Sinh thời, một trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để Đảng xứng đáng là đạo đức, là văn minh, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trong đó, nhấn mạnh, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là về tư tưởng chính trị và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức.
Trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo và yêu cầu các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, công tác xây dựng Đảng về đạo đức của cán bộ, đảng viên xem là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới. Qua đó, tiếp tục kế thừa và khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, về đạo đức cách mạng không chỉ có giá trị lý luận mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.
1. Xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh về đạo đức - yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng
Để xác định mục tiêu của đảng cộng sản ở từng nước, C.Mác từng chỉ rõ, trước hết phải giành lấy chính quyền, khi đã giành được chính quyền thì đảng phải lãnh đạo nhà nước của dân, do dân và vì dân để xây dựng xã hội mới. Do vậy, vai trò lãnh đạo của đảng lại càng cần thiết. Bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là sứ mệnh cao cả mà nhân dân trao cho đảng. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nhu cầu phát triển của Đảng. Mỗi bước phát triển của cách mạng đòi hỏi phải giải quyết các mâu thuẫn cơ bản một cách sâu sắc, toàn diện và triệt để, khi ấy tất yếu phải tiến hành những biện pháp để xốc lại đội ngũ, chấn chỉnh lực lượng, tăng thêm sức mạnh của Đảng.
Để Đảng làm tròn sứ mệnh của mình trước những chuyển biến của cách mạng, của đời sống xã hội, tất yếu Đảng phải thường xuyên làm trong sạch đội ngũ của mình, phải nâng mình lên ngang tầm với lịch sử, phải chỉnh đốn và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tiếp thu tư tưởng của C.Mác, V.I.Lê-nin về đổi mới, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam và đưa ra những quan điểm hết sức sâu sắc. Người nhận định, “trong hàng chục vạn cán bộ và đảng viên xứng đáng, còn lẫn vào một số người thấp kém về tinh thần và đạo đức cách mạng. Họ còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân trong mình. Đứng trong hàng ngũ chiến đấu của Đảng mà họ không có dũng khí cách mạng, ít lo nghĩ về trách nhiệm của mình, không quyết tâm vươn lên phía trước. Họ hững hờ như những người không có lý tưởng, đến đâu hay đó, qua tháng qua ngày. Đối với công việc của cách mạng, không có thái độ người làm chủ tập thể, dám nghĩ dám làm, mà thường bị động ngồi chờ”(1).
Vì những lý do trên mà Đảng phải thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về đạo đức là đòi hỏi khách quan và cũng là yêu cầu sống còn để bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, nâng cao bản lĩnh chính trị và sức chiến đấu của Đảng, khắc phục những hạn chế, sai lầm khuyết điểm; tạo môi trường và điều kiện để mỗi đảng viên và cán bộ hoàn thiện nhân cách, trở thành người cộng sản chân chính, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
2. Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng. Trong tác phẩm Đường cách mệnh năm 1927, ngay trang đầu tiên của tác phẩm, Người đã nêu lên 23 điều về tư cách của người cách mạng, tập trung giải quyết ba mối quan hệ cơ bản, đó là với mình, với người, với việc. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(2). Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Người coi đạo đức như gốc của cây, như nguồn của sông: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”(3).
Vai trò nền tảng của đạo đức được Người khẳng định: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa”(4), “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không” (5), “Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng” (6).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức còn có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi mới xã hội cũ thành một xã hội mới và xây dựng thuần phong mỹ tục. Người cho rằng: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước… khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”(7).
Qua nghiên cứu các quan niệm của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, có thể khái quát lại thành những chuẩn mực đạo đức cơ bản sau: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người, sống có tình, có nghĩa; tinh thần quốc tế trong sáng. Phẩm chất “trung”, “hiếu” là những khái niệm đã có trong tư tưởng đạo đức truyền thống của người phương Đông, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng và đưa vào những nội dung mới, tiến bộ hơn, phù hợp hơn, vượt qua những hạn chế trước đây. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thì trung với nước là trung thành với sự nghiệp cách mạng, với sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nước ở đây là nước của dân, còn dân chính là chủ nhân đích thực của nước. Từ chỗ “trung với vua, hiếu với cha mẹ” chuyển thành “trung với nước, hiếu với dân”. Bác đã chỉ ra: Nhân dân từ chỗ là kẻ nghèo hèn, phải được chăn dắt, sai khiến trở thành lực lượng làm nên lịch sử, sáng tạo ra lịch sử. Trước kia quan là phụ mẫu của dân, thì nay Đảng, cán bộ, đảng viên là “’đầy tớ trung thành của nhân dân”. Theo Người, trung với nước, hiếu với dân là phải suốt đời đấu tranh cho cách mạng, ra sức làm việc giữ vững kỷ luật, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lấy dân làm gốc, tiếp thu trí tuệ của dân, học hỏi dân, phải biết làm học trò của dân mới làm được thầy của dân. Như thế, sự nghiệp cách mạng mới thành công.
“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là phẩm chất đạo đức thể hiện rõ qua hệ thống phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là các hoạt động hằng ngày của Người. Trong các tác phẩm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nói về đạo đức cách mạng như: Đường cách mệnh 1927, Đạo đức cách mạng 1958…, những phẩm chất trên được Người đề cập nhiều nhất, thường xuyên nhất. Bác không những giải thích nghĩa của cần, kiệm, liêm, chính mà Người còn nêu lên mối quan hệ giữa 4 phẩm chất đó: Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Một con người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn. So với bốn mùa của trời, bốn phương của đất, Người cho rằng: “Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”(8). Cần, kiệm, liêm, chính đối với cán bộ, đảng viên lại rất cần thiết, bởi vì “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút”(9). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, càng có chức, có quyền càng phải cần, kiệm, liêm, chính “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(10).
Chí công vô tư là không nghĩ đến mình trước, hưởng thụ đi sau, là “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào”. Thực hành chí công vô tư là phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Bởi vì, chủ nghĩa cá nhân là trái với chủ nghĩa tập thể, trái với đạo đức cách mạng, trái với nhân cách, phẩm chất của một người cộng sản chân chính. Vì vậy, đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, bởi “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(11).
Tuy nhiên, cần nhận thức về sự thống nhất giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, cần phân biệt giữa chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân thì việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”, chỉ lo “mình béo mặc thiên hạ gầy”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích tập thể thì không phải là xấu. Con người không phải thánh thần, có tốt, có xấu. Chúng ta cần làm cho phần tốt của mỗi con người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi.
Đạo đức của Đảng hàm chứa tình nhân ái, rộng lớn, bao la. Tình yêu thương con người ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không chung chung trừu tượng, mà trước hết giành cho những người mất nước, người cùng khổ. Yêu thương con người với một tình cảm sâu sắc, vừa bao la, vừa gần gũi, bao trùm cả cộng đồng đến từng số phận con người, đánh thức những gì tốt đẹp nhất trong mỗi con người, tạo điều kiện cho họ đứng dậy vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Tình yêu thương con người ở Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt ra ngoài phạm vi dân tộc, mang tính nhân loại, vừa bốn biển năm châu, vừa bốn phương vô sản. Đó chính là tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung.
Có thể khẳng định, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, về đạo đức cách mạng là tài sản tinh thần vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta, việc vận dụng và phát triển các giá trị tư tưởng đó vào sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ của đất nước trong điều kiện hiện nay là việc làm không chỉ có giá trị lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn.