Thực hiện tốt quy định về miễn nhiệm, từ chức để sàng lọc đội ngũ cán bộ
Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm,
từ chức đối với cán bộ (Quy định số 41-QĐ/TW) vừa được ban hành là một bước
quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế công tác cán bộ, quyết tâm thực
hiện tốt một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
đã đề ra là xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược,
người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Quy định số 41- QĐ/TW tiếp tục khẳng định
nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ;
bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp
luật của Nhà nước. Trong đó, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan,
đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ
chức đối với cán bộ. Quan điểm chỉ đạo là phải kiên quyết, kịp thời xem xét cho
miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ.
Miễn nhiệm, từ chức không phải là vấn đề mới,
mà đã được Đảng ta đề cập từ nhiều nhiệm kỳ. Năm 1997, Hội nghị Trung ương 3
khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục
xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
Trong Nghị quyết, Trung ương đặt ra yêu cầu:
“Xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế
cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2009, Bộ Chính
trị có Quy định số 260-QĐ/TW về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của
cán bộ. Tại Điều 2, Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018, về trách nhiệm nêu
gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí
thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nêu rõ: “Dũng cảm nhận khuyết điểm và
trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng
lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.
Trong các kỳ họp của Quốc hội, tại những phiên
chất vấn “nóng bỏng” mổ xẻ trách nhiệm, năng lực quản lý của lãnh đạo các
ngành, địa phương để xảy ra những sự việc bức xúc, thì vấn đề văn hóa từ chức
cũng nhiều lần được nêu ra để nhấn mạnh vai trò nêu gương, thái độ nhận trách
nhiệm và lòng tự trọng của người cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu ngành,
cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, trong thực tế, việc miễn nhiệm, từ chức chưa được
thực hiện tốt như chủ trương đã đề ra. Tình trạng cán bộ yếu kém, không đủ năng
lực, uy tín nhưng vẫn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn phổ biến ở nhiều nơi,
trong các lĩnh vực, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình thực hiện nhiệm vụ
chính trị, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XII, Ban Chấp hành
Trung ương đã xem xét, đánh giá nghiêm túc kết quả hơn 20 năm thực hiện Nghị
quyết về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước: Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh. Năng lực của đội ngũ
cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả
cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở
trường. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược,
thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan
liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi
ích nhóm…
Vì vậy, Hội nghị quyết định ban hành Nghị
quyết số 26 - NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp
chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; trong đó tiếp
tục đặt ra yêu cầu: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ
nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách
chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở
thành bình thường trong công tác cán bộ”.
Có thể thấy, với việc siết chặt quy trình công
tác cán bộ, đổi mới đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều,
có tiêu chí cụ thể, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ
luật đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, thì sự việc
cán bộ “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” đã là thực tế được cán bộ, đảng viên
và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao trong thời gian qua. Ngay cả những trường
hợp tưởng đã “hạ cánh an toàn” cũng bị đưa ra xem xét, xử lý trách nhiệm nghiêm
minh.
Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4
khóa XII, công tác tự phê bình và phê bình có sự chuyển biến rõ nét tại tất cả
địa phương, đơn vị, thể hiện ở việc nhiều cá nhân, tập thể đã nghiêm túc kiểm
điểm, thẳng thắn nhận trách nhiệm trước những yếu kém trong quá trình thực hiện
chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, việc từ chức lại hiếm khi xảy ra và
chưa trở thành việc bình thường. Thậm chí, khi người cán bộ có đơn xin từ chức
thì tổ chức cũng còn lúng túng trong việc ra quyết định. Đó là bởi các quy định
hiện có đề cập vấn đề này còn thiếu căn cứ pháp lý để làm cơ sở xem xét, quyết
định.
Vì vậy, Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn
nhiệm, từ chức đối với cán bộ gồm những căn cứ, tiêu chí được định lượng rõ
ràng là văn bản có tính pháp lý, góp phần quan trọng tạo sự đồng bộ các giải
pháp nâng cao chất lượng cán bộ, kiên quyết sàng lọc những cán bộ không đủ uy
tín, năng lực, phẩm chất để bảo đảm cho bộ máy lãnh đạo, quản lý trong sạch, vững
mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cụ thể như, việc xem xét miễn nhiệm cán bộ
được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển
trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. Bị kỷ luật
khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ
nhiệm. Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Có
hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. Bị
cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được
làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ
quan, đơn vị nơi đang công tác. Đối với cán bộ xin từ chức, việc xem xét được
căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn
đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Để cơ quan, đơn vị mình
quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Có trên 50% số phiếu tín nhiệm
thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định…
Những nội dung này có sự kết nối chặt chẽ với
các chỉ thị, nghị quyết và quy định khác của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn
Đảng, về công tác cán bộ, về phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực, góp phần tạo
nên “hàng rào” kiểm soát hiệu quả, thử thách bản lĩnh người cán bộ, đồng thời
nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là những người
có trách nhiệm trong công tác cán bộ.
Song, để việc miễn nhiệm, từ chức là nền nếp
văn hóa ứng xử của cán bộ và trở thành việc bình thường trong công tác cán bộ,
ngoài những căn cứ xem xét có tính pháp lý như đã nêu trong Quy định 41- QĐ/TW,
mỗi người cán bộ phải nhận thức sâu sắc về đạo đức cách mạng, về trách nhiệm
nêu gương để dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám từ chức vì lợi ích
chung, đồng thời thẳng thắn trong đánh giá, nhìn nhận bản thân để không ngừng
nỗ lực tự rèn luyện nâng cao năng lực và uy tín.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tại
phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII cũng đã nhấn mạnh nội dung này:
“Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho
cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ gắn với việc học tập và làm việc theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Bởi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc
gốc của Đảng” và Người mãi mãi là tấm gương sáng ngời để các thế hệ cán bộ,
đảng viên noi theo, học tập, trau dồi những phẩm chất quý báu của người cán bộ.
Nguồn:baobacninh.com.vn