Câu hỏi 1:
Quy định thi hành Điều lệ Đảng nêu rõ: “Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức
cơ sở đảng (TCCSĐ) (nơi người vào Đảng công tác, lao
động, học tập, cư trú) giao cho chi bộ có điều kiện thuận lợi nhất để phân công
đảng viên chính thức giúp đỡ người vào Đảng. Khi có đủ điều kiện và tiêu chuẩn
thì chi bộ nơi có đảng viên giúp đỡ người vào Đảng đang sinh hoạt làm thủ tục
đề nghị kết nạp theo quy định” nên chăng, bỏ cụm từ “Cấp ủy cấp trên trực tiếp
của TCCSĐ) thay bằng cụm từ “đảng ủy cơ sở”, diễn đạt lại như sau: “Đảng ủy cơ
sở (nơi người vào Đảng công tác, lao động, học tập, cư trú) giao cho chi bộ có điều
kiện thuận lợi nhất để phân công đảng viên chính thức giúp đỡ người vào Đảng”
có được không?
Trả lời: Quy định nêu
trên tại điểm 3.4.1 thuộc nội dung quy định việc kết nạp người vào Đảng ở nơi
chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Do đó, cấp ủy cấp trên trực tiếp của TCCSĐ
(hay thường gọi là đảng ủy cấp trên cơ sở) mới có thẩm quyền để giao cho chi bộ
có điều kiện thuận lợi nhất để phân công đảng viên
chính thức giúp đỡ người vào Đảng, vì thế giữ nguyên cụm từ “Cấp ủy cấp trên
trực tiếp của TCCSĐ” là chính xác.
Câu hỏi 2:
Các đồng chí là chi ủy viên chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở có thuộc đối tượng
được hưởng phụ cấp trách nhiệm cấp ủy không, nếu có thì thực hiện theo quy định
nào?
Trả lời: Phụ cấp trách nhiệm cấp ủy
được Ban Bí thư ban hành tại quy định số 169 - QĐ/TW ngày 24/6/2008, đối tượng được
hưởng là các đồng
chí cấp ủy viên từ Trung ương đến cơ sở (tương đương với 4 cấp
hành chính: Trung ương, tỉnh,
huyện, xã), về phụ cấp đối với
chi ủy viên chi
bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đề nghị cấp ủy
địa phương căn cứ khả năng ngân sách và tình hình thực tiễn của địa phương để
xem xét, vận dụng cho phù hợp, bảo
đảm tương quan chung.
Câu hỏi 3: Hiện nay,
tiêu chuẩn, chế độ và chính sách của giảng viên
dạy tại trung tâm chính trị cấp huyện được thực hiện theo quy định hướng
dẫn nào để tỉnh thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức và xếp lương
đối với giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện?
Trả lời: Hiện nay,
tiêu chuẩn và chế độ, chính sách của giảng viên giảng dạy tại
trung tâm chính trị cấp huyện thực hiện theo quy định tại
Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW
ngày 19/5/2021 của Ban Tổ chức Trung ương.
Việc bổ nhiệm chức
danh nghề nghiệp giảng viên giảng dạy trong cơ sở giáo
dục đại học công lập (giảng viên hạng III, mã số V.07.01.03)
được thực hiện khi viên chức đáp ứng đủ tiêu
chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù
của công việc, trường hợp các đồng chí được cấp có thẩm
quyền điều động, phân công làm công tác giảng dạy
có đủ số giờ giảng dạy (theo quy định tại Quyết định số 883-QĐ/BTGTW
ngày 24/11/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương) thì Ban Tổ chức Tỉnh ủy lập danh
sách, trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tiền
lương, phụ cấp như giảng viên cơ sở giáo dục công lập cùng cấp.
Câu hỏi 4:
Hiện nay cả nước có 33/63 đoàn luật sư có tổ chức đảng (chi bộ, đảng bộ ...)
nên việc phối hợp của đảng đoàn với tổ chức đảng của các đoàn luật sư rất hạn
chế. Vậy Trung ương có thể hướng dẫn các tỉnh ủy, thành
ủy thành lập các tổ chức đảng tại các đoàn luật sư trên
cả nước không, nếu được thì thực hiện theo các quy định, hướng dẫn nào?
Trả lời: Tại khoản 3,
Điều 10, Điều lệ Đảng quy định: “Cấp ủy cấp trên trực
tiếp quyết định lập hoặc giải thể đảng bộ, chi bộ trực thuộc"; do đó việc
thành lập tổ chức đảng trực thuộc do cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định theo
quy định.
Mặt khác, Liên đoàn
luật sư Việt Nam là tổ chức hội quần chúng có
tính chất đặc thù (hội có đảng đoàn). Đoàn Luật sư được thành
lập theo quy định của Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn
Luật sư Việt
Nam.
Theo quy định của
Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Điều
15 có ghi: “Đoàn Luật Sư là tổ chức xã hội
- nghề nghiệp của luật sư ở tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương,
có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản.
Thành viên của Đoàn Luật sư là các luật sư đã gia nhập
Đoàn luật sư theo quy định của
Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam”. Tại Điều 17 có ghi rõ
một số nhiệm vụ quyền hạn liên quan đến nghề nghiệp và các tổ chức
nước ngoài: “2. Đại diện ý chí, nguyện vọng, quyền lợi ích hợp pháp của
các luật sư thành viên trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước. 3. Hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư
trong ngành nghề”.
Do đó, việc thành lập các tổ chức đảng tại
các đoàn luật sư do cấp ủy địa phương xem xét, quyết định
theo quy định.
Câu hỏi 5:
Thủ tục và cách tính tuổi đảng cho đảng
viên được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày
28/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề cụ
thể thi hành Điều lệ Đảng, thủ tục và cách tính tuổi đảng cho đảng viên được quy định như sau: Tuổi đảng của đảng viên được tính từ ngày cấp có thẩm
quyền ký quyết định
kết nạp đảng viên, nếu không có quyết đinh kết nạp hoặc
không còn lưu giữ được quyết định kết nạp thì lấy
ngày vào Đảng ghi trong thẻ đảng viên (trường hợp người ra khỏi Đảng mà trước
đó đã được xác nhận tuổi đảng thì không được tính lại tuổi đảng theo quy định
này).
Đối với những người
bị đưa ra khỏi Đảng đã được cấp có thẩm quyên thẩm tra, xác minh, kết luận là
bị oan, sai và từ khi đưa ra khỏi Đảng đến nay không vi phạm tư cách đảng viên
được khôi phục quyền đảng viên thì tuổi đảng được tính liên tục. Đảng viên có
trách nhiệm truy nộp đủ
số đảng phí cho chi bộ trong thời gian gián
đoạn sinh hoạt đảng theo mức đóng đảng phí quy định trong thời gian đó. Đảng
viên được kết nạp lại phải làm bản kê khai về tuổi đảng
của mình, báo cáo chi bộ; chi bộ thẩm tra, báo cáo đảng ủy cơ sở; đảng ủy cơ sở
thẩm định, báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp. Ban thường vụ cấp ủy cấp trên
trực tiếp xem xét, ra quyết định tính lại tuổi đảng cho đảng viên (việc tính
lại tuổi đảng đối với đảng viên bị khai trừ có thời hạn theo quy định của Điều
lệ Đảng khóa II, thời gian mất liên lạc với tổ chức đảng và thời gian gián đoạn
do chuyển sinh hoạt đảng thực hiện theo quy định này).
Nguồn:Tạp chí Xây dưng Đảng