Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa yêu nước và ý nghĩa đối với thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội, thanh niên Việt Nam là nhân tố quan trọng, quyết định tương
lai và vận mệnh của đất nước. Vì vậy, bồi dưỡng tư tưởng chủ nghĩa yêu nước Hồ
Chí Minh cho thanh niên là hết sức cần thiết.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa yêu nước được hình thành và phát
triển trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam. Đó là sản phẩm tinh
thần cao đẹp, tạo nên nguồn cổ vũ mạnh mẽ, đoàn kết nhân dân, đấu tranh giải
phóng dân tộc. Là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội,
thanh niên Việt Nam là nhân tố quan trọng, quyết định tương lai và vận mệnh của
đất nước. Vì vậy, bồi dưỡng tư tưởng chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh
niên là hết sức cần thiết. Khi hiểu rõ và thấm nhuần được tinh thần chủ
nghĩa yêu nước của Hồ Chí Minh, lực lượng thanh niên sẽ rèn luyện, đóng góp vào
công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
1. Chủ nghĩa yêu
nước Hồ Chí Minh - hệ tư tưởng mang tính thời đại.
Dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước
đã vun bồi tình cảm, tư tưởng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu
tranh bảo vệ độc lập dân tộc và cuộc sống của nhân dân. Chủ nghĩa yêu nước
truyền thống Việt Nam mang đậm những nét đặc sắc riêng của mình. Đó là tình yêu
quê hương, yêu đất nước; yêu nước gắn với thương dân, dựa vào dân, lấy dân làm
gốc; yêu nước gắn với khát vọng về tự do, khát vọng hoà bình. Tất cả những giá
trị đó luôn thống nhất, không tách rời nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu
nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm
lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ,
to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước
và lũ cướp nước” [5, tr.38]. Chủ nghĩa yêu nước chính là cội nguồn sức mạnh đưa
dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để đi đến những thắng
lợi lừng lẫy năm châu, là giá trị thiêng liêng của toàn dân tộc Việt Nam, trở
thành đặc trưng tiêu biểu cho tính cách của con người Việt Nam hùng cường, bất
khuất. Thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc, chứng kiến cuộc
sống khổ cực của nhân dân, sự áp bức, bóc lột dã man của bọn thực dân, phong
kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có ý thức tìm con đường cứu nước giành độc
lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Trên tinh thần yêu nước của các
sĩ phu, văn thân yêu nước, tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh đã có sự kế thừa
và phát triển mang tính thời đại, gắn liền với mục tiêu triệt để giải phóng dân
tộc. Nhận định về những thất bại của các phong trào đấu tranh từ phong trào Cần
Vương đến các phong trào yêu nước theo xu hướng tư sản mà tiêu biểu là phong
trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, cải cách Dân Chủ… Người hiểu rõ
không thể đi theo con đường cách mạng như các vị tiền bối. Theo Người, nước độc
lập phải đi đôi với dân được hưởng quyền tự do, ấm no, hạnh phúc.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, chủ nghĩa yêu nước đã chi
phối mọi suy nghĩ, hành động của Người. Người đau đáu trong mình “chỉ có một sự
ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta
hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [4,
tr.161]. Mọi kế sách đều là vô nghĩa nếu không đem lại tự do cho đồng bào, độc
lập cho Tổ quốc. Vì mục đích lý tưởng này đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn
Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, chịu bao gian khổ, đồng thời là
cơ sở tư tưởng dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, và sau này được Người
khẳng định: “Lúc đầu, chính chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng
sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” [3, tr.128].
Hồ Chí Minh có ý thức rất rõ ràng về vị trí, vai trò, sức mạnh của
tinh thần yêu nước. Khẳng định về sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước.Theo Người, “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu
chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì dân mình mới được ấm
no, Tổ quốc mới được giàu mạnh”. Yêu nước gắn liền với thương dân, nghĩa nước
gắn chặt với tình thân, tình thân là cái gốc của chủ nghĩa yêu nước. Vì vậy,
khi đọc được bản Sơ thảo Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và vấn đề
thuộc địa, Người đã đọc đi, đọc lại nhiều lần và qua lăng kính chủ nghĩa yêu
nước chân chính, Người đã sung sướng, reo lên vui mừng khi tìm ra được con
đường giải phóng dân tộc đúng đắn. Hồ Chí Minh đã từ chủ nghĩa yêu nước đến với
chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân
tộc duy nhất đúng đắn, đó là “con đường cách mạng vô sản”. Đây chính là con
đường mà Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam đang tìm kiếm. Người khẳng định: “Chỉ
có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp
bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ [7, tr.53]. Từ đó,
Người đã tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế cộng sản, trở thành người cộng sản
Việt Nam đầu tiên khi bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III của Lênin tại Đại hội
Tour tháng 12-1920. Đây là mốc lịch sử quan trọng trong hành trình
tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay
đổi về chất trong nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa yêu nước là động lực lớn của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí
Minh thấu hiểu hơn ai hết truyền thống quý báo đó của dân tộc. Người khẳng
định: “Đối với các dân tộc thuộc địa ở phương Đông, “Chủ nghĩa dân tộc là động
lực to lớn của đất nước”, “người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam
nếu không dựa trên cái động lực vĩ đại và duy nhất trong đời sống của họ”. “Chủ
nghĩa dân tộc ở đây là tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc. Từ niềm tin
“người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước, ghét giặc”, Người đã khơi dậy truyền
thống yêu nước đó, phát huy được sức mạnh của nhân dân cùng với Đảng đứng lên
làm cách mạng giành lại độc lập tự do cho dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Sức mạnh nội sinh to lớn từ chủ nghĩa yêu nước chính là cơ sở để xây dựng, củng
cố khối đoàn kết dân tộc. Bởi trừ những thành phần phản động, tay sai cho đế
quốc, thì dù là địa chủ hay nông dân, thương gia… đều là người nô lệ. Xây dựng
Mặt trận dân tộc thống nhất để đại đoàn kết dân tộc là sự sáng tạo của Hồ Chí
Minh. Phương châm đoàn kết các giai cấp, tầng lớp khác nhau của Hồ Chí Minh là
“cầu đồng tồn dị”. Minh chứng lịch sử đã cho thấy, đại đoàn kết dân tộc đã tạo
sức mạnh vô địch giúp cho cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi
khác.
Không chỉ vậy, chủ nghĩa yêu nước của Hồ Chí Minh còn mang tinh
thần quốc tế khi Người gắn kết hợp hài hòa
chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế, đoàn kết với nhân dân các nước vì mục
tiêu giải phóng nhân dân khỏi áp bức, bóc lột, đoàn kết với nhân loại tiến bộ,
vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế
liên hệ khăng khít với nhau” [6, tr.272]. Hồ Chí Minh cũng chỉ
rõ, mỗi dân tộc đều phải tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, đồng thời
tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, sự ủng hộ của nhân loại
tiến bộ và đồng thời tham gia vào nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình. Hai cuộc
cách mạng này phải tiến hành đồng thời, tác động hỗ trợ lẫn nhau. Người kêu gọi
tất cả những người yêu nước phải đoàn kết lại, “vì có đoàn kết mới có lực
lượng, có lực lượng mới giành được Độc lập, Tự do” [1, tr.553]. Sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo
thành sức mạnh tổng hợp to lớn đưa cách mạng Việt Nam đi đến cứu nước hoàn
toàn.
Như vậy, Hồ Chí Minh đã kế thừa
có chọn lọc những giá trị tốt đẹp trong truyền thống dân tộc Việt Nam, tinh hoa
văn hoá nhân loại và đặc biệt là dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa yêu nước đã được đưa lên một tầm cao mới. Từ một người yêu nước tiến bộ trở thành người cộng
sản, một lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh và Đảng Cộng
sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện đã phát huy sức mạnh của khối đại
đoàn kết dân tộc, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của mỗi người dân
Việt Nam. Người đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng dân tộc - dân
chủ - nhân dân ở Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã
hội. Cùng với đó, chủ nghĩa yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn thống nhất
với chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữ vững lợi ích của dân tộc mình và luôn tôn
trọng lợi ích của các dân tộc khác.
Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, với sự nỗ lực của toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử. Đời sống nhân dân cả về vật
chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm
lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [9,
tr.103, 104]. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng
cố, tăng cường, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đất nước vượt qua mọi khó khăn,
thử thách. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội
chủ nghĩa được giữ vững. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được
nâng cao. Đánh giá về những thành tựu đạt được, Đại hội XIII xác định: “Đây là niềm tự hào, là động lực; nguồn lực quan
trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó
khăn, thách thức; tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ,
phát triển nhanh và bền vững đất nước” [10, tr.104].
2. Thế hệ thanh niên là lực lượng to lớn
trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Cho đến nay, chủ nghĩa yêu nước vẫn là giá trị cốt lõi của dân tộc
Việt Nam. Đó là một trong những động lực
quan trọng nhất góp phần gắn kết cộng đồng, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy đất nước phát
triền. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, càng đòi hỏi phải phát huy “tinh thần yêu
nước” cao độ của mỗi người, đặc biệt là thế hệ thanh niên.
Ở bất cứ thời
đại nào, thanh niên luôn lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo
vệ đất nước. Sức trẻ cùng với lòng nhiệt huyết của mình, thanh niên Việt
Nam không ngại khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Nhận thức về
vai trò của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thanh niên là lực lượng quyết định
sự phát triển của cách mạng, của dân tộc, “nhà nước thịnh hay suy, yếu hay
mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Để hoàn thành trọng trách lịch sử đó,
đội ngũ thanh niên cần phải có ý chí vươn lên, đồng thời Đảng phải có trách
nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa
chuyên”.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng giáo dục tinh thần
yêu nước cho thế hệ thanh niên. Người khẳng định: “cốt nhất của nhà trường là
dạy học cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có ý chí tự lập,
tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ” [2,
tr.102]. Cách tốt nhất để bồi dưỡng lòng yêu nước cho thanh niên là giáo dục
truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng. Từ đó bồi đắp, củng cố cho thế
hệ trẻ hiểu được giá trị lịch sử, giá trị của cuộc sống hoà bình, tự do, độc
lập, xây dựng cho mình hoài bão, khát vọng, ý chí, quyết tâm vượt lên khó khăn,
thử thách; có tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái, sẵn sàng cống
hiến và hy sinh vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Hiện nay, trước sự biến động phức tạp của tình hình thế giới và
khu vực, có nhiều vấn đề tác động ảnh hưởng đến lòng yêu nước của thanh niên
như: tác động của nền kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, in-tơ-nét, mạng
xã hội… Đặc biệt, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước
ta vẫn diễn ra quyết liệt với thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn. Là
đối tượng nhạy cảm, dễ bị kích động, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để
lôi kéo, lợi dụng giới trẻ, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong bộ phận
thanh niên, làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái đạo đức, lối sống trong
thế hệ tương lai của đất nước. Vấn đề này nếu không được kịp thời giải quyết
triệt để sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng với tương lai, tiền đồ của đất nước. Nghị quyết
Trung ương 4 (khoá VII) đã nhấn mạnh: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay
không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế
giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa
hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên” [8, tr.82].
Qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, thế hệ thanh niên Việt Nam luôn
là lực lượng quả cảm, tiên phong trong các phong trào cách mạng, không ngại
gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, tiếp
nối truyền thống quý giá của cha ông để lại, thanh niên Việt Nam không ngừng ra
sức phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện về mọi mặt, có ý chí vươn lên trong
cuộc sống. Họ có nhận thức và thái độ chính trị đúng đắn, kiên quyết đấu tranh
những biểu hiện sai trái trong đạo đức và lối sống, có sức đề kháng và còn là
lực lượng to lớn trong việc làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hoà bình” của
các thế lực thù địch nhằm gây tổn hại đến sự phát triển của đất nước. Phần lớn
thanh niên, ngay từ khi còn trong ghế nhà trường đã luôn có ý thức chính trị -
xã hội tốt, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể để được cống
hiến và trưởng thành. Số lượng đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng ngày càng
tăng. Minh chứng cho tinh thần yêu nước vẫn luôn là ngọn đèn sáng soi rọi cho
mọi suy nghĩ và hành động của thanh niên, hình thành nên một thế hệ thanh niên
nhiệt tình, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn muốn được cống hiến, phụng sự
vì một nước Việt Nam hùng mạnh và văn hiến.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một bộ phận thanh niên sống thiếu
lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống, lãng quên truyền thống cách mạng của
Đảng và dân tộc, bàng quan trước tình hình của đất nước. Một số thanh niên còn
mơ hồ về chính trị, chưa xác định được trách nhiệm của thanh niên nói chung và
bản thân nói riêng, ngại tham gia các hoạt động đoàn thể và các hoạt động xã
hội. Một bộ phận thanh niên đi học ở nước ngoài, tiếp cận các tư tưởng phương
Tây nhưng không có bản lĩnh chính trị vững vàng nên bị phai nhạt lý tưởng xã
hội chủ nghĩa, có những thái độ chỉ trích phê phán chủ quan, phiến diện, thậm
chí có thái độ đối lập. Đánh giá về thực trạng thanh niên hiện nay, Nghị quyết
số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X nhận định: “Một bộ phận
thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình
đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống
văn hoá dân tộc”.
Vì vậy, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu
nước Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ Việt Nam là việc làm rất quan trọng và cần
thiết. Giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ không chỉ là duy
trì những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó còn là tăng thêm sức
mạnh nội sinh, phát huy tiềm lực con người cho quá trình phát triển đất nước.
3. Một số giải pháp nâng cao chủ nghĩa yêu
nước Hồ Chí Minh cho thanh niên Việt Nam hiện nay
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của
đất nước là khơi dậy
mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn
dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” [11,
tr.34]. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục, làm rõ hơn nữa những nội
dung của chủ nghĩa yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất cần
thiết, mang tính chiến lược lâu dài trong giai đoạn hiện nay để nâng cao sức đề
kháng cho thế hệ thanh niên trước âm mưu “diễn biến hoà bình”, giúp các em có
khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch nhằm
chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao chủ nghĩa
yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên cần tập trung vào những giải pháp sau:
Một là, nâng cao chất lượng công tác
giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên. Các chủ thể
giáo dục như nhà trường, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải chú trọng
nội dung, phương pháp phù hợp với thanh niên. Giáo dục không chỉ cần bám sát
nội dung cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước mà cần phải được liên hệ, phản ánh với
đặc điểm của thời đại. Cần giáo dục sinh động, hấp dẫn và dễ tiếp thu như thông
qua: hình ảnh, phim truyện, đàm thoại, diễn đàn khoa học… tạo điều kiện để
các đoàn viên, thanh niên được trao đổi nhằm nâng cao nhận thức cả về lý luận
và thực tiễn. Phương pháp giáo dục chủ nghĩa yêu nước phải xuất phát từ thực
tiễn, bám sát thực tiễn, lý luận gắn với thực tiễn; kết hợp hiệu quả giữa giáo
dục tại nhà trường với giáo dục trong gia đình và các tổ chức chính trị - xã
hội.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính
trị, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng,
đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030 thông qua 3
phong trào lớn đó là: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo” và “Tuổi
trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”. Những nội dung chủ nghĩa yêu nước cần phải được
cụ thể, tổ chức sáng tạo, phù hợp với lứa tuổi, đơn vị, cơ quan, địa phương
nhằm phát huy hiệu quả.
Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn
Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đoàn Thanh
niên cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ
tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc
tổ chức, giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối
trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Vì
vậy, phải xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, có uy tín, trở thành nơi “bồi dưỡng
thế hệ cách mạng cho đời sau”.
Trước hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng phải
có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và
lối sống lành mạnh, luôn là tấm gương sáng cho đoàn viên noi theo. Đoàn viên
thanh niên không ngừng tự giác học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn,
phát huy các giá trị truyền thống dân tộc trong xây dựng lối sống. Mặt khác, tổ
chức đoàn tiếp tục tăng cường, giáo dục tinh thần yêu nước, những truyền thống
quý báu của dân tộc, tổ chức vận động đoàn viên thanh niên không ngừng học tập,
rèn luyện ý chí, cống hiến sức mình trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại
hoá đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Các tổ chức cơ sở đoàn cần
thường xuyên quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên chi đoàn mình. Chủ
động dự báo, nắm chắc và dự báo diễn biến tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên
thanh niên để định hướng, giáo dục và kịp thời giải quyết các vấn đề mới nảy
sinh. Đặc biệt, cần kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa
yêu nước với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Thi đua chính là điều
kiện, tiền đề quan trọng để biến lòng yêu nước từ “học tập” trở thành “làm theo” trong từng hành động cụ thể.
Ba là, truyền cảm hứng cho thanh niên thông qua gương
“người tốt, việc tốt” để giáo dục và tự giáo dục. Thanh niên luôn ngưỡng mộ những người tài giỏi
nên cần phát huy các gương điển hình tiên tiến để lôi cuốn, cổ vũ và thuyết
phục thanh niên. Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chí Minh: một tấm gương tốt, một tấm gương sống còn quý
hơn hàng trăm bài diễn văn. Vì vậy, tăng cường tuyên truyền, biểu dương các tấm
gương điển hình tiên tiến, bao gồm tiên tiến về: tư tưởng, đạo đức lối sống,
tác phong và tiên tiến về mô hình, cách làm để tạo hiệu ứng lan toả, khích lệ
tinh thần thi đua học tập và phấn đấu của mỗi người. Khi được truyền cảm hứng
sẽ tạo nên sức mạnh nội lực bên trong, cổ vũ và thúc đẩy thế hệ thanh niên Việt
Nam nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, sáng tạo với những quyết tâm lớn để kế tiếp
những thế hệ trước hoàn thành giấc mơ xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh,
sánh vai cùng các nước trên thế giới.
Bốn là, xây dựng hệ giá trị văn hoá chuẩn mực để
giáo dục dục cho thanh niên. Để phát huy được tinh thần yêu nước của thế hệ
thanh niên theo chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải
xây dựng một môi trường xã hội với các giá trị văn hoá chuẩn mực đạo
đức. Đặc biệt, sự bùng nổ của in-tơ-nét khiến cho văn hoá phương Tây
ảnh hưởng đến lối sống cùng với âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù
địch khiến cho một bộ phận thanh niên mơ hồ, hoài nghi và phai nhạt lý tưởng
cách mạng. Do vậy, sớm xác định giá trị quốc gia
và chuẩn mực giá trị con người Việt Nam hiện đại, tạo cơ sở xây dựng, triển
khai, thực hiện các chính sách, giải pháp phục vụ cho sự phát triển con người,
khắc phục sự xuống cấp về đạo đức, lối sống trong thế hệ trẻ hiện nay. Trên cơ
sở đó, xây dựng môi trường xã hội văn hoá, gắn với việc xây dựng gia đình văn
hoá, xã hội văn hoá, đồng thời tăng cường giáo dục ý thức phòng ngừa và ngăn
chặn kịp thời những âm mưu tấn công của các thế lực phi văn hoá, phản văn hoá,
những suy đồi trong đạo đức, lối sống. Để làm được điều đó, Đảng và Nhà nước
cần có những chính sách phù hợp trong xây dựng chính sách phát triển kinh tế đi
đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, sự phát triển kinh tế là tiền đề cho sự phát triển văn hoá, đạo đức. Phát huy
sức mạnh của văn hoá, đặc biệt là những giá trị chân - thiện - mỹ, những giá
trị phổ biến và phổ quát của văn hoá mà thanh niên cần phải được tiếp thu để
trở thành những công dân có đức đức, có văn hoá. Phải có những hình thức, cơ
chế, đặc biệt phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông để tuyên
truyền, giáo dục, tạo điều kiện cho thanh niên có thể tiếp cận và thấm nhuần
các giá trị văn hoá dân tộc, chuyển biến những giá trị văn hoá tốt đẹp vào
trong các hoạt động cuộc sống. Có như vậy, mới xây dựng được thế hệ thanh niên
mang trong mình tinh thần yêu nước sâu sắc để từ đó kế tiếp và phát huy những
truyền thống vẻ vang của dân tộc; để dù hội nhập quốc tế, Việt Nam vẫn giữ gìn
được bản sắc dân tộc, kiên định, vững vàng trước mọi thủ đoạn chống phá của các
thế lực thù địch.
Nguồn:Tạp chí xây dựng Đảng