Xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Bắc Ninh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng, cội nguồn dân tộc và văn hóa Việt Nam, nơi thờ Thủy tổ dân tộc Việt - Kinh Dương Vương, nơi phát tích Vương triều Lý và nhiều danh nhân tiêu biểu, lãnh đạo cách mạng, tiền bối của Đảng, Nhà nước, nơi hội tụ của kho tàng văn hóa dân gian, trong đó tiêu biểu là Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Nhằm kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, các cấp, ngành và mỗi người dân Bắc Ninh không ngừng quan tâm gìn giữ, phát huy, bồi đắp mạch nguồn văn hóa của ông cha, để văn hóa thực sự là nguồn lực nội sinh đưa quê hương phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, sau hơn 26 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đạt được nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới. Các hoạt động, sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng; hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đầu tư bảo tồn, tôn tạo, từng bước phát huy giá trị. Việc chăm lo xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện luôn được các cấp cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở chú trọng, quan tâm thực hiện. Đặc biệt, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về tư tưởng và phong cách của Bác, từ đó tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người để xây dựng nhân cách, văn hóa con người Bắc Ninh trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Công tác văn hoá, văn nghệ, thể thao được các cấp, các ngành chú trọng, giúp nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của quần chúng nhân dân. Công tác xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan toả sâu rộng được các cấp, ngành và nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao; tỷ lệ làng văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa hàng năm trên địa bàn tỉnh đều đạt cao; phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Công tác tổ chức và quản lý các lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, các lễ hội truyền thống được tổ chức đúng nghi lễ, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống; nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa được khôi phục… Công tác xã hội hóa, tạo nguồn lực tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa và mở rộng, nâng cao quy mô lễ hội, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại các lễ hội này cũng đang góp phần quan trọng trong việc gìn giữ văn hóa, xây dựng con người mới ở Bắc Ninh.

 

Các nghệ sĩ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh biểu diễn các làn điệu Quan họ. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh càng có ý nghĩa quan trọng. Ngày 29-8-2022, Tỉnh uỷ Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết 71 đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo, 5 mục tiêu chung, với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện.
Để tạo sự đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong phát triển văn hóa, xây dựng con người, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, theo tôi, thời gian tới các cấp, ngành và mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đồng thời tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Bắc Ninh - Kinh Bắc trong thời kỳ mới. Đây là một những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quan trọng, có ý nghĩa nền tảng trong xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu đối với sự phát triển bền vững của tỉnh.
Thứ hai: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với lĩnh vực văn hóa; huy động sức mạnh tổng hợp, động viên nhân dân và đội ngũ trí thức tham gia và thực hiện các nhiệm vụ văn hoá; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các loại hình vui chơi giải trí, công trình văn hóa phục vụ công cộng và bảo tồn các di sản văn hoá.
Thứ ba: Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút tài năng văn hoá nghệ thuật, chăm sóc đãi ngộ đối với nghệ nhân, văn nghệ sĩ và cán bộ làm việc trong lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước; đưa các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Quy ước thôn, làng, khu phố, gia đình văn hoá, thực hiện tốt nếp sống văn minh; đổi mới công tác quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo, đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập và văn hoá đọc; tập trung triển khai các đề tài nghiên cứu về các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Thứ tư: Tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa hiện đại, đồng bộ hóa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, tăng nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích thành lập và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phát triển các thiết chế văn hóa ngoài công lập. Cùng với đó là xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hóa, nghệ thuật phù hợp, có trình độ chuyên môn, năng lực, khắc phục triệt để tình trạng chắp vá, bố trí cán bộ không đúng sở trường chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa.
Thứ năm: Cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Bắc Ninh trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Để làm được điều này, các cấp, ngành cần nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế với 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trên địa bàn để chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, tăng cường giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh đến với bạn bè quốc tế; đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa của các nước, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Kinh Bắc. Tỉnh chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa và con người Bắc Ninh; xây dựng Bắc Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, có tính kết nối cao, đóng vai trò là cửa ngõ trong xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài.
Thứ sáu: Mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, nhất là thế hệ trẻ phải luôn trân trọng, tự hào về truyền thống văn hóa, về sự phát triển của quê hương từ đó có nhận thức tích cực, nêu cao trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo văn quốc tế trong thời kỳ hội nhập, góp phần xây dựng văn hoá, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập