Không nhiều về số
trang nhưng tác phẩm đặt ra những vấn đề rất lớn của cách mạng, của đảng cầm
quyền, đặt trong bối cảnh những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cực kỳ gay
go, thiếu thốn, ác liệt, soi dưới ánh sáng văn hóa mới mẻ nhất của nhân loại
hôm nay càng thấy tầm vóc thiên tài của tác giả.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch
Hồ Chí Minh viết năm 1947.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết xong tháng
10/1947, tác giả ký tên X.Y.Z. được Nhà xuất bản Sự thật in lần đầu năm
1948, dày 100 trang. Năm 1959 Nhà xuất bản in lại, tác giả ký tên thật là Hồ
Chí Minh. Năm 2011, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in trong bộ Hồ Chí
Minh toàn tập (15 tập), tập 5, dày 77 trang(1). Không nhiều về số
trang nhưng tác phẩm đặt ra những vấn đề rất lớn của cách mạng, của đảng cầm
quyền, đặt trong bối cảnh những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cực kỳ gay
go, thiếu thốn, ác liệt, soi dưới ánh sáng văn hóa mới mẻ nhất của nhân loại hôm
nay càng thấy tầm vóc thiên tài của tác giả. Bài viết xin được triển khai từ ba
phương diện cơ bản: “Sửa đổi lối làm việc” cho hợp với bản chất thời đại dân
chủ; “Sửa đổi lối làm việc” của đảng lãnh đạo, của đảng viên, cán bộ; “Sửa đổi
lối làm việc” theo tư duy của dân, vì dân.
I. “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” CHO HỢP VỚI BẢN CHẤT THỜI ĐẠI DÂN CHỦ
Lối làm việc là phong cách, lề lối, cách thức làm việc. Ở bất cứ
xã hội nào, thời đại nào thì lối làm việc cũng nói một cách rõ nhất bản chất
thời đại ấy. Vì qua cách làm việc sẽ cho thấy đạo đức công vụ cũng như đạo đức
đảng cầm quyền, cho thấy hiệu quả và mục đích công việc. Cách mạng Tháng
Tám là một cuộc cách mạng triệt để nhất đổi thay cách làm việc từ lề lối phong
kiến quan liêu, phi dân chủ sang lề lối làm việc vì dân, cách mạng. Nhưng sự
ảnh hưởng từ xã hội cũ còn rơi rớt tất yếu chưa được gột bỏ, đất nước lại bước
vào cuộc kháng chiến trường kỳ vô cùng khó khăn. Lề lối làm việc từ Trung
ương đến địa phương, từ lãnh đạo cao nhất đến cán bộ gần dân nhất cũng tất yếu
chưa theo kịp với yêu cầu của nhiệm vụ và cuộc sống kháng chiến. Vì lẽ này Hồ
Chí Minh ký bút danh khi viết Sửa đổi lối làm việc với cái ý
ai cũng cần “sửa đổi”, kể cả lãnh đạo cao nhất. Ngay việc làm này đã cho thấy
một tinh thần dân chủ, khoa học, bình đẳng của tác phẩm!
Bác dùng chữ rất giản dị nhưng rõ ràng, dễ hiểu, “sửa đổi” nghĩa
là phải sửa lại, đổi thay lối làm việc, ai cũng có thể làm được. Nếu viết “Cách
mạng lối làm việc” thì to tát quá và cũng không đúng với bản chất vấn đề vì Nhà
nước mới đã ra đời 2 năm, tức lối làm việc mới đã có 2 năm rồi. Thế nên dùng
“sửa đổi” là đúng nhất, lối làm việc mới đã có rồi nhưng nay phải sửa lại, đổi
thay cho phù hợp.
Có thể coi tác phẩm là một đề cương mẫu cho các cuộc chỉnh đốn
Đảng sau này.
1. Thời đại dân chủ lấy dân làm gốc.
Cả cuộc đời Bác Hồ đau đáu, thao thức một chữ DÂN, từ khi đi tìm
đường cứu nước cho đến khi về với Các Mác, Lênin. Khi còn hoạt động ở
Pháp, trên báo Le Paria số 4, ngày 1/7/1922, trong nguyên
bản tiếng Pháp bài báo Thù ghét chủng tộc tác giả dùng hai chữ
“con gái” bằng tiếng Việt(2). Trên báo L’Humanité ngày
17/8/1922, trong nguyên bản bài Dưới sự bảo hộ của… các chữ “nhà
quê”, “Quan lớn”, “lính lệ” viết bằng tiếng Việt(3). Trong
truyện Vi hành chữ “dân” viết bằng tiếng Việt. Đặc biệt hai
chữ “nhà quê” được tác giả đều viết bằng tiếng Việt trong các văn bản tiếng
Pháp. Không phải là trong tiếng Pháp không có từ tương ứng mà tác giả có dụng ý
hẳn hoi. Có thể là từ ấy quen với người Pháp ở An Nam, ví dụ hai chữ “con gái”
thường xuất hiện trong các bài báo tiếng Pháp là do người Pháp nuôi những thiếu
nữ người Việt vừa để hầu hạ vừa làm trò chơi, họ gọi những người này bằng âm
tiếng Việt. Hai chữ “nhà quê” thì mang sắc thái biểu cảm rõ ràng, trong văn
cảnh cụ thể thì có thể đó là sắc thái mỉa mai những tên thực dân khinh thường
dân An Nam thuộc địa hoặc có thể là tâm trạng xót xa của người viết trước cảnh
đồng bào mình bị bóc lột tàn tệ… Các chữ ấy là cách viết khác của chữ
DÂN. Sau này khi là Chủ tịch nước, Bác nhắc cán bộ: “Các chú nên nhớ rằng
Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân
vô điều kiện”(4). Trong Sửa đổi lối làm việc nổi
bật lên 3 chân lý:
Một là, “Chúng ta phải ghi tạc
vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt”.
Hai là, “Dân chúng rất khôn khéo,
rất hăng hái, rất anh hùng”. “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách
giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn
nghĩ mãi không ra”.
Ba là, “Lực lượng của dân chúng
nhiều vô cùng”. “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng
được”.
Đây là ba cột chống vững chãi: tình cảm của dân, trí tuệ của dân,
sức mạnh của dân để nâng đỡ tòa tháp dân chủ. “Ý tại ngôn ngoại” của vấn đề còn
thật rộng dài, sâu sắc: Người Việt “trọn nghĩa vẹn tình”, tôn thờ đạo Hiếu,
Đảng cũng từ dân mà ra, nhờ dân giúp đỡ mà thành công... Đảng, Chính phủ, cán
bộ phải ứng xử thế nào cho tương xứng với lòng tốt của dân, với truyền thống
dân tộc. “Dân chúng rất khôn khéo...” nên phải gần dân để học hỏi dân, nhờ dân
chỉ bảo. “Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng” nên phải biết dựa vào dân, tận
dụng sức dân, phát huy sức mạnh của dân. Có thể khái quát lại thành nguyên lý:
muốn thành công phải gần dân, yêu dân, học dân, vì dân!
2. Đảng, Chính phủ, cán bộ đảng viên phải làm gì?
Trả lời một cách rõ ràng câu hỏi này chính là mục II. Mấy
điều kinh nghiệm, nổi bật lên cái ý về tính mục đích của Đảng, Chính phủ:
“vì ai mà làm”, “vì ai mà chịu trách nhiệm”. Câu trả lời đúng nhất là: “Chính
phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi
ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Vì vậy, ngay luận
điểm đầu tác giả nêu kinh nghiệm “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”. Cán bộ thay
mặt Đảng, Chính phủ làm việc với dân nên nếu cán bộ dốt, cán bộ xấu thì đường
lối Đảng, chỉ thị của Chính phủ bị uốn cong, tốt thành xấu. Thế nên tác giả
khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Chọn, huấn luyện, sử dụng cán bộ thế nào, tác giả lại dành hẳn một mục
lớn - mục IV. Vấn đề cán bộ.
Với Đảng, cố nhiên quan trọng nhất là “cách lãnh đạo”, nhưng
“chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng”. Tác giả
nhấn mạnh nhiều lần cái ý: Đảng từ trong quần chúng mà ra rồi lại “về sâu trong
quần chúng” tức phải hiểu dân để phục vụ dân. Mọi chính sách, nghị quyết phải
căn cứ vào tình hình của dân, làm theo ý dân chứ không phải theo ý chủ quan của
mình. Nếu cứ chủ quan thì là cách làm “khoét chân cho vừa giầy”. Phải có một
tài năng khái quát mới có một hình tượng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ này: “Chân
là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo
chân. Không ai đóng chân theo giầy”. Còn bật ra một ý: Đảng ta cũng mang sứ mệnh
như cái giầy biết bảo vệ, nâng đỡ giúp chân quần chúng đi đứng nhanh nhẹn, vững
vàng, an toàn hơn!
Quan niệm của Bác về quan hệ “Dân” và “Chính phủ” để “thực hành
dân chủ” hết sức biện chứng: “Chính phủ Cộng hoà Dân chủ là gì? Là đày tớ
chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là
đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ
làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc
cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê
bình nhưng không phải là chửi(5). Chỉ mấy câu ngắn nhưng ba lần
Bác nhắc lại hai chữ “đày tớ” để nhấn mạnh tới bổn phận của
Chính phủ. Hai lần Bác nhắc lại hai chữ “phê bình” là nói về trách
nhiệm của dân. Dân yêu Chính phủ thì phải phê bình đúng đắn, nghiêm
túc (chứ không phải “chửi” một cách vô nguyên tắc) để Chính phủ tiến bộ. Lời
dạy ấy hôm nay cố gắng làm sao thấm nhuần đến tận mỗi cán bộ, mỗi người dân!
II. “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” CỦA ĐẢNG LÃNH ĐẠO, CỦA ĐẢNG VIÊN,
CÁN BỘ
1. “Sửa đổi lối làm việc” của đảng lãnh đạo.
Bác Hồ là người kiến tạo nên mô hình một đảng cầm quyền thực sự vĩ
đại đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Đó là
cuộc cách mạng khiến cả thế giới khâm phục, ngưỡng mộ, kính trọng. Bước vào
cuộc kháng chiến trường kỳ, Đảng tất yếu phải có những điều chỉnh để
thích ứng, chưa kể qua thực tiễn thời gian Đảng để lộ ra những khuyết điểm,
những hạn chế cần phải “sửa đổi”. Đây là một bài học cho bất cứ đảng lãnh đạo nào,
cuộc sống luôn biến chuyển, do vậy phải luôn có những điều chỉnh. Với tác phẩm
này, Hồ Chí Minh đã làm một cuộc chỉnh đốn Đảng mẫu mực. Cấu trúc của tác
phẩm cũng đã phần nào nói lên về cách thức chỉnh đốn với 6 cụm vấn đề lớn:
I. Phê bình và sửa chữa; II. Mấy điều kinh nghiệm;
III. Tư cách và đạo đức cách mạng; IV. Vấn đề cán bộ;
V. Cách lãnh đạo; VI. Chống thói ba hoa. Trước hết là
phải “phê bình” tìm ra “khuyết điểm rất to” để “thiết thực học tập, sửa chữa”
với mục đích “tẩy sạch” khuyết điểm cho “công việc mới có thể tiến bộ”. Muốn
vậy phải căn cứ, phải dựa vào thực tế nên tiếp theo tác giả đi sâu vào
“II. Mấy điều kinh nghiệm”. Không hề là “kinh nghiệm
chủ nghĩa” mà thực sự biện chứng, phải soi vào cuộc sống thực tế để thấy được
những điều hay dở mà “sửa đổi”...
“Khuyết điểm rất to” được tác giả chỉ ra ở ngay hai dòng đầu tiên
là “xao nhãng việc học tập”. Đây là nguyên nhân “mẹ” đẻ ra biết bao các khuyết
điểm “con”, do vậy phải “đột phá” vào nó tìm cách làm để sửa, phải có “tổ
chức”, có “thời gian học tập”, “tài liệu học tập”, “cách thức học tập”, “cách
phê bình”, “kiểm tra”, “báo cáo”. Soi lý luận dạy học hiện đại của ngày hôm nay
vào đó sẽ thấy đây là một mô hình khoa học đầy đủ, trọn vẹn nhất của một quá
trình học tập không chỉ của một tổ chức, một tập thể, còn là của cá nhân.
Với Đảng thì ba khuyết điểm tức “ba chứng bệnh rất nguy hiểm” là
bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Mỗi bệnh đều được tác giả tìm ra
nguyên nhân tức là cách “bắt bệnh” để có thuốc chữa, như bệnh chủ quan là do
“kém lý luận hoặc khinh lý luận hoặc lý luận suông”. Vì lý luận chỉ phương
hướng cho người đi nên cái nguy hiểm của căn bệnh này, là sẽ “lúng túng như
nhắm mắt mà đi”. Lý luận phải được áp dụng vào công việc, còn lý luận
chay, lý luận suông thì chẳng ý nghĩa gì cả. Tư tưởng Hồ Chí Minh sinh động,
tươi mới vì luôn gắn liền lý luận với thực tế, học với hành. Nguyên nhân của
căn bệnh hẹp hòi được tác giả chỉ ra cũng là do ít chịu học tập, chỉ thấy mình
là giỏi nên coi thường, khinh bỉ người khác. Hậu quả của nó là dần dần tự cô độc
chính mình, xa rời quần chúng, đố kỵ, ghét bỏ người tài... Căn bệnh “ba hoa”
còn nguy hiểm hơn nên cách chữa phức tạp hơn do vậy tác giả dành hẳn một mục ở
cuối để phân tích, bàn luận (VI. Chống thói ba hoa).
Ở mục III. Tư cách và đạo đức cách mạng,
tác giả nêu ra 12 điều mang tính “cẩm nang” để Đảng phát triển, khép lại bằng
hai câu thơ lục bát vừa là khái quát tầm quan trọng vừa là lời nhắc nhở, khuyên
nhủ: “Muốn cho Đảng được vững bền/ Mười hai điều đó chớ quên điều nào”. 12 điều
này là sự khái quát ở mức cô đọng nhất về mục tiêu, nhiệm vụ, vai trò, động
lực, phương châm, phương thức, cách thức hoạt động của một đảng “luôn luôn đứng
về phía quần chúng”, “liên hiệp chặt chẽ với dân chúng”. Đây là lý luận về sự
tồn tại và phát triển của một đảng cầm quyền vì dân, gắn bó với dân ngắn gọn
nhưng cũng đầy đủ nhất. Bằng cái nhìn đối sánh sẽ thấy đây là sự kế thừa, kết
tinh, phát triển và nâng cao các lý thuyết tiên tiến trước đó trên thế giới về
đảng cầm quyền được diễn tả một cách giản dị, dễ hiểu nhất.
Về chính sách cán bộ của Đảng, tác giả nhấn vào “mấy điểm
lớn”: Hiểu biết cán bộ, Khéo dùng cán bộ, Cất
nhắc cán bộ, Thương yêu cán bộ, Phê bình cán bộ.
Soi vào ngày hôm nay vẫn thấy đây là những vấn đề thời sự nhức nhối: chưa hiểu
thấu cán bộ nên sử dụng không đúng, cất nhắc vào những vị trí chủ chốt, chỉ một
thời gian ngắn, cán bộ đó bị kỷ luật. Càng thấy những lời “phê bình” của Bác
cách nay 75 năm như là nói với hôm nay. Thế nên việc học và làm theo lời Bác
phải thiết thực, thường xuyên, cụ thể hơn.
2. “Sửa đổi lối làm việc” của đảng viên, cán bộ.
Nổi bật lên ở mục III, phần B. Phận sự của đảng viên và
cán bộ là sự kiến tạo một mô hình con người văn hóa cán bộ mới
mẻ, sinh động và thuyết phục. Thời đại nào cũng có mô hình con người của thời
đại đó. Việc kiến tạo nên mô hình con người này là nhiệm vụ của triết học -
triết học con người. Ở thời đại Hồ Chí Minh không phải ai khác mà chính Hồ Chí
Minh là người đã kiến tạo, xác lập nên một mô hình con người văn hóa cho thời
đại mình. Hồ Chí Minh là một nhà triết học đích thực. Chỉ ngay một câu nói
“muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa” là rất
triết học, ở chỗ coi con người là chủ thể quyết định, ở mối quan
hệ biện chứng con người và môi trường... Tiếp thu cái cũ nhưng loại bỏ (phủ
định) cái lạc hậu, lỗi thời, kế thừa cái hạt nhân tích cực, tiến bộ để tạo ra
cái mới. Đó là biện chứng Hồ Chí Minh, với mô hình con người văn hóa
cán bộ này thì vửa truyền thống (bao gồm năm điều: nhân, nghĩa, trí,
dũng, liêm) vừa rất mới với phẩm chất trước hết là tính lý tưởng, tức “tính
đảng”, phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết. Ở mục
C. Tư cách và bổn phận đảng viên chính là cái lõi của mô hình.
Cơ sở của đối thoại văn hóa ở thời 4.0 gồm các yếu tố hiểu biết, bình đẳng, có
tiếng nói riêng, biết lắng nghe. Thiếu các yếu tố ấy không thể làm nên cuộc đối
thoại vì không thể tạo nên vị thế đối thoại. Vị thế ấy chính là tư cách. Không
hiểu biết làm sao có cái để nói chuyện. Không có sự khác biệt của riêng mình
nên bị lẫn vào số đông thì làm sao người ta để ý tới... Là đảng viên càng phải
có tư cách. Tư cách đảng viên như tấm gương sáng để dân chúng học hỏi, noi
theo. Còn phải làm tốt bổn phận. Bác không dùng từ Hán Việt “trách nhiệm”,
“nghĩa vụ” mà dùng từ “bổn phận” đã được Việt hóa là cách nói thông dụng của
dân chúng (phận làm con, biết thân biết phận...). “Bổn” là biến thể của “bản” nghĩa là gốc, là
vốn. “Bổn phận” là nói phần việc mình phải gánh vác, lo
liệu, ngoài nghĩa “trách nhiệm”, “nghĩa vụ” còn thêm cái ý: đó là cái tất
yếu của riêng mình phải làm cho tốt. Ngay cách dùng từ đã cho thấy một “tư
cách” ở tầm kiệt xuất của tác giả. Con người (tư cách) đảng viên là tinh hoa
của xã hội. Ngày hôm nay các nhà giáo dục đang thiết kế cấu trúc nhân cách con
người của thời đại mới nhất thiết phải lấy tư tưởng này của Bác Hồ làm điểm
tựa!
Để mẫu người văn hóa này trở nên “toàn diện” thì việc đầu tiên
phải làm là chữa căn bệnh “chủ nghĩa cá nhân”. Đó là những con mọt (tác giả gọi
là “thứ vi trùng rất độc”) đục khoét, làm ruỗng dẫn đến yếu sức các cây cột
chống đạo đức, sớm muộn sẽ làm nghiêng ngả ngôi nhà nhân cách đảng viên. Tác
giả gọi tên, liệt kê đích danh các loại “mọt” (vi trùng) ấy: tham lam, lười
biếng, kiêu ngạo, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ. Và các
thứ bệnh có thể nhẹ hơn nhưng không kém phần nguy hiển như bệnh “hữu danh vô
thực”, kéo bè kéo cánh, “cận thị”, “cá nhân”, bệnh “tỵ nạnh”, bệnh “xu nịnh, a
dua”... Chỉ ra các căn bệnh, và đúng với phong cách của người thầy thuốc, là
tác giả đưa ra “cách chữa” với đặc điểm là không chỉ căn cứ vào “con bệnh”, còn
vạch ra, chỉ ra các mối quan hệ với môi trường xã hội, tức quan hệ cấp trên cấp
dưới, quan hệ đồng chí, quan hệ với công việc, quan hệ với dân... để chữa trị
toàn diện, triệt để hơn.
Với quan niệm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” có vị trí rất
quan trọng là cầu nối giữa Đảng và dân “đem chính sách của Đảng, của chính phủ
giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân
chúng báo cáo cho Đảng...”, tác giả tập trung phân tích “vấn đề cán bộ”
ở các phương diện huấn luyện, lựa chọn, sử dụng, chính sách. Nhìn từ góc độ con
người, mối quan tâm lớn nhất của Bác Hồ là Dân - “đồng bào” và cán bộ. Một trăn
trở lớn nhất của Người là làm sao để cán bộ làm “đày tớ” cho dân tốt hơn. Muốn
vậy phải “huấn luyện”. Điều này lý giải vì sao thời kỳ kháng chiến ở Việt Bắc,
bận trăm công ngàn việc nhưng Người vẫn dành thời gian đến với các
lớp chỉnh huấn. Cần thêm sự khẳng định một trong những “cái nôi” của cách mạng
Việt Nam là các lớp “huấn luyện chính trị” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở
nước ngoài và trực tiếp làm giáo viên giảng dạy. Những “tài liệu huấn luyện” ở
các lớp này được sưu tầm đầy đủ sẽ là tài sản vô giá của cách mạng Việt Nam. Mở
đầu mục IV, tác giả đặt vấn đề “Huấn luyện cán bộ” và coi “huấn luyện cán bộ là
công việc gốc của Đảng”. Đúng với phong cách “sửa đổi”, tác giả vạch ra “khuyết
điểm trong sự huấn luyện” rồi đưa ra “cách”: Huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện
chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận. Mỗi “huấn luyện” lại có các
“cách” riêng phù hợp, thiết thực, cụ thể. Bao trùm lên các “huấn luyện” là:
“Lấy tự học làm cốt”. “Tự học” là một yêu cầu, một phẩm chất văn hóa ở bất kỳ
thời nào, với các danh nhân càng thế và Hồ Chí Minh là một tấm gương. Bác Hồ
truyền cái tinh thần ấy tới cán bộ của mình trong câu văn 5 chữ ngắn gọn chắc
chắn như một sự khẳng định.
III. “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” THEO TƯ DUY CỦA DÂN, VÌ DÂN
1. Ngụ ngôn là dùng lời nói để gửi gắm một ý tứ xa xôi bóng gió
nào đó. Đây là một trong những thể loại tự sự cổ xưa nhất xuất hiện trước công
nguyên ở văn học các nước Hy Lạp, Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ… Có tính giáo dục
sâu sắc nên ngụ ngôn được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong dân gian rồi được
các nhà tư tưởng lấy đó để diễn đạt các suy nghĩ, quan niệm của họ. Trên thực
tế các nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới như Êdốp, Pheđơrơ, La Phôngten, Trang
Tử, Liệt Tử… cũng đều là các nhà tư tưởng. Với ngụ ngôn thì các ý niệm trừu
tượng, khó hiểu được diễn đạt một cách cụ thể qua một câu chuyện, mẩu chuyện,
thậm chí là hình tượng để vấn đề trở nên cụ thể, dễ hiểu, hấp dẫn, lôi
cuốn hơn. Nhiều thành ngữ tục ngữ của người Việt mang tính ngụ ngôn hoặc là một
truyện ngụ ngôn rút gọn (như thành ngữ Đẽo cày giữa đường).
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ triệt để dùng ngụ ngôn
làm phương tiện giáo dục một cách nghệ thuật. Ví dụ, châm biếm những
người nói/viết khó hiểu, tác giả dùng thành ngữ ngụ ngôn rồi phát triển
thành một ý mới phù hợp với cuộc sống mới: “Tục ngữ nói “gẩy đờn tai
trâu” là có ý chế người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà
viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là “trâu”.
Hình tượng ngụ ngôn thường tác động một cách trực giác tới người
đọc, giúp họ hiểu vấn đề nhanh hơn trong niềm khoái cảm nhận ra một chân lý
mới. Khuyên cán bộ phải ra sức học tập lý luận, Bác nói: “Đã lựa chọn đúng
cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý
luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù”. Hai vấn đề thực hành và lý
luận được so sánh như hai con mắt - luôn có nét nghĩa giúp
người nhìn rõ để hoạt động. Thực hành và lý luận sẽ giúp cán bộ làm việc tốt
hơn, nếu thiếu một, chất lượng công việc chắc chắn giảm sút nhiều. Còn
thêm cái ý ai cũng phải giữ gìn, coi trọng, rèn luyện mắt của mình, thì cũng
phải giữ gìn, coi trọng, rèn luyện thực hành và lý luận như đôi mắt vậy!
Ở một ví dụ khác, hình tượng ngụ ngôn được dùng cụ thể, sinh động,
vấn đề càng trở nên dễ hiểu: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành
phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực
hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng
như không có tên”. Phê phán tình trạng quan liêu xa dời thực tế tác giả vận
dụng thành ngữ sinh động, ngộ nghĩnh, thật dễ hiểu, dễ tiếp thu lại không “tự
ái”: “Không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi
vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết”.
2. Mục V. Cách lãnh đạo, tác giả đưa ra một nhận
định rất quan trọng: “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay
so sánh”. Một mục đích của tác phẩm là dạy cán bộ, đảng viên phải gần dân, học
dân nên ở đây tác giả triệt để “làm gương” dùng rất nhiều so sánh là cách nói
của dân mộc mạc, tự nhiên, gần gũi, dễ hiểu. Đặc điểm nghệ thuật so sánh của
tác giả là vừa hàn lâm, bác học, hiện đại, mới mẻ vừa khẩu ngữ, nôm na, bình
dân, thông dụng: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống
thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến
nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”. Các từ
(khái niệm) “khuyết điểm”, “phê bình” mang màu sắc hiện đại, hàn lâm
nhưng “chứng bệnh”, “uống thuốc” thì dân giã. “La lết quả dưa” là thành
ngữ quen thuộc nói về sự héo úa, mất hết sức sống đến thảm hại. Tương tự với ví
dụ sau: “Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ
đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình, tức là “quan liêu hoá”, tức là
tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”. “Quan liêu hóa” và “tự
mãn tự túc” thì có khi nhiều cán bộ chưa hiểu nhưng có so sánh làm bổ ngữ (cũng
là thành ngữ ngụ ngôn) “mèo khen mèo dài đuôi” đi kèm thì vấn đề như được
vỡ ra, rõ ra!
Những so sánh còn mang tính quy luật phổ biến, gần gũi
hoặc đúng với thực tế: “Cũng như một nhà có rể khờ, dâu dại, không thể cấm
họ gặp gỡ bà con. Đảng ta dù muốn giấu những người và những việc không tốt kia,
cũng không thể giấu… Họ sẽ ngơ ngác mà hỏi “Đảng này là Đảng tốt, đảng
viên đều là người tốt, vì sao lại có những người vu vơ, những việc mờ tối như
thế nhỉ?”. Một nét tâm lý dân quê ngày xưa là thường “sĩ diện hão” (Tốt
khoe ra xấu xa đậy lại). Nhưng vì là con người buộc phải tiếp xúc nên nhà
nào có “rể khờ, dâu dại” cũng thật khó giấu. Thực tế này được so sánh với “mặt
trái” cách làm việc Đảng “muốn giấu những người và những việc không tốt”... So
sánh làm vấn đề tự nhiên, hóm hỉnh cứ như chuyện ngoài đời vậy. Một so sánh
khác: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình,
tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có
bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng”. “Rửa mặt” là việc làm tất yếu, đơn
giản, thường xuyên. Tự kiểm điểm, phê bình cũng như việc “rửa mặt” vậy. Ở nhà
quê xưa thì ai cũng biết công việc giã gạo, tác giả đem ví với việc “cất nhắc
cán bộ” to tát mà trừu tượng, vấn đề được “giản dị hóa”, dễ hiểu hơn
nhiểu: “Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước
khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ”.
Nhờ tựa vào một thành ngữ, tục ngữ nên so sánh của tác giả luôn có
xu hướng cụ thể hóa vấn đề. Phê bình những người nói mà không chuẩn bị chu đáo
thì “Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn. Nói nữa thì chán
tai”. “Gà mắc tóc” nên luôn có hành động “lúng túng” để thoát ra khỏi một
tình thế khó khăn, người nói năng kém cỏi cũng như “con gà” này vậy. Đó là lối
so sánh “vật hóa” để châm biếm. Như ví dụ “gẩy đờn tai trâu” đã dẫn ở trên thì
mỉa mai: “những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó
là trâu”. Có trường hợp lấy nguyên một hoặc nhiều thành ngữ làm
tiền để cho lời nói (nhận định, khuyên nhủ) của mình tạo ra một diễn ngôn chắc
chắn, mang tính chân lý: “Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố
gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm…”. Hoặc
ngược lại, để tạo ra diễn ngôn hài hước, chế giễu. Ở ví dụ sau tác giả vạch
ra cái gốc của căn bệnh xu nịnh, a dua là vì muốn tiến thân
nên phải cơ hội, lá mặt lá trái, rất nguy hiểm: “Lại có những
người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi
ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái”. Có
trường hợp tác giả tự tạo ra một thành ngữ mới, ví dụ Người từng chế
giễu “cái lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường
giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”,
trong Sửa đổi lối làm việc tác giả so sánh cách viết “lằng
nhằng” chẳng khác nào “vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài”. “Vải
băng bó mụn lở” là thành ngữ mới của chính người viết châm biếm sâu cay lối
viết rỗng tuếch, “lằng nhằng”, chẳng ra đâu vào đâu...
Phê phán thói làm việc lề mề chậm chạp, thiếu khoa học, tác
giả giễu những người “lười biếng, chậm chạp”: “Khi thi hành, kềnh kềnh
càng càng, không hoạt bát nhanh chóng. Hoặc thi hành một cách miễn cưỡng, không
sốt sắng, không đến nơi đến chốn. Kết quả nhỏ là: nghị quyết đầy túi áo, thông
cáo đầy túi quần. Đó là vì tính lười biếng, chậm chạp. Vì không hiểu rằng: Đảng
cũng như thân thể một con người. Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu.
Mạch máu chạy đều khắp thân thể thì người mạnh khoẻ. Mạch máu dừng lại đâu,
không chạy thì chỗ đó sẽ tê liệt, sinh bệnh”. Lời văn là lời ăn tiếng nói
của nông dân, sinh động như một đoạn văn vần dễ nhớ với các từ láy toàn bộ
“kềnh kềnh càng càng”, láy phụ âm “sốt sắng”, nhất là cách gieo vần của ca dao
“nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”. Nhưng so sánh thì thật sự bác
học, là cách nói của nhà chính trị hiểu sâu kiến thức khoa học y khoa: “Đảng
cũng như thân thể một con người. Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu.
Mạch máu chạy đều khắp thân thể thì người mạnh khoẻ”. Không chỉ đúng ở thời đó,
ở thời đại thông tin bùng nổ hôm nay càng đúng!
Lối so sánh lấy điểm tựa là quy luật tự nhiên để nói về quy luật
của cách mạng, của con người nên chắc chắn, thuyết phục, thấm thía: “Cũng
như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có
gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo
đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Quy luật của
sông nước, cây cối này như một sự hiển nhiên đem so sánh với “người cách mạng”,
thì cũng là sự hiển nhiên như vậy!
Nhìn từ góc độ con chữ sẽ thấy các chữ “thiết thực”, “cốt” được
tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một lời nhắn thiết tha: phải đề cao tính
mục đích (cốt), phải thiết thực phê bình sửa chữa cũng như phê bình sửa chữa
phải thiết thực!
Tư tưởng Hồ Chí Minh là ánh sáng soi đường cho dân tộc ta, đất
nước ta vững bước đi lên con đường hạnh phúc của Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa
cộng sản thì tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là ánh sáng cho
những cuộc chỉnh đốn rất cần thiết để Đảng khỏe mạnh hơn, phục vụ dân tốt
hơn!./.
Nguồn:tuyengiao.vn