Di chúc – Điển hình sự giản dị, trong sáng phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh
Lý do chúng tôi chọn bản Di Chúc để tìm hiểu phong cách ngôn ngữ
Hồ Chí Minh là: Nếu “Yêu sách của nhân dân Việt Nam gửi hội nghị Versailles năm
1919” là văn bản đầu tiên thì chẵn nửa thế kỷ sau là bản Di Chúc.
1. Đây là tác phẩm cuối cùng của Người, hoàn thiện ngày
10.5.1969, chỉ gần bốn tháng trước ngày Người đi gặp các cụ Mác – Lênin. Đây là
tác phẩm Người viết trong thời gian dài nhất: Chẵn bốn năm. Bác đặt bút khởi
thảo từ 9h ngày 10.5.1965. Những lần tiếp theo Bác lại viết thêm một phần. Cho
đến ngày 14.5 thì xong. Người tự tay đánh máy lại. Hôm ấy là ngày 14.5 nhưng
không hiểu vì sao Bác lại đề: Hà Nội, ngày 15.5.1965. Từ đó hằng năm vào dịp
ngày sinh của mình, Bác lại ngồi trước bản thảo ấy, xem lại, sửa chữa, bổ sung
mà Người đề là “Tài liệu tuyệt đối bí mật” này.
Theo lời đồng chí Vũ Kỳ, thư
ký riêng của Người thì “Bác đã suy nghĩ về việc này từ đầu những năm 1960, sau
khi đi dự “Hội nghị Đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế” tại
Matxcơva về. Những bất đồng dẫn đến bất hòa giữa các Đảng anh em, nhất là việc
đánh giá kẻ thù làm Bác suy nghĩ nhiều. Đế quốc Mỹ không bỏ lỡ cơ hội sẽ dấn
sâu thêm bàn tay tội ác vào Việt Nam”.
Ai cũng vậy, trước khi đặt
bút viết một cái gì, phải suy nghĩ về cái đó. Suy nghĩ bao lâu, có đến mức trăn
trở, nghiền ngẫm là tùy theo tính chất quan trọng của việc đó, tùy vào tính
cách, phương pháp làm việc của từng người. Về nội dung, “Di Chúc là một văn kiện
lịch sử vô giá… kết tinh trong đó cả tư tưởng đạo đức và tâm hồn cao đẹp của
Người” (sđd). Vì thế, tìm hiểu nó sẽ rất có ý nghĩa và bổ ích cho chúng ta
trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phương pháp tư tưởng và phong
cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh.
Đây cũng là hiếm hoi một tác
phẩm của Bác mà chúng ta tận mắt được đọc bản thảo viết tay, dù chỉ là trang
đầu. Nay thì đã công bố toàn văn 7 trang viết tay lần thứ nhất Bác viết trong
ngày 15.5.1965 có chữ ký của Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Lê Duẩn. Bản thứ
hai Người viết sau đó ít năm, nhân dịp Bác 78 tuổi. Tháng 5.1968, Người lại
thấy cần phải viết thêm mấy điểm: “Sau chiến thắng việc cần làm trước tiên là
chỉnh đốn lại Đảng. Đầu tiên là công việc đối với con người, cụ thể là công tác
thương binh liệt sĩ và gia đình họ, bồi dưỡng những người trẻ tuổi trong lực
lượng vũ trang, phụ nữ, việc cải tạo nạn nhân của chế độ cũ, việc miễn thuế
nông nghiệp 1 năm cho nông dân”. Nhờ thế mới có cơ hội tìm hiểu quá trình Người
hoàn chỉnh bản Di Chúc. Bài viết này chỉ giới hạn việc tìm hiểu trang bản thảo
đó để suy ra đặc điểm phong cách ngôn ngữ của Bác. Việc này không phải là suy
diễn, vì có điều kiện tìm hiểu trước tác của Bác, các nhà nghiên cứu Việt Nam
và nước ngoài đều nhận ra sự giản dị, trong sáng là nét chủ đạo và nhất quán
trong phong cách ngôn ngữ của Người.
2. Theo logic thông thường, thì lẽ ra Di Chúc phải mở đầu từ
câu: “Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc, đời Đường, có câu
rằng “nhân sinh thất thập cổ lai hy” nghĩa là “người thọ 70 xưa nay hiếm”.
Năm nay tôi vừa 79 tuổi, đã
là người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần đầu óc vẫn sáng suốt như thường, tuy
sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoại 70 xuân thì
tuổi càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.
Nhưng ai mà đoán biết tôi
còn phục vụ cách mạng, phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?
Vì vậy tôi để sẵn mấy lời
này…” (Văn bản chính thức).
Theo đồng chí Vũ Kỳ (sđd)
trong bản thảo đầu tiên viết ngày 10.5.1965 thì đấy đúng là phần mở đầu. Chỉ có
điều vào thời điểm ấy số tuổi được tính là 75. Một phần đoạn văn ấy như sau:
“Năm nay tôi đã 75 tuổi, tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh. Tuy
vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”. Còn bản thảo Bác sửa, trước lần
cuối cùng thì phần ấy được viết như sau: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp
những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài
năm trước đây” và thêm: “Người ta đến khi tuổi càng cao thì sức khỏe càng thấp.
Đó là một điều bình thường.” Đến lần sửa sau cùng (10.5.1969), Bác thêm nhóm từ
“như thường” sau từ “sáng suốt” để nhấn mạnh tình trạng tinh thần của mình. Bác
sắp xếp lại vị trí từ “khi”, thay từ “đến” bằng từ “đã” nối với nhóm từ mới
thêm “ngoại 70 xuân” khiến cho câu văn sáng hẳn ra, lại có thêm vẻ tươi vui, dí
dỏm. Hãy so sánh: “Người ta đến khi tuổi càng cao thì sức khỏe càng thấp” thành
“Khi người ta đã ngoại 70 xuân thì tuổi càng cao sức khỏe càng thấp.” Câu cuối
đoạn văn: “Đó là một điều bình thường” chữa thành: “Điều đó cũng không có gì
lạ”, thể hiện rõ tinh thần của người nắm chắc quy luật, luôn làm chủ được mình,
làm chủ tình thế, làm chủ hoàn cảnh.
Vì lẽ gì mà Bác thay đổi bố
cục, đưa đoạn mở đầu xuống sau, đưa “đoạn kết” lên đầu. Ở đây, nói “đoạn kết”
không dùng với nghĩa là đoạn kết bản Di chúc, những lời dặn cuối cùng. Cái
“đoạn kết” này nảy ra trong suy nghĩ, theo Bác suốt gần 10 năm, từ khi đi dự
Hội nghị Đại biểu các Đảng cộng sản và Công nhân quốc tế về. Ấy là dự cảm chính
trị về tình hình chia rẽ trong phe xã hội chủ nghĩa, là dự cảm chính trị Mỹ sẽ
nhúng sâu bàn tay tội ác vào nước ta. Và thế tất, một cuộc kháng chiến trường
kỳ gian khổ, ác liệt sẽ xảy ra. Nhưng bất luận thế nào, kết quả cuối cùng chúng
ta cũng thắng lợi hoàn toàn.
Chính là Người có ý khẳng
định, muốn làm nổi bật tư tưởng chiến lược ấy, quyết tâm chiến lược ấy, niềm
tin thắng lợi ấy nên mới đưa “đoạn kết” lên đầu. Đúng ra là Bác đưa “kết cục”,
“chung cục” của cuộc chiến ác liệt mà Người khẳng định sẽ thuộc về ta lên đầu
Di Chúc. Bởi sau đó, Người còn dành một đoạn khá dài nói về cuộc kháng chiến
chống Mỹ kia mà. Đấy là chuyện của văn phong (vào đề bằng lối trực khởi) hay là
chuyện của phương pháp tư tưởng, của tư duy biện chứng, của tinh thần lãng mạn
cách mạng, của nhà tiên tri cách mạng Nguyễn Ái Quốc như ta từng biết.
3. Tháng 5.1921, trong bài “Phong trào cộng sản quốc tế” (tạp
chí La Revue Communiste số 15) Nguyễn Ái Quốc đã tiên đoán Trung Hoa dân quốc
sẽ trở thành nước cộng sản, bắt tay với Liên Xô. Tháng 3.1924 trong tập san
Inprekorr, Nguyễn Ái Quốc đã tiên đoán về chiến tranh thế giới thứ II, cũng là
cuộc đọ sức giữa nước Nga với chủ nghĩa tư bản. Tháng 2.1942 trong bài diễn ca
lịch sử nước ta, Nguyễn Ái Quốc cũng đã tiên đoán: “1945 Việt Nam độc lập”.
Ngày 12.4.1999, chuẩn bị kỷniệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên
Giáp, khi trả lời báo chí phỏng vấn đã kể, ngay khi ông gặp Bác sau chiến
thắng, Người đã bảo: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đáng mừng, nhưng chú hãy nhớ
lấy, đây mới là bắt đầu. Bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ta còn phải đánh
Mỹ”.
Tìm hiểu phương pháp tư
tưởng của Người thể hiện trong tư duy ngôn ngữ ở trang đầu bản Di Chúc là điều
cực kỳ bổ ích, lý thú, cả về phương pháp tư tưởng và cách diễn đạt. Câu mở đầu
bản Di Chúc (chính thức), thoạt đầu Bác viết là “Cuộc chống Mỹ cứu nước của
nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn”.
Về hình thức, đây là câu
đơn, khẳng định. Về nội dung, câu văn khẳng định niềm tin chắc chắn vào thắng
lợi của nhân dân ta trong cuộc chống Mỹ. Là người nắm chắc quy luật vận động
của lịch sử xã hội, niềm tin ấy có cơ sở khoa học. Nhưng dù sao câu văn mới đề
cập đến mặt chủ quan của vấn đề. Cần thiết phải đề cập thêm mặt khách quan thì
điều khẳng định mới thật chắc chắn. Chính vì vậy Bác mới mở rộng thành phần câu
bằng cách thêm vào giữa câu một ngữ. Ngữ này, thoạt đầu Bác viết là: “Dù phải
kinh qua nhiều gian khổ hy sinh”. Đây là câu giả định đề cập đến mặt khách quan
(phía địch). Chúng có thể gây cho ta nhiều gian khổ hy sinh. Đấy là cách nhìn
biện chứng, cách nhìn thực tế. Đấy là thái độ chấp nhận để đạt được mục đích
cuối cùng.
Nhưng như vậy thì chẳng hóa
ra chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ bằng hải quân, không quân từ đầu đến đó
chưa gây ra nhiều hy sinh gian khổ cho đồng bào ta hay sao? Vì thế, lần thứ ba
Bác sửa lại, chuyển từ “nhiều” xuống cuối ngữ này. Và tính tới sự ác liệt nhất
định sẽ tăng lên, Bác thêm nhóm từ “hơn nữa” vào cuối ngữ trên thành “nhiều hơn
nữa”. Cuối cùng để hoàn chỉnh lập luận, Bác thêm từ “song” vào giữa hai vế. Sự
chặt chẽ của từ này tạo nên hai tác dụng: Phủ định vế đứng trước nó, khẳng định
vế đứng sau nó. Cuối cùng thành câu phức hợp: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân
dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song, nhất định thắng
lợi hoàn toàn”. Đây là lần sửa cuối cùng vào 9h ngày 10.5.1969.
4. Nhìn vào bản thảo viết tay của Bác, thấy rất rõ Bác đã sửa
như thế nào. Những phần thêm vào, Bác đánh dấu v, viết bằng mực đỏ. Phần thêm
vào ở phần mới thêm, Bác lại đánh dấu v, rồi viết thêm.
Như đã nói, Bác muốn nội
dung tinh thần của đoạn mở đầu này tác động trước tiên vào lý trí, tình cảm của
nhân dân ta trước các điều khác sẽ nói. Bởi nó là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt
Di Chúc. Nội dung tinh thần câu mở đầu ấy còn được lặp lại ở phần sau (nửa cuối
bản Di Chúc, trong một đoạn văn khá dài): “Cuộc kháng chiến chống Mỹ còn có thể
kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao chúng ta
cũng phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn…”.
Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo
cả một giai đoạn cách mạng mà Bác đã hình dung ra ngay sau chiến thắng Điện
Biên Phủ, mà vào thời điểm này (1969) đang đi vào chặng quyết chiến chiến lược
cuối cùng. Hơn một năm sau khi Bác đặt bút khởi thảo bản Di Chúc, ngày
17.7.1966, trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Bác cũng nói: “Chiến
tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng
và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá, Song, nhân dân Việt Nam quyết
không sợ, không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Cách diễn đạt ngôn từ có
phần khác nhau, nhưng nội dung tư tưởng vẫn là một. Vẫn là một chất thép tư
tưởng cách mạng, là tính kiên định của lập trường độ lập tự do. Đó là xương
sống trong những bài viết của Bác, trong suốt cuộc đời hoạt động của Người. Đấy
vừa là nội dung, vừa là hình thức, vừa là tư tưởng, vừa là văn phong của Bác.
Vậy là việc đưa “đoạn kết”
lên thành đoạn mở đầu là kết quả của một phương pháp tư tưởng đúng đắn và sáng
suốt. Lời mở đầu ấy tác động vô cùng mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của nhân
dân ta và cả bạn bè thế giới qua giọng đọc xúc động của đồng chí Lê Duẩn trên
quảng trường Ba Đình trong lễ truy điệu Người.
Quyết tâm chiến lược của
Người đã trở thành sự thật sau đó chỉ hơn 3 năm, tính đến trận Điện Biên Phủ
trên không ở Hà Nội (12.1972), dù năm 1973 Mỹ mới chịu ký Hiệp định Pari, quân
Mỹ mới cút khỏi miền Nam và hai năm nữa với chiến dịch mang tên Người, chế độ
Sài Gòn mới đổ nhào.
Thắng lợi ấy là “viễn cảnh”
tính từ 10.5.1965; nếu tính từ 10.5.1969 thì đó là “trung cảnh”. Trong Di Chúc,
câu văn của Bác cứ nhẹ tênh, tự nhiên và hiển nhiên như một “cận cảnh”. “Sáng
nay, Bác vừa yêu cầu đồng chí Vũ Kỳ sắp xếp lịch đi công tác các địa phương.
Chắc chắn đồng bào Nam Bộ sẽ được ưu tiên trước. “Cận cảnh” tươi vui này mới
đầu được Bác thảo như sau: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền
Nam Bắc để thăm hỏi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ, thăm hỏi các cụ phụ lão, các
cháu thiếu niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.
Lần sửa cuối cùng
(10.5.1969), Bác thay từ “chúc mừng” cho từ “thăm hỏi”. Thêm từ “anh hùng” vào
sau từ “chiến sĩ”.
Việc thay hai từ ấy là thay
đổi một nhận thức, một sự đánh giá. Nó chỉ ra rằng, chính đồng bào, cán bộ,
chiến sĩ làm nên thắng lợi nên họ phải được “chúc mừng”. Từ “thăm hỏi” không
phù hợp, nó chỉ là một việc bình thường như nhiều việc khác trong đời sống. Với
từ “chúc mừng”, Bác đã suy tôn vai trò của quần chúng nhân dân dân trong công
cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước. Chính vì quan niệm ấy mà Bác thêm từ “anh hùng”
để làm rõ hơn lý do đánh giá của mình đối với những người làm nên thắng lợi.
5. Sau những giờ phút xúc động trước “tổn thất này vô cùng lớn
lao, đau thương này thật là vô hạn” (Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng
Lao động Việt Nam), mọi người dân Việt Nam mới bình tâm thấm thía từng lời Bác
dặn trước lúc đi xa. Như trong kế hoạch công tác, đồng chí Vũ Kỳ đã sắp xếp,
“Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm viếng và cảm ơn các nước anh
em trong phe XHCN và các nước bầu bạn đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ chúng ta
trong công cuộc chống Mỹ cứu nước”. Sau đó, không rõ vào năm nào Bác sửa lại
là: “Kế đó tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước trong phe XHCN
và bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước
của nhân dân ta”. Về kết cấu, cơ bản không có gì khác nhau. Bác chỉ thay đổi vị
trí và cách dùng từ. Thay từ “chúng ta” (ở phần cuối câu) bằng nhóm từ “nhân
dân ta”; bỏ từ “viếng” và thêm nhóm từ “khắp năm châu” để bổ ngữ cho từ “bầu
bạn”. Về nội dung, mới đọc, tưởng như không có gì khác nhau. Nhưng ngẫm thêm
thì việc sửa này xuất phát từ nhận thức chính trị. Nhận thức này xuất phát từ
thực tế lịch sử cuộc chống Mỹ mà nhân dân ta tiến hành lúc đó.
Từ “viếng” được bỏ đi cho
thấy sự chính xác trong cách dùng từ của Bác. Bây giờ, nhiều khi báo chí ta vẫn
dùng từ ghép “viếng thăm”/“thăm viếng” để đưa tin những cuộc đi thăm của các vị
nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến ta. Tuy cùng một ý nghĩa đạo lý nhưng nội
hàm của chúng rất khác nhau. “Thăm” là đến với người khác lúc người ta đang
sống. “Viếng” là đến với người ta lúc đã chết. Không thể ghép hai từ ấy lại như
nhiều người vẫn dùng trong văn nói, càng kỵ hơn khi viết trong trường hợp với
người sống.
Thêm nhóm từ “khắp năm châu”
không có nghĩa là Bác có kế hoạch đi thăm tất cả các nước ở cả năm châu đã từng
ủng hộ và giúp đỡ ta. Điều ấy là không thể. Có nước giúp đỡ nhiều, nước giúp đỡ
ít, nước ủng hộ nhiều, nước ủng hộ có mức độ. Làm sao đi hết được. Thật ra, đó
chỉ là cách để xác định không gian chúng ta có bầu bạn. Trên trái đất này, nơi
nào có con người thì nơi ấy ta có bầu bạn, kể cả ở nước Mỹ. Dùng nhóm từ này,
còn thể hiện sự chu đáo, trân trọng của nhân dân ta, biết ơn mọi sự giúp đỡ và
ủng hộ nhiều cũng như ít, tinh thần cũng như vật chất, trực tiếp cũng như gián
tiếp, gần cũng như xa, vừa làm sáng tỏ tính chất chính nghĩa cuộc kháng chiến
nhân dân ta đang tiến hành.
Ta cứ tưởng nhóm từ “nhân
dân ta” và nhóm từ “chúng ta” không có gì khác nhau, dùng thế chỗ cho nhau cũng
được. Ở cương vị Người đứng đầu nhà nước khi dùng nhóm từ “nhân dân ta” sẽ làm
sáng tỏ sự thống nhất trên dưới một lòng giữa Đảng cầm quyền, nhà nước và nhân
dân, sẽ có lợi hơn khi tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ rộng rãi của tất cả những
người có lương tri trên thế giới, kể cả những người chưa hiểu bản chất chế độ
nhà nước ta. Trong trường hợp ấy, bạn dễ đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ một sự
nghiệp của nhân dân hơn là công việc của nhà nước. Dùng từ “chúng ta” nghe dễ
bị hiểu nghiêng về tư cách nhà nước hơn.
Thế còn, “ủng hộ và giúp đỡ
nhân dân ta trong cuộc chống Mỹ cứu nước” và “ủng hộ giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu
nước của nhân dân ta” thì khác nhau thế nào mà Bác phải đảo lại? Nếu là “ủng hộ
và giúp đỡ nhân dân ta…” thì điều đó chỉ có nghĩa là bạn có quan hệ tốt với
nhân dân ta, có thiện ý với ta, do đó sẽ vì nhân dân ta mà ủng hộ. Đối tượng mà
bạn quan tâm là “nhân dân ta” chứ chưa hẳn là sự nghiệp mà nhân dân ta tiến
hành. Trong cuộc sống hằng ngày, giữa các mối quan hệ cá nhân vẫn có những
chuyện như thế. Vì nể nhau, vì muốn giữ quan hệ truyền thống với nhau mà ủng hộ
nhau. Trong trường hợp ấy (cả việc ta đang tìm hiểu và ví dụ trong quan hệ
sống) “nhân dân ta”, “ta” phải mang ơn bạn nhiều hơn vì bạn đã đối xử tốt với
mình.
Còn “ủng hộ và giúp đỡ cuộc
chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta” thì tinh thần khác nhiều. Bên trên là “đối
tượng” giúp đỡ ủng hộ, bên dưới là công việc mà đối tượng ấy tiến hành. Vượt
lên trên mối quan hệ giữa hai bên, lấy công việc của bạn làm trọng nên ủng hộ
và giúp đỡ. Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta được bạn bè coi như lý
tưởng của mình, việc ủng hộ giúp đỡ nhân dân ta trở thành nghĩa vụ quốc tế của
bạn, dù chế độ khác nhau. Thời ấy, tất cả những ai có lương tri trên thế giới
đều ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam là vì lẽ ấy. Việt Nam trở thành lương tâm thời
đại là vì lẽ ấy.
6. Thời ấy, chống Mỹ được bạn bè coi là sứ mệnh thiêng liêng mà
nhân loại trao cho dân tộc ta. Đối với các nước XHCN thì bạn ủng hộ giúp đỡ
nhân dân ta vì cả hai lẽ, cả quan hệ đồng chí, anh em và cả sự ngiệp chống Mỹ
của ta. Nhưng với nhiều trường hợp khác thì không hẳn như vậy. Nhiều bạn chưa
hiểu ta, không chung đường lối chính trị với ta, nhưng chỉ vì ta đánh Mỹ mà ủng
hộ giúp đỡ, rồi từ đó mới hiểu ta hơn, mới có quan hệ hợp tác với ta sau này.
Thời ấy, nào ta đã có quan hệ gì với Venezuela, nhưng những người du kích nước
ấy đã bắt một đại tá Mỹ làm con tin để đổi lấy việc Mỹ phải thả anh Nguyễn Văn
Trỗi. Đến giờ, quan hệ quốc tế chúng ta mở rộng, ta sẵn sàng làm bạn với tất
cả, đa phương hóa, đa dạng hóa mọi quan hệ quốc tế nên được ủng hộ giúp đỡ
nhiều như thế; kể cả việc bạn bè ủng hộ ta vào ghế Ủy viên không thường trực
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chắc chắn có nguồn gốc lịch sử từ thời ta chống
Mỹ, chứ không phải chỉ là kết quả của đường lối ngoại giao cởi mở và vị thế của
ta trên trường quốc tế bây giờ.
Trong tác phẩm “Chống thói
ba hoa” (1947), Bác đã dạy cán bộ cách viết: “Sau khi viết phải xem đi xem lại
3, 4 lần. Nếu là tài liệu quan trọng phải xem đi xem lại 9, 10 lần”. Việc Bác
sửa đi sửa lại nhiều lần, trong một thời gian dài với một sự cẩn trọng và khoa
học đến mức ấy là một bài học lớn về phương pháp tư tưởng, lề lối làm việc của
người cầm bút. Cho nên câu văn của Người bao giờ cũng chứa đựng những tư tưởng
sâu sắc và tinh tế, bao giờ cũng giản dị và trong sáng như cuộc đời của Người.
Sáng ngày 28.8.2019, triển lãm “Hồ Chí
Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” được khai
mạc tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đây là hoạt động
thiết thực nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(1969 – 2019). Triển lãm do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam phối hợp
với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 3 cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Cộng
hòa Pháp và Hoa Kỳ tổ chức. Ban Tổ chức triển lãm đã lựa chọn công bố,
giới thiệu hơn 100 tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người.
Trong đó có bản Di Chúc thiêng liêng – sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh.