Bác về đem tới mùa xuân
Sau 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó là ngày 28 tháng 01 năm 1941, nhằm Tết Tân Tỵ. Mảnh đất đầu tiên của Tổ quốc được đón Bác Hồ trở về là Cột mốc số 108 trên biên giới Việt Trung tại bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao bằng. Đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất của Tổ quốc sau 30 năm xa cách, Người đã lặng đi vì xúc động ngắm nhìn cảnh vật quê hương. Hành trang theo Bác trở về Pác Bó vẻn vẹn chỉ có một chiếc valy xách tay bằng mây, trong đựng hai bộ quần áo đã cũ, và tập tài liệu “Con đường giải phóng” tập hợp những bài giảng trong lớp huấn luyện ở Nậm Quảng (Quảng Tây, Trung Quốc) do Bác phụ trách, vừa mới kết thúc trước Tết mấy hôm.

Đại tá Dương Đại Lâm, quê ở Pác Bó kể lại: Sau cái đêm đầu tiên nghỉ lại tại nhà một đồng bào dân tộc Nùng có cảm tình với cách mạng, hôm sau người chủ nhà dẫn Bác và mấy đồng chí vừa mới về nước, theo một con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo qua rừng, lên một ngọn núi đá, về sau Bác đặt tên núi là núi Các Mác. Từ bờ suối trèo lên phải qua đoạn dốc khá dài, cây cối rậm rạp, mới lên tới cửa hang. Hang nằm trên lưng chừng dãy núi cao chạy dài là gianh giới tự nhiên giữa nước ta và Trung Quốc. Hang không rộng lắm, có hai ba ngách nhỏ. Trong một ngách có tảng đá khá to, bằng phẳng, mọi người dọn dẹp gác cây rải lá lên làm giường nằm. Bác Hồ đã sống những ngày đầu về nước ở trong hang đá ấy. Đó là hang Cốc Bó, thuộc bản Pác Bó. Pác Bó theo tiếng Tày - Nùng ở Cao Bằng có nghĩa là “đầu nguồn”. Trước cửa hang có một con suối lớn nước quanh năm trong vắt chảy ngầm từ trong núi đá ra, là đầu nguồn của con sông Giành, một nhánh của sông Bằng Giang, chảy qua thành phố Cao Bằng. Bác Hồ đặt tên cho suối là suối Lê-nin. Mảnh đất thiêng này chính là đầu nguồn của cách mạng Việt Nam.

 

Bác Hồ về thăm lại Pác Bó (Cao Bằng - 1961). Ảnh tư liệu.

Về Pác Bó, Bác thường mặc bộ quần áo dân tộc Nùng màu chàm, ống tay rộng. Thức ăn của Bác và anh em chỉ có rau bí, măng đắng, rau rừng và con ốc, con cá bắt được ở dưới suối. Tháng giáp hạt, nhân dân ăn độn ngô, Bác cũng ăn cháo, ăn ngô. Trời mưa ẩm, hang núi đá ướt lạnh thấu xương, từ các nhũ đá nước nhỏ giọt xuống đều đều không dứt. Để đỡ lạnh mọi người phải đốt lên một đống lửa nhỏ. Sáng ra, Bác lại ra ngồi nơi phiến đá chông chênh bên bờ suối để dịch sách huấn luyện cán bộ và biên soạn tài liệu tuyên truyền cách mạng. Với tinh thần lạc quan cách mạng, Bác đã viết bài thơ Tức cảnh Pác Bó trong thời gian Người hoạt động ở đây:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang!

Thời gian này Bác nhanh chóng bắt tay xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng tại Cao Bằng, chuẩn bị cho cuộc cách mạng để giải quyết cho kỳ được vấn đề giải phóng dân tộc và giai cấp. Nơi đây, từ ngày 10/5 - 19/5/1941 đã diễn ra sự kiện trọng đại của Đảng và của dân tộc: Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 do Bác chủ trì họp tại lán Khuổi Nậm đã hoàn chỉnh đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, trong đó xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta. Chính ở đây, Hội nghị Trung ương đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh và đề ra chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Tại hội nghị này, Trung ương đã quyết định duy trì và phát triển cơ sở du kích ở Bắc Sơn - Võ Nhai, đồng thời ra sức củng cố và mở rộng cơ sở Cao Bằng, xây dựng hai nơi đó thành trung tâm của công cuộc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa tại Việt Bắc.
 Cũng tại căn cứ lịch sử cách mạng Pác Bó, Bác đã sáng lập ra tờ báo “Việt Nam độc lập” là cơ quan tuyên truyền của tổ chức Việt Minh, thành lập đội du kích Pác Bó là lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng, đồng thời còn huấn luyện nhiều lớp chính trị, quân sự…
Từ căn cứ Pác Bó, Bác đã tới hoạt động nhiều nơi trên đất Cao Bằng. Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, theo chỉ thị của Người, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng được thành lập, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “trận đầu phải thắng”, chỉ hai ngày sau khi thành lập, với lối đánh bất ngờ, dũng cảm, mưu trí, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng hai trận đầu liên tiếp ở Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng ngay trận đầu của Quân đội Nhân đân Việt Nam.
Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều biến đổi lớn, có lợi cho ta. Đảng ta quyết định mở chiến dịch biên giới Việt - Trung nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, nối liền nước ta với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa thành lập. Bác yêu cầu: “Trận này rất quan trọng, chỉ được thắng không được thua”.1 Tháng 8 năm 1950, Bác Hồ đã lên đường ra mặt trận, cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Tại đài quan sát chiến dịch (ở núi Báo Đông thuộc bản Nà Lạn, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), Bác đã chăm chú quan sát, theo dõi chặt chẽ trận Đông Khê. Khoảnh khắc lịch sử ấy, Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An đã chụp được bức ảnh quý “Hồ Chủ tịch quan sát mặt trận Đông Khê” rất nổi tiếng. Trải qua 29 ngày chiến đấu quyết liệt, bộ đội ta đã giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950. Sau chiến thắng Biên giới thu đông 1950, quân và dân ta tiếp tục giành quyền chủ động tiến công chiến lược trong những năm 1951 - 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.  
Đúng 20 năm sau ngày Bác về Pác Bó, ngày 20 tháng 2 năm 1961, cũng vào dịp Tết, mồng 6 Tết Tân Sửu, Bác về thăm lại Pác Bó. Bà con các dân tộc ở đây đón Bác như đón người cha trở về. Đồng bào tổ chức mít tinh đón Bác với đủ các sắc màu dân tộc: áo chàm của dân tộc Tày, Nùng, áo hoa văn sặc sỡ, vòng bạc đeo đầy cổ, đầy tay của người Mông. Bác đến. Tiếng hoan hô và tiếng các nhạc cụ dân tộc tấu lên thật rộn ràng như một ngày hội lớn. Bác ân cần chia kẹo cho các em nhỏ và mọi người, tặng ảnh cho nhân dân Pác Bó. Bác nói chuyện với đồng bào. Rồi Bác và mọi người lên thăm hang Pác Bó. Sau khi trồng 3 khóm trúc ở nơi đầu nguồn suối Lê-nin, Bác ra ngồi trên tảng đá nhô lên mặt nước nơi ngày xưa Người vẫn thường ngồi câu cá. Bác kể cho mọi người nghe ngày Bác ở đây. Dòng suối nguồn nước vẫn chảy trong vắt như ngày xưa Bác ở. Hai mươi năm trước xuân Tân Tỵ đất nước còn nô lệ, hai mươi năm sau xuân Tân Sửu một nửa nước nhà đã độc lập tự do. Bác liền đọc bài thơ khi tứ thơ vừa chợt đến:

Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay.

Cây đào bên bờ suối như nở hoa thắm hơn để đón chào Người. Bác nói với mọi người sau này con đường từ thị xã Cao Bằng lên Pác Bó nên trồng cây có nhiều hoa để con đường là đường hoa. Ra đến bờ suối Bác và các đồng chí cùng đi chụp ảnh trước cây đào đang nở rộ. Nhân dân tập trung rất đông đủ ở đầu làng đưa tiễn Bác. Bác vẫy tay lưu luyến.
Bác đi xa mà chưa kịp thấy đất nước thống nhất, nhưng chiến dịch cuối cùng giải phóng miền nam là chiến dịch mang tên Bác. Từ mùa xuân Bác về Pác Bó đến mùa xuân giải phóng miền nam, lịch sử dân tộc đã trải qua chặng đường hơn 30 năm nữa. Xưa Pác Bó là đầu nguồn của cách mạng, nay Pác Bó là điểm đầu của con đường mang tên Bác - Đường Hồ Chí Minh - nối liền non sông một Giải từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau).   

Xuân Giáp Thìn - 2024

               
(1): Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, 2006, tr 626.

 

- Theo: baocacninh.com.vn -

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập