Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý vào Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Chiều 7-5, Quốc hội chia tổ thảo luận về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Chủ tịch quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận của Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hậu Giang, Lào Cai, Bắc Ninh, Đắk Lắk); đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Tổ trưởng. Tham gia thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh có 3 lượt ý kiến đóng góp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn Tổ trưởng Tổ 13.
Cần có quy định chi tiết tiêu chí xác định "người có tài năng"

Góp ý vào Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ hơn ngay trong Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí xác định "người có tài năng", "người có công" để bảo đảm nguyên tắc ưu tiên này được thực hiện một cách minh bạch, công bằng và khả thi. Về những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến công vụ (Điều 15), đề nghị sửa khoản 5 từ: “Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.” thành “ Phân biệt đối xử dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức”. Về quy định về đánh giá công chức (Điều 29), đề nghị bổ sung cụm từ “quy hoạch” vào điểm b, khoản 1, viết lại thành: “Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức”, nhằm phản ánh đầy đủ, chính xác hơn mục đích sử dụng kết quả đánh giá cán bộ trong thực tiễn. Về xếp loại đánh giá công chức (Điều 31), cần làm rõ bản chất pháp lý của việc "cho thôi việc" trong trường hợp này có phải là một hình thức kỷ luật không?. Quy trình xử lý có cần tuân theo quy trình xử lý kỷ luật không và có hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục thực hiện, để tránh nhầm lẫn với hình thức kỷ luật "buộc thôi việc" tại Điều 42.
Chỉ quy định "cách chức" Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND là chưa đầy đủ các biện pháp xử lý cần thiết
Để dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sau khi được thông qua đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, bảo đảm quá trình chuyển đổi mô hình từ 3 cấp sang 2 cấp diễn ra thông suốt, Đại biểu Trần Thị Vân, tham gia đóng góp một số nội dung cụ thể sau:
Về chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân: Khoản 1 Điều 5 quy định HĐND giám sát hoạt động của "các cơ quan nhà nước ở địa phương", trong khi Điều 15 (cấp tỉnh) và Điều 21 (cấp xã) liệt kê cụ thể các cơ quan thuộc đối tượng giám sát. Sự thiếu thống nhất này có thể gây khó khăn trong việc xác định phạm vi giám sát. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh lý Khoản 1 Điều 5 để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và thống nhất với phạm vi giám sát được quy định cụ thể tại Điều 15, Điều 21; bổ sung tiêu chuẩn đại biểu HĐND "Có năng lực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương”.
Về việc phê chuẩn Phó Trưởng Ban HĐND: Tại khoản 7 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND là “Quyết định số lượng thành viên các Ban của HĐND cấp mình. Phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Trưởng Ban, Ủy viên của Ban của HĐND trong số đại biểu HĐND theo đề nghị của Trưởng Ban của HĐND”. Đề nghị nghiên cứu lại quy định này, bởi vì Phó Trưởng Ban chuyên trách là chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (đối với cấp tỉnh), nên việc phê chuẩn chỉ bởi Thường trực HĐND là chưa phù hợp với quy trình công tác cán bộ và nguyên tắc hoạt động tập thể, quyết định theo đa số của HĐND.
Về cách chức Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND: Đề nghị bổ sung các hình thức "tạm đình chỉ”, “đình chỉ” công tác vào Khoản 2, Điều 41 để bảo đảm đầy đủ và linh hoạt trong xử lý vi phạm theo quy định. Sửa khoản 2 thành “2. Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, cách chức Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, cách chức Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp xã khi Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao”. Vì trong thực tiễn công tác cán bộ, trước khi quyết định cách chức, còn có các bước xử lý như: Tạm đình chỉ công tác để xem xét, kiểm tra, hoặc đình chỉ công tác khi có vi phạm rõ ràng. Nên, nếu chỉ quy định "cách chức" là chưa đầy đủ các biện pháp xử lý cần thiết.
Bao quát đầy đủ thẩm quyền của tập thể trước cá nhân có thẩm quyền

Đại biểu Trần Quốc Tỏ, Đoàn ĐBQH tỉnh, khẳng định việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thay thế Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành là cần thiết, tạo lập hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương đi vào hoạt động theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, đồng thời góp ý vào các nội dung cụ thể: Tại Khoản 1 Điều 11 về "phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương", đề nghị thay thế cụm từ "cơ quan nhà nước ở Trung ương" bằng cụm từ "cấp có thẩm quyền ở Trung ương", và thay thế cụm từ “cơ quan nhà nước ở địa phương" bằng cụm từ "cấp có thẩm quyền ở địa phương” để bao quát đầy đủ thẩm quyền của tập thể trước cá nhân có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương (như là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trương, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân...).
Tại Khoản 1 Điều 39 về cơ cấu tổ chức của UBND, đề nghị chỉnh lý theo hướng quy định rõ các Ủy viên gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch; các Ủy viên gồm người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an và một số Ủy viên theo quy định của Chính phủ) để thống nhất thành phần thuộc cơ cấu của Ủy ban nhân dân, bảo đảm sự tham gia lãnh đạo đầy đủ, toàn diện của các thành phần, cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương.
Thái Uyên- Báo Bắc Ninh