Vượt qua “bão COVID-19”, Bắc Ninh trở thành điểm sáng thu hút FDI như thế nào?
Để duy trì trong top
10 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh Bắc Ninh đã tập trung thực
hiện chính sách thu hút đầu tư, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tháo
gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp FDI
Vượt qua tâm dịch COVID-19, tháo gỡ “nút thắt” cho
doanh nghiệp
Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (theo
giá so sánh 2010) ước đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm
trước, đứng thứ 8 cả nước về quy mô GRDP đứng thứ 13 cả nước về tốc độ tăng
GRDP. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng ước 101,7 nghìn tỷ đồng,
tăng 8,22%, riêng công nghiệp đạt 97,2 nghìn tỷ, tăng 9,92%; dịch vụ 22,7 nghìn
tỷ đồng, tăng 2,12%. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước 84,1 tỷ USD, vượt
27,5% kế hoạch, tăng 21,1%, trong đó, xuất khẩu ước 45,2 tỷ USD, vượt 27,1%,
tăng 15,7%.
Theo bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh,
ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, để giúp các doanh nghiệp bắt
tay nhanh vào triển khai khôi phục sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường
mới, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tháo gỡ “nút
thắt” cho các doanh nghiệp đang gặp phải. Trong đó bám sát thực tế hoạt động
của các doanh nghiệp để điều chỉnh linh loạt, giúp doanh nghiệp tổ chức lại
hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Vừa qua, Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị đối thoại với gần 200
doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước. Nhiều kiến nghị,
đề xuất của doanh nghiệp đã được giải đáp và kịp thời tháo gỡ những khó khăn,
vướng mắc. Điển hình là việc cấp phép lao động và nhập cảnh đối với chuyên gia
nước ngoài, đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ thêm nguồn
vaccine để tiêm cho người lao động; hỗ trợ tìm nguồn lao động; giải quyết thủ
tục hành chính; tiếp cận chính sách đất đai; sản xuất nông sản thực phẩm an
toàn; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề...
“Với quan điểm sản xuất phải an toàn, mỗi
doanh nghiệp là một “pháo đài chống dịch”, phát huy những thành quả chống dịch
đã đạt được, duy trì chuỗi sản xuất, bên cạnh việc yêu cầu các cơ sở sản xuất
tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp, nguyên tắc chống dịch và tuyệt đối
không tuyển lao động thời vụ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành hướng dẫn cho các
doanh nghiệp tiếp nhận lao động, kể cả lao động ở tỉnh ngoài theo quy trình đơn
giản, vừa đáp ứng phòng chống dịch vừa sản xuất. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng triển
khai hàng loạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ người lao động, ngăn
chặn nguy cơ dịch quay lại, như tiến hành tiêm vaccine phòng COVID19 cho công
nhân để địa phương bảo đảm an toàn chống dịch và phục hồi kinh tế”- bà Nguyễn
Hương Giang nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, song song với
việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bắc Ninh cũng triển
khai một loạt giải pháp hỗ trợ công nhân, để người lao động an tâm gắn bó với
nhà máy, xí nghiệp. Cụ thể, tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất duy trì nghiêm việc
tổ chức ăn 3 bữa cho công nhân tại nhà máy; thực hiện “2 địa điểm, 1 cung
đường”; thành lập các “Tổ hỗ trợ công nhân”; thiết lập hệ thống quản lý, bố trí
người lao động theo 3 cùng (cùng ở - cùng làm phân xưởng/tổ -cùng ăn)...
Công ty TNHH Tabuchi vượt qua "bão
dịch" COVID-19 hăng say sản xuất.
Nhằm tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị của
doanh nghiệp, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” hỗ trợ
doanh nghiệp (Tư vấn hiệu quả nhất; Giải quyết nhanh nhất; Chống dịch an toàn
nhất). Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Sở, ngành chức năng và các huyện, thị
xã, thành phố cũng thành lập Tổ phản ứng nhanh 3 nhất để hỗ trợ doanh nghiệp
tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Thu hút FDI theo hướng “2 ít, 3 cao”
Năm 2021, Bắc Ninh đã thu hút đầu tư nước ngoài được 131 dự
án, tổng vốn 1.204 triệu USD; cấp mới đăng ký đầu tư 58 dự án trong nước, với
tổng vốn 22,64 nghìn tỷ đồng; thành lập mới 2.344 doanh nghiệp, 812 đơn vị trực
thuộc với tổng vốn đăng ký 28,62 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, đã thu hút
1.717 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký 21,24 tỷ USD; 1.491 dự án đầu
tư trong nước với số vốn đăng ký 226,1 nghìn tỷ đồng; thành lập 21.149 doanh
nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 327,8 nghìn tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, chủ
trương lâu dài của tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn tới là sẽ hướng đến chủ trương
thu hút FDI theo hướng “2 ít, 3 cao”. Do đặc thù là địa phương có diện tích
nhỏ, nhưng lại có nhiều dự án đầu tư hoạt động, nên tỉnh Bắc Ninh xác định sẽ
tiếp tục thu hút đầu tư theo chủ trương “2 ít” nghĩa là ít sử dụng đất với diện
tích lớn, ít sử dụng nhiều lao động, bởi hiện các KCN tập trung trong tỉnh có
quy mô trên 300 nghìn lao động với quy mô này số lao động địa phương chỉ đáp
ứng được 25%, còn lại là lao động nhập cư. Lượng lao động nhập cư lớn sẽ tạo áp
lực rất lớn cho hạ tầng của tỉnh, vì vậy tập trung những dự án sử dụng ít lao
động cũng là để giảm áp lực lên hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. “3
cao” chính là thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao để thu về
ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao”.
Tỉnh Bắc Ninh nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều
giải pháp, tháo gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp FDI.
“Thực hiện chủ trương của Trung ương là thích ứng linh
hoạt, an toàn với dịch Covid-19, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tập trung bảo vệ “vùng
xanh của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, giảm tối đa chi phí cho doanh
nghiệp; cải cách thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, sửa đổi quy chế quản
lý khu công nghiệp; hằng tháng giao ban với Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ
khó khăn cho doanh nghiệp,... Đồng thời, Bắc Ninh triển khai các giải pháp cụ
thể để bảo đảm nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, với
phương châm vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa phục hồi, phát triển sản xuất
trên địa bàn.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới,
tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, công khai thủ tục hành
chính, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công, tạo môi trường thông thoáng, hiện đại
nhằm thu hút đầu tư bền vững, có chọn lọc, có chiều sâu, có sức cạnh tranh cao,
gắn với lợi thế của tỉnh, tạo sức mạnh lan tỏa gắn với hội nhập kinh tế quốc
tế, phấn đấu trở thành thủ phủ sản xuất đồ điện tử công nghệ cao của châu Á và
thế giới, hướng tới là một trong những thành phố sáng tạo nhất châu Á, là hình
mẫu cho sự phát triển nhanh và bền vững, trong khi vẫn bảo tồn và phát huy được
các giá trị, bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Kinh Bắc như kỳ vọng của Thủ
tướng Chính phủ.”- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định.
KCN Yên Phong (Bắc Ninh) thu hút hơn 100
doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhằm khắc phục những tác động tiêu cực, nghiêm trọng và sâu
rộng của dịch bệnh COVID-19 đến sự phát triển, trước mắt tỉnh Bắc Ninh sẽ tập
trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các
hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn, tín dụng,
tài chính, thuế, phí, thương mại, thanh toán điện tử, thủ tục hành chính...
Ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ phù hợp với các nhóm
ngành chịu ảnh hưởng lớn và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, sản phẩm trung
gian trong nước thay thế nhập khẩu. Qua đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả
chủ trương thu hút vốn FDI; tạo động lực góp phần sớm đưa Bắc Ninh trở thành
thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022./.
Nguồn:bacninh.gov.vn