói thầy rất thích hoa Sứ. Vậy là các em lặng lẽ đi hỏi người lớn cách ướp hoa Sứ nhưng do không biết làm nên đúng ngày 20/11, các em mang tặng thầy một chiếc hộp, mở ra thì cánh hoa đã... rụng hết. Cả thầy và trò đều cười vang nhưng mắt tôi chợt cay cay. Tôi nghĩ đó là những bông hoa đẹp nhất mà tôi được tặng”.

          Đến nay, thầy Nguyễn Hữu Phú vẫn chưa lập gia đình riêng. Thầy giáo Phú là một hội viên tích cực của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Nhiều bài ký, những bài thơ do thầy sáng tác tại đảo được đăng trên báo, tạp chí Trung ương và địa phương đều in đậm Trường Sa.

          Dạy cùng Trường Tiểu học Song Tử Tây với thầy Phú là thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc (quê Ninh Bình) cũng là một giáo viên tràn đầy nhiệt huyết. Điều thú vị là thầy Ngọc cũng đã có thời gian dạy học ở Trường Tiểu học xã Hữu Sản, huyện Bắc Quang. Năm 2021, thầy Ngọc đã xây dựng gia đình với người con gái tỉnh Bình Định, vợ thầy mới sinh được 1 bé gái.

          Trước khi ra dạy ở Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, thầy Nguyễn Công Qua (Quê Khánh Hòa) từng dạy học 2 năm tại thành phố Nha Trang, thầy chia sẻ: Từ khi còn học phổ thông trung học và đại học, tôi đã được đọc, xem nhiều phóng sự ở báo, truyền hình về giáo viên xung phong đến nơi biên giới, hải đảo xa dạy học. Hình ảnh đó đã truyền cảm hứng, động lực cho tôi trong quá trình dạy học ở đảo.

          Cũng như thầy Phú và thầy Qua, khi hỏi lý do tình nguyện ra công tác ở đảo, các thầy Phạm Xuân Diệu (Trường Tiểu học Sinh Tồn), Nguyễn Bá Ngọc (Song Tử Tây) và Bành Hữu Tình (Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa) đều cho biết: Tình yêu trẻ, yêu nghề, muốn được cống hiến một phần công sức của mình cho đất nước. Mong muốn được mang tất cả những tâm huyết mà mình có được giúp các em nhỏ ở đảo xa được đi học. Cùng với những đồng nghiệp trước đó đã dạy học ở Trường Sa, chúng tôi rất vui và tự hào vì được gieo chữ nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

Lưu Văn Tuấn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập