Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Sáng 29/11, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Hồng được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Đồng chủ trì có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

 Chủ trì tại điểm cầu Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tại Trụ sở các Ban Đảng được kết nối với điểm cầu của Tỉnh ủy Bắc Ninh có đồng chí: Đỗ Đình Hữu, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ & DN tỉnh; cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, bí thư, phó bí thư, báo cáo viên các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối với 120 đại biểu tham dự.

Các đại biểu dự Hội nghị được nghe báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị; Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, phát triển kinh tế số; tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị bền vững; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, nội dung mới của nghị quyết của Bộ Chính trị lần này có 3 điểm đáng chú ý. Trong đó tiếp tục xác định vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Các địa phương trong vùng cần phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vượt trội; phát huy thật tốt vai trò là vùng động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược biển, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu quốc gia. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và thể chế điều phối phát triển vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng... Ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát huy mạnh hơn nữa truyền thống lịch sử văn hiến, cách mạng, anh hùng để phát triển hài hòa giữa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm công bằng xã hội.Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đề cao trách nhiệm nêu gương, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...

Phát biểu kết luận Hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để đưa vào kế hoạch, chương trình công tác trong thời gian tới. Ngay sau Hội nghị, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị đảm bảo bám sát nội dung của Nghị quyết và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Tập trung hoàn thành công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo sự kết nối giữa Bắc Ninh với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng; rà soát lại các tiêu chí phát triển đô thị, dư địa, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tập trung xây dựng, phát triển tỉnh lên một tầm cao mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.

                                                                 -Thanh Trà- (Tổng hợp)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập