Nhân dân trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người cụ thể. Đó là người nông dân, công nhân, trí thức, các chiến sĩ, các cháu thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên, các bậc phụ lão, các dân tộc, tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài… Người cho rằng, tất cả đều là nhân dân và dưới bầu trời này, không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân, lịch sử là do quần chúng nhân dân sáng tạo ra, chứ không phải do vài ba cá nhân anh hùng nào. Nhân dân là lực lượng vô tận của cách mạng và là nhân tố tạo nên thắng lợi của cách mạng. Người cũng đã khẳng định: “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Nguyên tắc quan trọng này bắt nguồn từ các giá trị trong truyền thống dân tộc: “Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học nhân dân Việt Nam”, Người nói ngày 8 tháng 12 năm 1956.
|
Chính vì thế, Bác đã nói: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Do đó, “trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”. Ở Bác luôn có một tấm lòng yêu thương vô hạn đối với con người, một niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh và phẩm giá con người, một ý chí kiên quyết đấu tranh để giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, đói nghèo, lạc hậu. Người từng nói: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân”, “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân”, “chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của Nhân dân và do Nhân dân tự xây dựng lấy” bởi dân là gốc của nước. Dân là người đã không tiếc máu xương để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nước không có dân thì không thành nước. Nước do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước.
Xuất phát từ những quan niệm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện quyền dân chủ trong Nhân dân. Người chỉ rõ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, dân là chủ và dân làm chủ bởi lẽ đơn giản là con người không ai không cần đến những nhu cầu vật chất, từ những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như cơm ăn, áo mặc,… Người dân chỉ thấy vị thế là chủ, làm chủ của mình, thấy được giá trị độc lập tự do khi được ăn no, mặc ấm. Vì thế “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”…
Quan điểm lợi ích đều vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta phát triển, cụ thể hóa trong Hiến pháp và các quan điểm “lấy dân làm gốc”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hay lấy “con người là mục tiêu và động lực chính của sự phát triển kinh tế-xã hội”, thực hiện một “chiến lược vì dân và do dân”. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt và thực hiện sâu sắc tư tưởng của Người về phát huy sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp cách mạng, đánh đuổi đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, nhờ đó đã phát huy vai trò và tập hợp rộng rãi lực lượng của quần chúng nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.