Nhớ lời Bác dạy về tự phê bình và phê bình
anh tin bai
Cách nay vừa tròn 74 năm, ngày 15 tháng 4 năm 1949, trên Báo Sự thật số 109, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” ghi tên tác giả L.T (bút danh của Người). Trong đó, Người chỉ rõ: “…Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ…”.

Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách để làm sao kẻ địch không thực hiện được thủ đoạn phản tuyên truyền; đó là, “không có gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm”, còn nếu khi đã phạm khuyết điểm, thì dù “mình muốn bưng bít, người ta cũng biết”. Người khẳng định: “Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình là một đoàn thể hoặc chính quyền “yếu ớt”, “thoái bộ”. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì “uy tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao. Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”. Người nhấn mạnh: “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”. Bác chủ trương tất cả cán bộ, từ cấp trên đến cấp dưới, phải “thi đua sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm (19-5-1955).   Ảnh tư liệu

Lúc sinh thời, Bác đặc biệt quan tâm đến công tác củng cố khối đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Để làm được điều này, Người thường yêu cầu các tổ chức Đảng và đảng viên phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Theo Người, tự phê bình là “nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của mình”, là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Còn phê bình là “nêu ưu điểm, vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình”; là tham gia góp ý kiến và nêu cách thức để sửa chữa khuyết điểm. “Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”. Coi tự phê bình và phê bình là công việc thường ngày, rất quan trọng, không làm không được, theo Người, tự phê bình là việc làm không dễ nhưng phải quyết chí làm bằng được để nhắm tới nhiều mục tiêu của cách mạng. Bác thường xuyên yêu cầu “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng’’. Người cũng cho rằng, mục đích của tự phê bình là để sửa chữa, để tiến bộ. Nếu tự ái, không chịu thẳng thắn thừa nhận cái sai, cái kém của mình thì bản thân chẳng những mất uy tín, mà còn gây mất uy tín cho Đảng, cho tổ chức. Trong Di chúc để lại, Người cũng không quên căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Thực hiện những chỉ huấn của Người, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác tự chỉnh đốn, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm; đề cao tự phê bình và phê bình, xác định là nguyên tắc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng để khắc phục những khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình, phê bình. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) đã triển khai quyết liệt việc tự phê bình và phê bình; kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Thực hiện lời Bác dạy, các cấp ủy, tổ chức Đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, coi đây là vũ khí sắc bén ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, là cách tốt nhất để không ngừng củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất. Tự phê bình và phê bình phải được thực hiện nghiêm khắc, ráo riết, triệt để, không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”; căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, phân tích, đánh giá, chỉ rõ cả ưu điểm, khuyết điểm, có lý, có tình, để khuyến khích phần thiện trong mỗi con người nảy nở, thức tỉnh, nâng đỡ người có sai lầm khuyết điểm tiếp thu phê bình, sửa chữa lỗi lầm, khuyết điểm. Tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc trong tự phê bình và phê bình là tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo, phê bình từ trên xuống, từ trong cấp ủy ra ngoài quần chúng, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình, coi đây là việc làm thường xuyên, hằng ngày.
Nhìn lại thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong những năm qua, chúng ta càng thấy ý nghĩa những lời cặn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình. Chỉ có nghiêm túc tự phê bình và phê bình, mỗi đảng viên mới có thể đẩy lùi được các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa - như yêu cầu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) đề ra.

P.V (t/h)
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập