Tiết mục múa Bông Sen mừng sinh nhật Bác Hồ. Ảnh: Anh Sơn
1 Từ đổi mới (1986) đến nay, qua tổng kết thực tiễn và đúc
kết lý luận, Đảng ta đã bổ sung, điều chỉnh, phát triển và từng bước hoàn thiện
quan điểm cơ bản về văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ
mới. Nhiều luận điểm mới đã được xác định. Gắn với chủ đề của bài viết này, xin
được trình bày hai luận điểm rất cơ bản, thể hiện sự phát triển tư duy của Đảng
về văn hóa.
Về luận điểm thứ nhất: Nghị quyết Trung ương 5
(khóa VIII-1998) về văn hóa nêu quan điểm: Văn hóa "vừa là mục tiêu vừa là
động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội". Đó là quan điểm mới (so
với trước đó). Song, tổng kết thực tiễn gần 20 năm đổi mới, trong Nghị quyết
Trung ương 33 (khóa XI-2014) đã thay đổi một cụm từ trong quan điểm trên, Văn
hóa "là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước". Vai trò của
văn hóa đã được khẳng định ở một tầm nhìn mới, rộng và toàn diện hơn, không chỉ
dừng lại ở hai lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Về luận điểm thứ hai: Phát triển kinh tế để
làm gì? Mục tiêu cuối cùng và cao nhất phải là, nhất thiết là: "Xây dựng
và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn
minh, con người phát triển toàn diện" (Nghị quyết Trung ương 5 - khóa
VIII). Đây là luận điểm cực kỳ hệ trọng đối với sự chỉ đạo phát triển kinh tế,
mà thời gian qua, đã có biểu hiện, quan điểm đó chưa được nhận thức đúng tầm
của nó, nhiều lúc dừng lại hay rơi vào mục tiêu chỉ lo tăng trưởng kinh tế đơn
thuần. Luận điểm trên đòi hỏi đồng thời, không thể tách rời nhau hai yêu cầu
trong tư duy chỉ đạo, một mặt, tạo bằng được sự phát triển tương xứng, hài hòa,
gắn kết với nhau giữa bốn trụ cột của sự phát triển: kinh tế, chính trị, văn
hóa và môi trường (xã hội là một lĩnh vực quan trọng trong môi trường) và mặt
khác, làm cho văn hóa thẩm thấu vào toàn bộ đời sống xã hội và từng lĩnh vực
như chính trị, luật pháp, kinh tế, kỷ cương, quốc phòng, an ninh, ngoại giao,
các quan hệ xã hội… để văn hóa thật sự là nguồn lực nội sinh quan trọng của
phát triển bền vững.
Nhấn mạnh hai luận điểm trên của Đảng ta từ
đổi mới đến nay về vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững để thấy rõ tầm
nhìn mới và xa của Đảng và thể hiện năng lực tổng kết thực tiễn, nắm bắt quy
luật phát triển của thế giới đương đại và cả những quy luật đặc thù về văn hóa
đang tác động đến sự vận động của xã hội hiện đại. Hai luận điểm trên đã gặp gỡ
với những nhận thức có tính đột phá của Liên hợp quốc những năm gần đây về vai
trò của văn hóa trong đời sống hiện đại. Đó là thừa nhận văn hóa là một trong
bốn trụ cột của sự phát triển bền vững, làm cho các lĩnh vực quan trọng của đời
sống như kinh tế, chính trị, môi trường, xã hội… phải bắt rễ trong văn hóa,
trong đó, đặc biệt, làm cho nhân tố chính trị, đường lối chính trị trở thành
giá trị văn hóa và tuyệt đối không coi thường, hạ thấp hay hy sinh văn hóa để
đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trong lời tuyên bố mở đầu cho "Thập
niên văn hóa và phát triển", Tổng Giám đốc UNESCO đã nhấn mạnh: "Kinh
nghiệm của hai thập niên vừa qua cho thấy rằng, trong mọi xã hội ngày nay, bất
luận ở trình độ kinh tế nào hoặc xu hướng chính trị và kinh tế nào, văn hóa và phát
triển là hai mặt gắn liền với nhau. Nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát
triển kinh tế tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối
nghiêm trọng, cả kinh tế, văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy
yếu… Phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ vị trí trung tâm và vai trò điều tiết
xã hội".
Những nhận thức lý luận trên đây là cơ sở để
nhìn nhận thực tiễn xây dựng văn hóa nước ta thời gian qua, tìm ra cái được và
chưa được trong việc xác định vai trò văn hóa trong sự phát triển bền vững của
đất nước.
2 Ở nước ta, mặc dầu đã nhiều lần khẳng định quan điểm về sự
hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, song trên thực tế,
chúng ta mới tập trung nhiều cho đổi mới và tăng trưởng kinh tế, chưa quan tâm
thật sự và tương xứng đối với phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đó là
nguyên nhân sâu xa của tình trạng nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc về văn hóa, đạo
đức, lối sống, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững. Chủ nghĩa thực
dụng kinh tế đang có chiều hướng phát triển là nguy cơ thật sự của sự coi nhẹ,
hạ thấp vai trò của văn hóa và sự sa sút trên lĩnh vực đời sống tinh thần của
xã hội. Ở đây, có liên quan giữa tăng trưởng và phát triển. Nội hàm của phát
triển chỉ rõ sự tiến bộ, tiến triển về chất lượng của xã hội, của phẩm chất,
giá trị con người, trong đó bao gồm cả yêu cầu nâng cao mức sống của toàn dân
gắn chặt với trình độ phát triển hài hòa, toàn diện của văn hóa và con người.
Như vậy, nhìn từ yêu cầu phát triển, có thể xảy ra hiện tượng có sự tăng trưởng
nhưng không đạt, thậm chí không có sự phát triển vì chất lượng sống toàn diện
của con người không bảo đảm, vì sự sa sút về văn hóa, vì sự không bình yên
trong cuộc sống con người. Trong trường hợp đó, có tăng trưởng nhưng không hoàn
toàn đạt được sự phát triển bền vững, thậm chí có thể dẫn tới phản phát triển.
Cũng với khuynh hướng trên là thái độ coi nhẹ văn hóa, trái với truyền thống
trọng văn hóa của dân tộc.
Chúng ta đã có những quan điểm đúng đắn, khoa
học về vai trò của văn hóa đối với phát triển bền vững của đất nước, song như
Nghị quyết 33-NQ/TW đã thẳng thắn chỉ ra "so với những thành tựu trên các
lĩnh vực"… thì "thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng,
chưa đủ tác động có hiệu quả xây dựng con người". Bằng kinh nghiệm lãnh
đạo vô cùng sâu sắc và mang tính tổng kết thực tiễn cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã đúc kết rất rõ ràng và dễ hiểu: "Có chính sách đúng, thì sự thành công
hay thất bại do cách tổ chức công việc, lựa chọn cán bộ, kiểm tra. Nếu ba điều
ấy sơ sài thì chính sách đúng cũng vô ích" (Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5,
tr 636). Phải chăng, trên lĩnh vực lãnh đạo, xây dựng văn hóa, nhìn từ thực
tiễn, đó chính là ba điểm "sơ sài" nhất, yếu nhất?
Tôi có may mắn được tham gia trong các ban
biên tập dự thảo các văn bản của Đảng về văn hóa trong khoảng 20 năm qua. Mỗi
lần như vậy, phải đọc kỹ lại các văn bản trước và nhận thấy, nhiều định hướng,
nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra nhưng có những nhiệm vụ làm còn dở dang,
"đầu voi đuôi chuột", và có cả những nhiệm vụ, công việc chưa được thực
hiện. Cùng đó, việc lựa chọn cán bộ văn hóa cần đáp ứng yêu cầu tính đa dạng và
đặc thù của lĩnh vực rất tinh tế này, song trên thực tế chưa thật sự được chú
trọng. Từ đổi mới đến nay, hầu như trong các văn kiện, văn bản chỉ đạo của Đảng
về văn hóa đều chỉ ra mặt hạn chế, khuyết điểm kéo dài nhiều năm chưa được khắc
phục trên lĩnh vực này. Theo chỉ dẫn của Bác Hồ "Cán bộ là cái gốc của mọi
công việc" mà trong lĩnh vực văn hóa, cán bộ lại thiếu, "chưa đáp ứng
được yêu cầu", "ít được bồi dưỡng kiến thức" (Nghị quyết 05 của
Bộ Chính trị, khóa VIII; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng) … thì phải chăng đó là
nguyên nhân trực tiếp làm cho văn hóa chưa thể phát triển tương xứng với vai
trò phải có của mình. Mặt khác, khi nói "lựa chọn cán bộ", Bác Hồ
nhiều lần yêu cầu: "Cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc của môn
ấy" và "Cán bộ chuyên môn phải hiểu chính trị, cán bộ chính trị phải
hiểu chuyên môn. Nếu chỉ hiểu một chuyện là cán bộ què" (Hồ Chí Minh, sđd,
tập 13, tr 69, tập 8- tr 142). Ở ta, có lệ không thành văn, như thể hiện sự
"coi trọng" văn hóa, có nơi, cán bộ trong cấp ủy, thường vụ cấp ủy,
dù được đào tạo ngành nghề không liên quan đến văn hóa cũng có thể điều động
sang lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý… văn hóa, văn nghệ!
3 Những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ lớn và các giải pháp
mang tầm chính sách đã được khẳng định trong các văn bản của Đảng, trong một
loạt chiến lược phát triển các ngành văn hóa của Nhà nước được xây dựng và bước
đầu thực hiện trong những năm qua. Tôi chỉ xin mạo muội nêu lên một vài suy
nghĩ nhỏ.
Một là, xin đề nghị liệt kê, rà soát lại những
nhiệm vụ lớn, những công việc quan trọng đã có trong các văn bản trên, phân
loại những gì làm chưa xong, còn dang dở, những gì chưa làm, những gì đã có
trong dự kiến nhưng vẫn nằm trong văn bản (trên giấy), từ đó tổ chức phối hợp,
phân công, phân quyền, chịu trách nhiệm thực hiện đến cùng các nhiệm vụ, công
việc đã giao.
Trong một "núi" nhiệm vụ, công việc
đó, xin thử liệt kê vài việc được chỉ ra trong một trang (trang 143) của Văn
kiện Đại hội XIII vừa qua: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai
xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với
giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới",
"Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp
về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội",
"Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam". Ba
việc trên đều có yêu cầu mới, rất cao và phải làm trong nhiều năm, song, ai
làm, sự phối hợp ra sao, các bước đi và tiến trình thực hiện rồi đưa vào đời
sống, theo dõi kết quả của nó là những việc cần một sự chỉ đạo thống nhất,
quyết liệt, kiên trì, bài bản và mang tính thực tiễn.
Hai là, vừa xây dựng và phát triển đồng bộ,
toàn diện các lĩnh vực khác nhau của văn hóa theo định hướng đã được xác định,
tôn trọng tính đa dạng, đồng thời tập trung trí lực, tài lực, vật lực (cả vật
chất và tinh thần) cho dòng mạch chính của sự phát triển văn hóa, cho mục tiêu
"trọng tâm, cốt lõi" là xây dựng con người Việt Nam thời đại mới
"gắn kết chặt chẽ, hài hòa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại".
Đó là con đường tốt nhất để hội tụ, phát huy sức mạnh của văn hóa và cũng là
thách thức lớn nhất bản lĩnh, trình độ, năng lực của người lãnh đạo, quản lý
văn hóa thời kỳ mới. Bác Hồ dặn: "Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều
đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào" (Hồ Chí Minh, sđd-tập
5-tr 463).
Và ba là, tập trung cho hai loại hình cán bộ:
cán bộ lãnh đạo, quản lý của các lĩnh vực quan trọng của đất nước cần được đào
tạo, bồi dưỡng thật sự về văn hóa và tất cả cán bộ công tác, hoạt động trên các
lĩnh vực của văn hóa, theo chỉ dẫn của Bác Hồ phải "thạo về chính
trị" và "giỏi về chuyên môn". Đó là những lực lượng nòng cốt,
trực tiếp đưa "ngọn đuốc văn hóa" "soi đường cho quốc dân
đi".
Nguồn:nhandan.vn