Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Nóng vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 27-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: An Đăng/TTXVN

 

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, 2 phương án dự thảo Luật nêu về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20  năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần... là vấn đề "nóng" được các đại biểu Quốc hội chia sẻ quan điểm và cho ý kiến đóng góp.

Đảm bảo cuộc sống tối thiểu khi hết tuổi lao động

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.

Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm; người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội

 

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân

 

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhất trí với phương án 1; cho rằng, cơ bản phương án 1 không gây xáo trộn trong xã hội vì những người tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày luật có hiệu lực không bị ảnh hưởng, không gây phản ứng từ phía người lao động. Đồng thời, với phương án này, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ không tăng đột biến.

"Với quy định này sẽ tạo ra một lộ trình, đến một thời điểm nhất định, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần giảm, tiến tới người lao động tham gia bảo hiểm xã hội không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần; từ đó dần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động", đại biểu Trần Thị Vân nói.

Cho rằng các quy định tại dự thảo luật đã "tăng tính hấp dẫn" của chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, đây sẽ là những yếu tố cộng hưởng để người lao động tự nguyện ở lại hệ thống an sinh xã hội, hạn chế số lượng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Trần Thị Vân đề xuất thực hiện những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động. "Chỉ khi người lao động có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt và có tích luỹ thì khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già", đại biểu Trần Thị Vân giải thích.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, cần có giải pháp hỗ trợ tài chính cho người lao động sau hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thông qua các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm... giúp người lao động vượt qua khó khăn khi mất việc; làm tốt công tác truyền thông để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp người lao động có nhận thức đầy đủ về chính sách bảo hiểm xã hội...

Đề xuất "trộn" hai phương án

Thực tiễn, thời gian qua, việc rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề gay cấn, khó khăn cho ngành Bảo hiểm xã hội nói chung, cũng như người lao động nói riêng. Chính vì vậy, việc quyết định cơ chế này trong Luật Bảo hiểm xã hội phải hết sức cân nhắc và thận trọng.

"Hiện có tâm lý lo lắng, nếu cho phép rút một lần sẽ ồ ạt rút bảo hiểm xã hội. Luật phải hài hòa để hạn chế tối đa việc này. Do quá khó khăn mà họ quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng thiệt thòi sau đó vẫn thuộc về người lao động", đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu; đồng thời đề xuất đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động biết những thiệt thòi nếu rút bảo hiểm xã hội một lần; quy định trong luật để hạn chế việc này...

Qua nghiên cứu, đại biểu ủng hộ việc "trộn" giữa hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần để chọn ra phương án tối ưu. Đó là phương án giảm rút bảo hiểm xã hội một lần xuống không quá 20%, tiến tới, hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần.

Băn khoăn trước một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, đại biểu Trần Đình Gia nêu: "Hiện nay còn một số điều dự thảo luật quy định theo mức lương cơ sở, nhưng từ 1/7 không còn mức lương cơ sở. Do đó, dự thảo luật phải đưa ra mức tham chiếu là bao nhiêu, cách tính như thế nào? nhưng đến nay cũng chưa có. Cho nên, cần xem xét có thể lùi một kỳ nữa để thảo luận thật thấu đáo. Sau khi thực hiện cải cách tiền lương, tác động thực tiễn như thế nào mới có thể biểu quyết luật này. Như vậy sẽ phù hợp hơn và giải quyết nhiều vấn đề luật đang đặt ra".

Đồng quan điểm "trộn hai phương án đưa ra trong dự thảo Luật về hưởng bảo hiểm xã hội", đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhấn mạnh "không thể quy định rút hết một lần", tối đa 50%, còn 50% phải lưu lại để đảm bảo an sinh sau này.

"Dùng phương án 2 cho nhóm thứ nhất trong phương án 1. Tức là, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực có thể rút nhưng không quá 50%, còn lại, phải giữ lại để thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau", đại biểu Nguyễn Quang Huân đề xuất.

Diệp Trương (TTXVN)
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập