Xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh thực sự trở thành nguồn lực của phát triển bền vững
Trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ
nước, Bắc Ninh là vùng đất phát triển từ rất sớm, trở thành một trung tâm tâm
kinh tế, văn hóa lớn gắn với những dấu ấn thiêng liêng trong lịch sử dân tộc mà
sử gia Phan Huy Chú từng khẳng định: “Mạch đất tốt tụ vào đấy nên càng có nhiều
chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là
khí hồn trọng từ phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”. Sự khác biệt đó
chính là bản sắc văn hóa, là đức tính của con người miền đất Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Bắc Ninh là vùng đất khai mở của Thủy tổ của
dân tộc (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ), chốn tổ đình Phật giáo Việt
Nam và là trung tâm Hán học sớm nhất của nước ta (vùng Dâu - Luy Lâu), nơi phát
tích vương triều nhà Lý - triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt (vùng Đình
Bảng - Từ Sơn)... Trải hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ người Bắc Ninh đã sáng
tạo, gìn giữ và trao truyền cho hôm nay một kho tàng di sản văn hoá hết sức đặc
sắc, góp phần quan trọng làm phong phú di sản văn hóa dân tộc. Nhiều di sản văn
hóa của Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh (Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù,
Nghi thức và trò chơi Kéo co Hữu Chấp); nhiều di tích lịch sử - văn hóa của Bắc
Ninh đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (chùa Phật Tích, chùa Dâu,
chùa Bút Tháp, đền Đô); nhiều tài liệu, hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận
là Bảo vật Quốc gia. Đặc biệt, Bắc Ninh còn tự hào là quê hương của nhiều nhà
cách mạng tiêu biểu như Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo...
Nhìn lại gần 25 năm tái lập (1997-2021), Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân
trong tỉnh đã ra sức phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương
trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Các hoạt động văn
hóa của tỉnh đã ngày càng có những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu của
tình hình mới. Nhận thức về văn hóa của các cấp, ngành, toàn dân và hệ thống
chính trị từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày
càng phong phú; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, quê hương Bắc
Ninh-Kinh Bắc được bảo tồn và phát huy giá trị, nhiều chuẩn mực văn hóa mới
được hình thành. Việc xây dựng con người trong sự nghiệp đổi mới có bước chuyển
biến tích cực, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trên mọi lĩnh vực, làm rạng
rỡ truyền thống văn hiến, cách mạng của quê hương.
Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh được bảo
tồn, phát huy trong đời sống đương đại. Ảnh tư liệu.
Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, đô thị hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ đặt ra nhiều thách thức liên
quan đến xây dựng môi trường văn hóa ở các khu công nghiệp, địa bàn đô thị mới,
kể cả khu vực nông thôn với những thay đổi về việc làm, cư trú và các quan hệ
xã hội mới phát sinh… Đặc biệt là dưới góc độ giao thoa văn hóa vùng miền, khu
vực và quốc tế, cùng với đó là những vấn đề nảy sinh từ việc duy trì một số
phong tục, tập quán, nếp sống truyền thống của người Bắc Ninh (nhất là trong
việc tổ chức ma chay, cưới hỏi, lễ hội…) đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình
xây dựng con người mới, đời sống văn hóa mới.
Trước tình hình đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tập trung
triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thực hiện
thắng lợi sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh theo
tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX: “Xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh
phát triển toàn diện, thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững”. Theo
đó, ngành Văn hóa vẫn cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác tham mưu cho
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện đạt chất
lượng, hiệu quả một số hoạt động trọng tâm sau:
Chủ động và tích cực, sáng tạo tổ chức các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, qua
đó tăng cường truyên truyền, giáo dục truyền thống nhằm tiếp tục nâng cao nhận
thức của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về đường lối, chủ
trương, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về phát triển văn hóa, xây
dựng con người Việt Nam trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng
thời, cần hết sức chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá các giá trị
văn hóa truyền thống Bắc Ninh, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương phục
vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh hiện nay.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa, trọng tâm
là tập trung củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, cơ chế và phương thức
tổ chức các hoạt động văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa ở các cấp, nhất là ở
các cơ sở xã, phường, thôn, làng, khu phố; kịp thời xây dựng và thực hiện hiệu
quả các cơ chế, chính sách ưu tiên đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng
tạo ra các công trình, sản phẩm văn hóa mới hoặc tham gia phát triển văn hóa
theo phương thức xã hội hóa; dành sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt đối với các
đơn vị, cộng đồng, nghệ nhân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị kho
tàng di sản văn hóa quý báu của quê hương; mở rộng các hoạt động văn hóa theo
định hướng phát triển thị trường văn hóa, công nghiệp văn hóa, thực hiện gắn
kết các hoạt động văn hóa với phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế
- xã hội nói chung để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng của của công
chúng, đưa văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực của phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh”, phát triển phong trào học tập suốt đời, tạo lập môi trường
văn hóa lành mạnh để xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, trở
thành những chủ thể văn hóa vừa có bản lĩnh, sáng tạo, sống và làm việc theo
pháp luật, vừa giữ gìn và thể hiện sinh động nét đẹp văn hóa của con người Bắc
Ninh truyền thống trong thời đại mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả
các hoạt động đầu tư cho văn hóa theo định hướng: Tập trung đầu tư đồng bộ, dứt
điểm cho việc xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa mới, tu bổ, phục hồi,
tôn tạo các di sản văn hóa để tạo ra các sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh,
có chất lượng cao, trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với công chúng trong
tỉnh, trong nước và bè bạn quốc tế. Chủ động xây dựng và kịp thời triển các
chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh trong
thời gian trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Nguồn:baobacninh.com.vn