Bắc Ninh ổn định sản xuất công nghiệp
Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của mưa, bão số 3, nhưng các doanh nghiệp cơ bản khắc phục khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Trong các nhà máy, không khí lao động vẫn hết sức khẩn trương, kịp hoàn thành sản phẩm cho các chuyến hàng xuất xưởng.  

Tại Công ty TNHH LS ELECTRIC Việt Nam (KCN Yên Phong mở rộng) chuyên sản xuất tủ, bảng điện với tổng số hơn 350 công nhân lao động, phần lớn là lao động đến từ tỉnh, thành phố khác nhưng cơ bản đã có mặt đầy đủ tham gia vào các dây chuyền sản xuất. Ông Hong Soon Mong, Giám đốc nhà máy cho biết: Mưa, bão làm hư hỏng một số cửa sổ, quạt thông gió khu vực nhà xưởng và ốp trần nhà khu văn phòng, nước mưa tràn vào các vị trí xung quanh xưởng. Lãnh đạo công ty cũng như cán bộ, công nhân chuẩn bị kĩ lưỡng cho công tác phòng, chống nên nhà máy vẫn duy trì vận hành sản xuất bình thường kể cả trong ngày bão, công nhân ăn, ở tại chỗ để đảm bảo an toàn. Ban Giám đốc kết hợp với các phòng, ban liên quan xử lý tại chỗ những vấn đề phát sinh, đặc biệt đảm bảo điều kiện tốt nhất để người lao động có không gian an toàn trong mưa, bão. Hiện tại, sản lượng sản xuất của Công ty tăng 30% so năm 2023. Đặc biệt số lượng đơn hàng với các dự án trạm biến áp cho các toà nhà lớn, dự án công nghiệp… của những khác hàng tiềm năng quan trọng tăng lên rất nhiều. Doanh thu năm ngoái là 90 triệu USD và năm nay dự kiến tăng lên 120 triệu USD.

 

Lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp.

Đối với Công ty TNHH Hóa chất HanJin, đơn vị chủ động chuẩn bị máy phát điện dự phòng, thành lập Đội phòng chống mưa bão gồm 10 thành viên, trong đó bố trí 5 người trực 24/24h tại công ty và 5 thành viên ứng trực sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có tình huống phát sinh. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của Công ty Điện lực Bắc Ninh, đơn vị không gặp bất cứ vấn đề gì làm gián đoạn nguồn cung cấp điện, giúp hoạt động sản xuất được đảm bảo theo đúng theo kế hoạch đã đề ra.
Tại 25 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 870 doanh nghiệp hoạt động tập trung chủ yếu ở thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Thuận Thành, huyện Yên Phong và Tiên Du, tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động. Ông Hoàng Minh Thăng, Phó Tổng giám đốc Công ty May thời trang quốc tế Thuận Thành (CCN Xuân Lâm, TX Thuận Thành) cho biết: “Bão số 3 làm toàn bộ cây xanh trong khuôn viên công ty bị đổ, gẫy; 35 tấm pin năng lượng mặt trời bị lật, xưởng xản xuất bị ngập, điện mất, hệ thống thông tin liên lạc gián đoạn… Công ty nỗ lực, huy động tối đa nhân lực xử lý các sự cố, hiện tại 300 công nhân của Công ty đã quay trở lại và tập trung làm việc với cường độ cao sau 3 ngày mất điện để đáp ứng kịp thời cho các đơn hàng.

 

Sản xuất tủ, bảng điện ở Công ty TNHH LS ELECTRIC Việt Nam (KCN Yên Phong mở rộng).

Bên cạnh việc yêu cầu Công ty Điện lực Bắc Ninh bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định cho các KCN, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN hướng dẫn hơn 2.000 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong các KCN xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão. Từ đó giúp doanh nghiệp hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh cho biết: Do có sự chuẩn bị và hạ tầng các KCN tốt nên hiện nay, các doanh nghiệp trong các KCN đã hoạt động ổn định, không có thiệt hại về người, chỉ bị ảnh hưởng một số công trình nhỏ. Trước, trong và sau bão số 3, các doanh nghiệp lớn xác định là trọng điểm sản xuất của tỉnh như Samsung Electronics, Samsung Display, Canon, Hồng Hải Foxconn, ABB, Amkor, Goertek, LS… không bị mất điện, mất nước, vẫn sản xuất bình thường. Cùng với việc sẵn sàng về hạ tầng KCN, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống giao thông, Logistic, hạ tầng xã hội như nhà ở chuyên gia, nhà ở công nhân, Bắc Ninh luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng xác định là động lực cho phát triển trong suốt thời gian qua.
 Bảo đảm đủ điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng hành cùng doanh nghiệp là chủ trương của tỉnh Bắc Ninh trong nhiều năm qua. Trong 8 tháng của năm 2024, Bắc Ninh vẫn là một trong các tỉnh dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với khoảng 3,3 tỷ USD. Luỹ kế đến nay, Bắc Ninh thu hút hơn 2.400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 29 tỷ USD đến từ 41 quốc gia, vùng lãnh thổ vào 16 ngành, lĩnh vực tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử, riêng lĩnh vực bán dẫn, từ  năm 2023 đến nay tổng giá trị thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Ninh đạt khoảng 3 tỷ USD.
Đây là dấu hiệu tốt trong những tháng cuối năm khi tỉnh tiếp tục có kế hoạch xúc tiến đầu tư đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ trọng điểm.

 

- Theo: baobacninh.com.vn -

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập