Với
sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế, đến nay các khu công nghiệp
(KCN) trong tỉnh đã thu hút 1.809 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng
ký cấp mới và điều chỉnh là 23,63 tỷ USD. Với hơn 1.190 doanh nghiệp
đang hoạt động, đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 1.425.000
tỷ đồng; xuất khẩu đạt 41,1 tỷ; nhập khẩu đạt 33,69 tỷ USD; nộp ngân
sách đạt 13.125 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất của các KCN trong tỉnh góp
phần đưa tổng sản phẩm (GRDP) tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 4 vùng đồng bằng
Sông Hồng, đứng thứ 9 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị
xuất nhập khẩu xếp thứ 2 cả nước (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh).
Hiện tại, các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang sử dụng hơn 300 ngàn
lao động (có thời điển lên tới hơn 400 ngàn), thu hút đông đảo đội ngũ
chuyên gia, lao động trong và ngoài nước đến làm việc và sinh sống tại
địa phương. Sự đa dạng về tài nguyên du lịch văn hóa gắn với các di tích
lịch sử, lễ hội và nghề truyền thống là điều kiện thuận lợi để Bắc Ninh
phát triển về kinh tế - văn hóa, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất An toàn
giao thông.
Nghị quyết Số 87 - NQ/TU ngày 15-3-2023 của Tỉnh ủy Bắc
Ninh về xây dựng “Tỉnh An toàn giao thông” với mục tiêu: Phát huy sức
mạnh hệ thống chính trị, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân tham
gia bảo đảm trật tự ATGT, quyết tâm tạo chuyển biến tích cực về trật tự
ATGT trên địa bàn tỉnh; đồng thời thiết lập trật tự kỷ cương, nâng cao ý
thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao
thông, hình thành đặc trưng văn hóa giao thông của người Bắc Ninh -
Kinh Bắc với 5 nhiệm vụ chủ yếu, đó là: Phổ biến, quán triệt, nâng cao
nhận thức, xác định trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ
chức đảng, chính quyền các cấp xây dựng “Tỉnh An toàn giao thông”; đẩy
mạnh tuyên truyền, xây dựng và triển khai bộ quy tắc văn hóa giao thông
của người Bắc Ninh - Kinh Bắc; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xây
dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, phương tiện và người
điều khiển phương tiện; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công
nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; tăng cường thiết lập trật tự,
kỷ cương về trật tự ATGT... là những giải pháp kịp thời, có tính chiến
lược và ý nghĩa sâu sắc.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị
quyết, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng “Tỉnh An toàn giao thông”
quy định cụ thể các nhiệm vụ, chỉ tiêu, trách nhiệm và thời gian thực
hiện các nhiệm vụ đề ra. Ngay trong tháng 3-2023, tỉnh thành lập Tổ
thường trực xây dựng tỉnh “Tỉnh An toàn giao thông” từ cấp tỉnh, cấp
huyện đến cấp xã; ban hành bộ quy tắc “Văn hóa giao thông Bắc Ninh” và
tổ chức cao điểm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung này nhằm tạo
phong trào hưởng ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội; tổ chức ký cam kết, giao
ước thi đua trong toàn ngành giáo dục, ký cam kết chấp hành pháp luật
về ATGT đối với 100% doanh nghiệp, cán bộ, lao động và nhân dân trong
khu, cụm công nghiệp làng nghề…
Để Nghị quyết số 87-NQ/TU ngày
15-3-2023 sớm đi vào cuộc sống, rất cần sự đồng thuận, hưởng ứng tích
cực của các cấp, các ngành và các địa phương, đặc biệt là vai trò của tổ
chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc chỉ đạo, giám sát cán bộ,
đảng viên thực hiện các quy định về ATGT. Mỗi người dân cần tăng cường
nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, đây cũng là hành động thiết
thực hưởng ứng Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29-8-2022 của Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh khóa XX về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc
Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; kỷ niệm 80 năm ra
đời Đề cương văn hóa Việt Nam, góp phần đưa văn hóa, con người Bắc Ninh
phát triển toàn diện, đúng với tinh thần chung của Đảng, của Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, lấy an toàn, hạnh phúc của người dân làm
trung tâm, nhiệm vụ, mục tiêu để thực hiện các nhiệm vụ khác trong quá
trình phát triển kinh tế - xã hội.