Đoàn kết - nhiệm vụ số một của các dân tộc

Không lâu sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 3/12/1945, Bác chỉ đạo triệu tập Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam. Mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị, Người nói: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các DTTS được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”.

Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc (Ảnh tư liệu)

Chỉ đạo 4 nhiệm vụ chính các DTTS phải thực hiện lúc bấy giờ, Người yêu cầu “Đoàn kết hơn nữa để chống xâm lăng” là nhiệm vụ số một.

Tiếp đó, trong thư gửi đồng bào các DTTS nhân Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ I, Bác khẳng định: “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, nhờ sự hy sinh phấn đấu của tất cả đồng bào, mà chúng ta tranh được quyền tự do độc lập và xây nên nước Dân chủ Cộng hòa”.

Bác căn dặn: “Từ đây về sau, các dân tộc đã đoàn kết càng phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phải phấn đấu nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng để xây dựng một nước Việt Nam mới. Khi khó nhọc chúng ta cùng gắng sức, lúc thái bình chúng ta cùng hưởng chung”.

Hơn 3 tháng sau, chiến tranh lan rộng khắp miền Nam. Ở địa bàn Tây Nguyên, quân đội Pháp tiến theo đường 14 đánh chiếm phần lớn Nam Tây Nguyên và đang tìm cách chọc thủng phòng tuyến Buôn Hồ để tiến ra Bắc Tây Nguyên. Trong bối cảnh chiến sự ác liệt như vậy, Trung ương và Bác Hồ vẫn quyết định tổ chức Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku.

Ngày 19/4/1946, Bác viết thư gửi Đại hội. Trong thư, tư tưởng đoàn kết các dân tộc được Bác chỉ bảo hết sức giản dị nhưng sâu sắc: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Người viết tiếp: “Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.”

Cuối thư, Người khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã viết rất nhiều thư gửi đồng bào. Trong thư gửi đồng bào Việt Bắc (gồm các tỉnh cũ: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phúc Yên) nhân kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám năm 1947, Bác khẳng định những thành tựu mà Khu I đạt được là nhờ sự đoàn kết. Người tiên đoán, nay mai, Khu I có thể trở thành mặt trận chính. Vì vậy, Người yêu cầu: “Đã đoàn kết phải đoàn kết thêm”.

Ngày 14/10/1950, nhân dịp chiến thắng trên chiến trường biên giới, Bác gửi thư cho đồng bào Cao - Bắc - Lạng. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi, Người khẳng định: “Vì quân, dân, chính của ta đoàn kết chặt chẽ”.  

Ngày 27/11/1950, tỉnh Lào Cai được giải phóng. Bác gửi thư dặn đồng bào phải làm một số việc. Việc số một, Người chỉ đạo: “Phải thực hành đại đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong công việc”.

Cũng trong tháng 11/1950, gửi thư cho toàn thể phụ lão xã Vĩnh Đồng, Châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về nhiệm vụ trước mắt của đồng bào, quân đội, chính quyền, đoàn thể, Bác viết: “Toàn dân đoàn kết chặt chẽ”.

Ngày 12/12/1953, lời dặn đầu tiên trong mấy lời dặn đồng bào và cán bộ tỉnh Lai Châu cần ghi nhớ và làm cho đúng, Bác viết: “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau”.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, chiểu theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách lập khu tự trị của các dân tộc ở những vùng có điều kiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 229-SL ngày 29 tháng 4 năm 1955 thành lập khu Tự trị Thái - Mèo, với mục đích tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc ở Tây Bắc tiến bộ mau chóng về mọi mặt.

Trong thư gửi đồng bào (ngày 7/5/1955), Bác nhấn mạnh: “Khu tự trị Thái - Mèo là một bộ phận khăng khít trong đại gia đình Việt Nam, cùng với các dân tộc anh em khác đoàn kết thành một khối như ruột thịt. Nó sẽ luôn luôn được sự giáo dục và lãnh đạo của Đảng và của Chính phủ và sự giúp đỡ của các dân tộc anh em khác”.

Người nêu rõ: “Đồng bào Tây Bắc có cái vinh dự đặc biệt: là thành lập khu tự trị đầu tiên. Vì vậy, đồng bào Tây Bắc cũng có cái nhiệm vụ đặc biệt: là phải cố gắng làm gương mẫu cho những khu tự trị khác sẽ dần dần thành lập sau này.

Để xứng đáng với vinh dự to lớn ấy, và để làm trọn nhiệm vụ cao quý ấy, đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo cần: Phải đoàn kết chặt chẽ giữa tất cả các dân tộc, phải thương yêu giúp đỡ nhau như anh em”.

Nhân kỷ niệm một năm thành lập Khu tự trị Việt Bắc, ngày 10/8/1956, Bác gửi thư cho đồng bào. Người chỉ đạo: “Đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, mọi người thương yêu giúp đỡ nhau như ruột thịt” và“Đoàn kết chặt chẽ với đồng bào cả nước”.

Tại sao phải đoàn kết dân tộc

Nhấn mạnh tầm quan trọng số một của vấn đề đoàn kết dân tộc, trong các điện, thư, bài nói chuyện, Bác lý giải tại sao phải đoàn kết các dân tộc.

Nói chuyện với nhân dân tỉnh Yên Bái (ngày 25/9/1958), Bác nêu rõ: “Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích với dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết lại”.

Bác lấy ví dụ, tỉnh Yên Bái có 10 dân tộc anh em như 10 ngón tay. “Nếu xòe 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu có kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó. Đó là điểm thứ nhất tại sao phải đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc”.

Nói chuyện với Đoàn đại biểu các dân tộc ít người về dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Thủ đô (ngày 2/5/1959), Bác ví von: “Như muốn nhấc một hòn đá nặng, một người, hai người không thể làm được, nhưng 20 - 30 người xúm xít nhau lại thì nhất định sẽ nhấc được hòn đá”.

Ngày 8/5/1959, Bác phân tích với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại Yên Châu, Sơn La: “Bây giờ chúng ta, tất cả các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mèo, Mán, Xá, Puộc,… đều là anh em ruột thịt một nhà chứ không phải Kinh ăn hiếp Thái, Thái ăn hiếp Xá, Puộc như trước nữa. Cũng ví như một bó que, đây là đồng bào Kinh, Thái, Mèo, Xá, Puộc, Mán, Mường. Từng cái một có thể bẻ gãy. Bây giờ đoàn kết lại thế này có ai bẻ gãy được không? Chẳng những không ai bẻ gãy được, mà ai bẻ chúng ta đánh vào cái đầu nó. Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay này”.

Theo Bác: “Đoàn kết là sức mạnh; có sức mạnh đoàn kết thì làm việc gì cũng thành”.

Làm thế nào để đoàn kết dân tộc

Về cách thức đoàn kết các dân tộc, trong Thư gửi Đại hội dân tộc thiểu số miền Nam lần thứ I, Bác viết: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”.

Nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái, Bác nhấn mạnh: “Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà. Dân tộc nhiều người phải giúp đỡ dân tộc ít người, dân tộc ít người cần cố gắng làm ruộng. Hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau. Dân tộc đông người không phải giúp qua loa, cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp. Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm. Giúp nhau thì việc gì cũng nhất định làm được”.

Trong hai ngày 23 - 24/9/1958, Bác cùng Đoàn cán bộ của Chính phủ đến thăm tỉnh Lào Cai. Nói chuyện với đại biểu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào, Bác nêu rõ: “Đặc biệt, đối với đồng bào những dân tộc rất ít người như đồng bào Lô Lô thì các dân tộc đông người hơn càng phải giúp đỡ về mọi mặt”.

Tư tưởng này được Bác nhắc lại khi nói chuyện với cán bộ và học sinh Trường Sư phạm miền núi Nghệ An (ngày 9/12/1961): “Dân tộc nào đông hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để đều tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà”.

Người nhắc nhở: “Cán bộ địa phương, dân tộc, phải cố gắng học tập, đoàn kết chặt chẽ với cán bộ xuôi lên công tác, tránh tư tưởng dân tộc hẹp hòi. Tư tưởng dân tộc hẹp hòi là do bọn đế quốc phong kiến để lại. Bất kỳ dân tộc nào cũng đều là anh em một nhà, chia rẽ dân tộc là không tốt”.

Cách thức đoàn kết giữa các dân tộc được Bác chỉ dẫn trong bài nói chuyện của Người với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng (ngày 21/2/1961), dịp kỷ niệm 20 năm ngày Bác đặt chân về Cao Bằng sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Bác nói: “Đồng bào các dân tộc, không phân biệt lớn, nhỏ, phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà”.

Tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi (ngày 8/10/1961), Bác nêu: “Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số” và “Muốn làm tốt công tác này, cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động phải gương mẫu”.

Tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi (ngày 19/3/1964), Bác nhắn nhủ: “Đồng bào miền núi, trước hết là chị em phụ nữ, cần phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”.

Trong thư gửi Đại hội Hợp tác xã và Đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du (ngày 11/4/1964), Bác yêu cầu: “Các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”.

“Đồng bào miền núi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền xuôi. Và đồng bào miền xuôi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền núi. Đó là hai phía, đó là chính sách dân tộc của Đảng” - Bác nhấn mạnh tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi (ngày 31/8/1963).

Tiếp tục xây dựng, củng cố đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay

Bác khẳng định tại Hội nghị cán bộ miền núi (ngày 01/9/1962): “Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.

Đồng bào các dân tộc thiểu số đang ra sức đoàn kết lao động sản xuất, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển (Ảnh: Phương Liên) 

Dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Để tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong các dân tộc thiểu số,

Cần quán triệt và thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số…” như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới đã chỉ ra.

Trong thời kỳ cách mạng, đồng bào các DTTS đã đoàn kết, cần cù, dũng cảm lập nên nhiều công trạng vẻ vang. Ngày nay, đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu giữa thế kỷ XXI, trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Sự nghiệp vẻ vang đó đòi hỏi đồng bào các dân tộc thiểu số luôn ghi nhớ và làm theo tư tưởng đoàn kết giữa các dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để góp phần cùng nhân dân cả nước đạt được các mục tiêu: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”./.

 
Nguồn:dangcongsan.vn