Về Bắc Ninh vùng quê của các lễ hội
Bắc Ninh là quê hương có nhiều lễ hội truyền thống, trong đó không ít lễ hội lớn có quy mô vùng miền và quốc gia. Lễ hội truyền thống Bắc Ninh là di sản quý và đặc sắc của nền văn hiến Kinh Bắc, không chỉ đậm đặc mà còn gìn giữ, chứa đựng nhiều nét đẹp truyền thống độc đáo.

Bắc Ninh có 547 lễ hội truyền thống diễn ra vào tất cả các mùa trong năm, chủ yếu diễn ra vào mùa xuân. Trong đó, có 7 lễ hội đầu năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch thập phương về dự.

Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ

Lễ hội này được bắt đầu từ sáng sớm ngày 3 tết hàng năm tại thôn Đồng Kỵ. Ngôi làng nghề truyền thống giàu có nhất vùng Bắc Ninh nhằm tưởng nhớ vị Thiên Cương – người được tôn thờ là Thành Hoàng Làng.

Trong nghi lễ rước pháo, hai quả pháo lớn, sơn màu đen dát vàng và được trang trí hình tứ linh được các thanh niên rước từ nhà truyền thống ra đình làng. Đội rước pháo được tuyển chọn là các thanh niên ưu tú trong làng, nhà nào có con tham gia đội rước pháo được coi là vinh dự. Theo sau đội rước là đoàn rước hàng trăm người gồm các bô lão, chức sắc cùng người dân trong làng. Lễ rước được tổ chức tôn nghiêm, hoành tráng.

Về Bắc Ninh vùng quê của các lễ hội ảnh 1

Lễ hội chùa Phật Tích

Lễ hội chùa Phật Tích còn được gọi là Khán hoa mẫu đơn thường diễn ra vào ngày 3 – 5/1 âm lịch hàng năm. Chùa Phật Tích nằm trên địa bàn huyện Tiên Du của Tỉnh Bắc Ninh. Hàng năm lễ hội đón số lượng rất lớn du khách các nơi về dâng hương, chảy hội. Mọi người đến hội để cầu mong may mắn, tài lộc, sức khỏe và tham dự các trò chơi dân gian độc đáo.

Đi hội chùa Phật Tích khách thập phương không chỉ được dự hội Khán hoa mẫu đơn mà còn có cơ hội du ngoạn những di tích đẹp. Vẫn còn đó tượng Phật A di đà bằng đá xanh hàng ngàn năm tuổi trong vị thế là một báu vật quốc gia. Tượng chim gandhura đầu người mình chim cho thấy dấu ấn của văn hoá Chăm – pa. Hàng linh thú bằng đá gốm sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa và những chạm khắc trên các chân tảng, những di vật còn lại của ngôi chùa cổ xưa cho thấy dáng dấp thâm nghiêm của văn hoá cung đình.

Lễ hội chùa Phật Tích bao gồm các nghi thức phần lễ và chương trình văn nghệ, trò chơi phần hội. Nơi đây có bức tượng Đại Phật tượng lớn nhất Việt Nam và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2002.

Về Bắc Ninh vùng quê của các lễ hội ảnh 2

Thứ ba là hội Lim.

Đây là lễ hội truyền thống và lớn nhất trong năm của tỉnh Bắc Ninh. Hội diễn ra vào ngày 13 tháng giêng âm lịch hàng năm tại huyện Tiên Du. Lễ hội Lim được đông đảo du khách thập phương biết tới và cũng là niềm tự hào của người dân địa phương.

Lễ hội lim gồm phần nghi lễ trang nghiêm cùng các hoạt động tín ngưỡng tâm linh. Nhằm thể hiện sự thành kính của con cháu đời sau với vị tổ của làn điệu quan họ. Phần hội thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách bởi những trò chơi đậm chất dân gian như: nấu cơm, đấu vật, cờ vua, đánh đu, chọi gà…Trong đó nổi bật là phần hát quan họ giữa các liền anh, liền chị. Những giai điệu dân ca trữ tình ngọt ngào luôn được đông đảo khán giả chờ đợi. Xưa kia hội Lim còn là dịp để các đôi nam thanh, nữ tú trong vùng kết bạn se duyên với nhau. Ngày nay, lễ hội trở thành điểm du xuân đầu năm cầu may mắn của du khách thập phương.

Hội Lim không chỉ là niềm tự hào của nhân dân vùng Lim mà đã trở thành sinh hoạt đậm nét Bắc Ninh – Kinh Bắc. Nhắc đến hội Lim, người ta nhớ ngay đến một Bắc Ninh đằm mình trong những làn điệu Quan họ mượt mà, tình nghĩa. Khách thập phương tìm về hội Lim để được nghe hát Quan họ và tìm hiểu về sinh hoạt văn hoá Quan họ ở một lễ hội mang quy mô vùng miền.

Về Bắc Ninh vùng quê của các lễ hội ảnh 3

Lễ hội đền Bà Chúa Kho

Hàng năm, tuy 14 tháng Giêng là ngày chính của Lễ hội Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, nhưng ngay từ những ngày đầu xuân năm mới, kéo dài trong cả tháng Giêng, cụ thể là từ sau khi kim đồng hồ chuyển qua thời khắc giao thừa, thì dòng người lại đổ về đây nườm nượp.

Lễ hội luôn thu hút được đông đảo du khách thập phương về đây. Đặc biệt là những người kinh doanh, buôn bán với mong muốn về hội cầu may mắn, mong tài lộc cho cả một năm.

Theo quan niệm “đầu năm vay bà, cuối năm trả nợ” nên những người đến trẩy hội đều mong muốn phát tài phát lộc. Tâm lý vay vốn được bắt nguồn theo truyền thuyết xưa kể Bà Chúa Kho. Người đã có công lao lớn trong việc sản xuất và tích trữ lương thực phục vụ chống giặc ngoại xâm. Nên nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của bà.

Có người cầu an, cầu lộc, nhưng đa phần đến để “vay vốn” Bà Chúa Kho, mong cho một năm vốn liếng dồi dào, làm ăn phát đạt... Tâm lý “vay vốn” của người dân cũng bắt nguồn từ những huyền tích xưa, và được củng cố thêm rằng “dù trải qua kháng chiến ác liệt thì ngôi đền này vẫn trụ vững”.

Nghi thức “vay vốn” cũng rất rõ ràng, người ta ghi trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và bao lâu sẽ trả. Thậm chí có người còn hứa là vay 1 trả 3, trả 10... với quan niệm đã vay thì phải trả, nên dù có làm ăn tốt hay không, người ta vẫn giữ đúng lời hứa, tức là tạ lễ cuối năm ở đền Bà Chúa Kho.

 

Trong dịp lễ hội, xung quanh đền có hàng trăm cửa hàng bán đồ cúng tế, đông đúc người vào ra. Mâm lễ được khách hành hương mua sắm tùy tâm, khi đơn giản là thẻ hương, bông hoa với vài ba tập tiền âm phủ, cầu kỳ thì con gà đĩa xôi, hay một mâm ngũ quả đủ đầy... chủ yếu là thành tâm cầu khấn.

Về Bắc Ninh vùng quê của các lễ hội ảnh 4

Lễ hội Đền Đô

Lễ hội diễn ra vào ngày 14 – 16 tháng 3 âm lịch hàng năm tại làng Đình Bảng, Từ Sơn. Tương truyền lễ hội được tổ chức để kỷ niệm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang (15/3 năm Canh Tuất 1010). Chính ông đã mở ra một thời kỳ thịnh vượng trong lịch sử dân tộc.

Lễ hội thu hút đông đảo du khách bởi đội rước kiệu đông lên tới hàng nghìn người. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: thi hát quan họ trên thuyền, thi nấu cơm, thi người cớ, gói bánh…

Năm 2014 ngôi đền cùng di tích lăng mộ các vua triều Lý tại làng Đình Bảng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống, tục lệ uống nước nhớ nguồn hết sức quan trọng của người dân Đình Bảng nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Về Bắc Ninh vùng quê của các lễ hội ảnh 5

Lễ hội chùa Bút Tháp

Lễ hội diễn ra vào ngày 23 và 24/ 3 âm lịch hàng năm tại ngôi chùa cổ Bút Tháp, huyện Thuận Thành. Ngôi chùa nổi tiếng với bức tượng Phật quan âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Chùa còn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt bởi kiến trúc cổ hoàn chỉnh nhất còn sót lại. Lễ hội chùa Bút Tháp mang đậm nét truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Với phần lễ truyền thống diễn ra trang nghiêm và các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian thú vị như: cờ tướng, thi thả chim bồ câu, biểu diễn nghệ thuật chèo…

Về Bắc Ninh vùng quê của các lễ hội ảnh 6

Lễ hội chùa Dâu

Lễ hội được tổ chức vào ngày 6 tháng 4 âm lịch hàng năm, đây là ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, lễ hội được tổ chức vừa tưởng nhớ công ơn của đức phật vừà mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Chùa Dâu còn được biết đến với tên Diên Ứng, Pháp Vân hay Cổ Châu thuộc huyện Thuận Thành. Ngôi chùa còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ như thành cổ Luy Lâu, lăng mộ Sĩ Tiếp với hệ thống chùa chiền, đền đài, bảo tháp cổ đẹp.

Trong lễ hội có các hoạt động vô cùng đặc sắc như: cướp nước, dâng nước, đánh gậy trên bãi chùa Dâu, múa sư tử…Lễ hội chùa Dâu trở thành nét đẹp văn hóa lễ hội của vùng Kinh Bắc xưa. Lễ hội không chỉ để ôn lại truyền thống, phong tục mà còn khích lệ tinh thần đoàn kết trong việc giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa. Chùa Dâu còn là một địa điểm du lịch tâm linh quan trọng của người Việt Nam.

Về Bắc Ninh vùng quê của các lễ hội ảnh 7

Lễ hội truyền thống Bắc Ninh là hội làng. Xưa đa số các làng thôn ở Bắc Ninh là đơn vị xã. Hầu hết các làng xã đều có lễ hội riêng. Vì vậy, lễ hội cũng mang tên làng hay tên của di tích của làng, như hội làng Diềm, hội đền làng Á Lữ, hội Đền Than, hội Thập Đình … Nhiều hoạt động văn hoá dân gian truyền thống được tổ chức tại lễ hội như: hát dân ca quan họ, múa rối nước, cờ người, tổ tôm, múa kỳ lân, đu quay, đánh vật, đập niêu, chọi gà, kéo co, thi dệt vải, cờ người, đu tiên …

Cũng có lễ hội có quy mô lớn, vượt ra ngoài khuôn khổ từng làng xã. Đó là hội chùa Đại Bi (Gia Bình) do các làng trong xã Vạn Tự xưa phối hợp tổ chức. Lễ hội đền Than (Cao Đức, Gia Bình) do 7 làng thờ Đức Cao Lỗ Vương cùng nhau tiến hành; rồi hội “Thập Đình” ở Bảo Tháp xã Đông Cứu là của mười làng cùng thờ Đức Doãn Công – Đào Nương là hai vợ chồng và là tướng của Hai Bà Trưng;

Các hội trên, do các làng cùng phối hợp tổ chức một số hoạt động chung như rước sách, tế lễ, nhưng ở từng làng xã vẫn có những sinh hoạt văn hóa và tâm linh riêng theo truyền thống, phong tục tập quán của từng làng xã, vì vậy tính chất hội làng vẫn được bảo lưu và thể hiện rất rõ, phản ánh những nét chung trong phong tục, truyền thống sinh hoạt văn hóa và đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của cư dân trong vùng.

Đến với những lễ hội truyền thống Bắc Ninh là cơ hội để du khách trẩy hội và có thêm thời gian tìm hiểu sâu về những phong tục, nghi lễ cổ vẫn được nhân dân các địa phương truyền giữ, tái hiện trong nhiều lễ hội truyền thống ở vùng đất Kinh Bắc mỗi độ xuân về.

Nguồn: Báo Pháp luật

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập