Xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh trong giai đoạn phát triển mới
Qua một thập niên triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của BCH T.Ư Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tại Bắc Ninh đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Các chuẩn mực giá trị phẩm chất, đạo đức con người Bắc Ninh - Kinh Bắc từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Văn hóa được quan tâm nhiều hơn, hệ thống di sản được bảo tồn, lễ hội truyền thống được gìn giữ, di tích được tôn tạo, nhu cầu sinh hoạt văn hóa nghệ thuật được đáp ứng... Dấu ấn về bản sắc đặc trưng của văn hóa, con người Bắc Ninh từng bước được định hình, dần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong cuộc sống đương đại.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết 33, Bắc Ninh đã cụ thể hóa bằng chương trình hành động số 64-CTr/TU và Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29-8-2022 về xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời gắn kết chặt chẽ với triển khai thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Việc triển khai Nghị quyết 33 được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyến biến cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, phù hợp với yêu cầu thực tiễn xây dựng, phát triển của từng địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.
Xác định thế hệ trẻ là trung tâm trong chiến lược phát triển con người, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở chú trọng tổ chức phong phú hoạt động nhằm nâng cao sức khỏe thể lực, trí lực, bồi dưỡng tri thức, thế giới quan khoa học đối với thế hệ trẻ; tăng cường giáo dục thanh thiếu niên có lối sống vì cộng đồng thông qua đa dạng hình thức sinh hoạt như: “Tuổi trẻ sống đẹp - sống có ích”, “Xây dựng phong cách học sinh Bắc Ninh - Kinh Bắc”; “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”... Sự liên kết, phối hợp giữa ba trụ cột gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho giới trẻ tiếp tục được phát huy.

 

Tiếp tục xây dựng và phát triển toàn diện con người Bắc Ninh có nhân cách cao đẹp, trí tuệ, tinh thần tự lực tự cường và khát vọng vươn lên.

Một số chuẩn mực đạo đức, lối sống của con người trong giai đoạn mới đã được đưa vào quy ước, hương ước làng xã; quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Xã hội quan tâm hơn đến giáo dục con người toàn diện ngay từ tuổi ấu thơ, ở từng cấp học; kết hợp dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ với rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc con người và từng bước hình thành nếp sống văn minh, tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp, hiệu quả.
Trong xây dựng môi trường văn hóa, Bắc Ninh quan tâm huy động các nguồn lực, đề cao tính tích cực của xã hội hóa, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, lòng nhân ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hoạt động văn hóa cơ sở, tại cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được quan tâm, chú trọng tính thiết thực. Chất lượng các cuộc vận động văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng lên. Đến cuối năm 2023, Bắc Ninh có 96,5% gia đình văn hóa; 91,1% thôn, làng, khu phố và 88,8% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ đám tang thực hiện hỏa táng, điện táng đạt trên 60%; 89/89 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nâng cao, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chỉ đạo triển khai có hiệu quả, gắn với phát triển du lịch. Hàng năm, tỉnh hỗ trợ thực hiện tu bổ từ 60-75 di tích với tổng kinh phí khoảng 60 - 70 tỷ đồng, ngoài ra còn huy động hàng chục tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Bắc Ninh còn là tỉnh đi đầu của cả nước thực hiện các chế độ đãi ngộ đặc thù đối với tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, đặc biệt là đối với các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, huấn luyện viên, vận động viên.

 

Bản sắc đặc trưng của văn hóa, con người Bắc Ninh từng bước được định hình và dần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống đương đại.

Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư, từng bước chuyển đổi cơ chế, phương thức hoạt động phù hợp với giai đoạn mới. Tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian truyền thống Múa rối nước Đồng Ngư; đưa vào sử dụng 11 Nhà chứa Quan họ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, truyền dạy, biểu diễn, quảng bá di sản Dân ca Quan họ.
Bắc Ninh luôn chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa, thực hiện đa dạng hóa hình thức văn hóa đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Bắc Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế. Tích cực tuyên truyền, quảng bá di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đến các quốc gia: Pháp, Đức, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Dubai-các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất... Đặc biệt, trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nhiều sự kiện chính trị và hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao quy mô lớn như Festival Về miền Quan họ; chương trình Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 185 năm thành lập tỉnh; đăng cai tổ chức nhiều giải thể thao quốc gia, quốc tế, hội diễn, liên hoan nghệ thuật toàn quốc; đón tiếp các đoàn đại biểu, quan chức ngoại giao và tổ chức quốc tế... Qua đó, không chỉ khẳng định những thành tựu nổi bật của tỉnh, quảng bá, nâng tầm vị thế Bắc Ninh, mà còn tạo cơ hội, thu hút các cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân tham gia thúc đẩy xúc tiến phát triển kinh tế, văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nguồn lực văn hóa cùng những phẩm chất đặc trưng của con người Bắc Ninh sẽ là sức mạnh nội sinh, tạo nền tảng, động lực đưa quê hương Bắc Ninh vươn ra thế giới, vững vàng trước những “va chạm” văn hóa của thời đại hội nhập, đồng thời góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

 

- Theo: baobacninh.com.vn -

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập