Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
anh tin bai
Cách đây vừa tròn 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam - một văn kiện quan trọng của Đảng, do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943 đã ra đời. Đây được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân.

Đề cương ra đời như ngọn đèn pha soi rọi cho nền văn hóa cách mạng phát triển trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. 80 năm đã trôi qua, Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Bác Hồ với các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, 1969. Ảnh tư liệu

 

Ở nước ta vào đầu những năm 40 thế kỷ XX, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội rất rối ren và phức tạp. Thực dân Pháp đã biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu cũ, nhưng nước Pháp lại thua trận rơi vào tay phát xít Đức và phát xít Nhật nhảy vào Đông Đương (9-1940). Nhân dân ta lầm than trong tình cảnh một cổ hai tròng. Vì thế, vùng dậy đấu tranh, đuổi giặc, cứu nước có ý nghĩa sống còn đối với toàn dân tộc. Vấn đề huy động lực lượng cho một cuộc cách mạng làm thay đổi vận mệnh dân tộc trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Nhưng, để làm được điều đó, trước tiên cần phải có một bước mở đầu về lý luận làm tiền đề. Bởi, chỉ có như vậy mới thức tỉnh được quần chúng, định hướng được nguồn lực, quy tụ được sức mạnh. Đối tượng phù hợp nhất cho bước mở đầu này, không thể là ai khác ngoài tầng lớp trí thức đương thời. Nhưng bản thân tầng lớp này, như thực tế lịch sử cho thấy, lại đang bị chia rẽ bởi những khuynh hướng văn hóa - tư tưởng khác nhau...
Trong bối cảnh ấy, để thức tỉnh được tầng lớp trí thức đang bị chia rẽ, qua đó thức tỉnh được quần chúng nhân dân, Đảng phải có một đường lối văn hóa thực sự đúng đắn, khoa học và phù hợp. Đường lối này phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, thu phục được tầng lớp trí thức, thống nhất được nhận thức của họ. Nó cũng phải bảo đảm tính lôgíc, ngắn gọn và dung dị để dễ dàng truyền bá tới quảng đại quần chúng trong điều kiện Đảng chưa ra hoạt động công khai. Đặc biệt, đường lối này cũng phải thể hiện rõ nguyên tắc tính đảng, tính chiến đấu nhằm hiệu triệu toàn dân theo Đảng bước vào một mặt trận đầy cam go, nhưng sẽ quyết định tương lai của toàn dân tộc - mặt trận văn hóa.
Nhận thấy vai trò to lớn của mặt trận văn hóa, Đảng ta xác định phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ hoạt động về văn hóa, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc nhằm chống lại văn hóa phát xít thụt lùi, văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu... Do vậy, năm 1943, Đảng ta đưa ra bản Đề cương về văn hoá Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2-1943.
Với tính chất là một bản “đề cương” ngắn gọn, ra đời trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, song dù là một văn kiện nhỏ, dung lượng chỉ khoảng 1300 từ, nhưng bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” lại là một công trình khoa học thực sự, lần đầu tiên trình bày văn hóa Việt Nam và những vấn đề có liên quan như một hệ thống cấu trúc với một phương pháp tiếp cận nhất quán.
Bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp; nêu lên nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng nền văn hóa mới. Đề cương đã vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng. Đề cương xác định, văn hoá là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hóa). Đề cương nêu rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá.
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hóa, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đề cương là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân.
Trong bối cảnh “văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” của xã hội Việt Nam lúc đó, thì sự xuất hiện của bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 đã thức tỉnh, lôi cuốn và tập hợp đông đảo nhân dân Việt Nam nói chung, giới trí thức và những người hoạt động văn hóa nói riêng tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xóa bỏ sự nô dịch về văn hóa, sự áp bức về chính trị và sự bóc lột về kinh tế của chủ nghĩa thực dân.
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, kháng chiến, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Đề cương nêu lên ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.
Dân tộc hóa là làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.
Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm ấy, nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động; gạt ra khỏi đầu óc con người những thành kiến, hủ bại, mê tín, dị đoan...
Đại chúng hóa là văn hóa của nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc, loài người tạo ra.
Ba nguyên tắc ngắn gọn, súc tích, vừa đề cập đến hiện trạng nền văn hóa dân tộc, vừa chỉ ra đường hướng xây dựng, phát triển nền văn hóa mới. Đó là nền văn hóa được xây dựng từ sức sáng tạo bền bỉ của nhân dân; nền văn hóa thuộc về nhân dân, do nhân dân là chủ thể sáng tạo, trao truyền và gìn giữ, phát huy. Nền văn hóa đó phải bám rễ vào cội nguồn lịch sử; không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng phong phú, giàu đẹp…
Trải qua chặng đường 80 năm, nhìn lại những giai đoạn phát triển, đổi thay, càng nhận thấy tính cách mạng, sự minh triết của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 từ cách tiếp cận vấn đề, tính thực tiễn và khoa học của những luận điểm mang tính nguyên tắc. Đó cũng chính là tính cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới. Mặc dù thực tế đã thay đổi và nội dung, tính chất, nhiệm vụ, phương thức tổ chức, xây dựng một nền văn hóa mới của văn hóa Việt Nam thời hội nhập đã khác nhưng những định hướng cơ bản về tư tưởng, nội dung và những nguyên tắc của nền văn hóa mới vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đó là sự thể hiện rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, để văn hóa tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”; “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”; “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”… Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định những quan điểm, chủ trương rất mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người. Đây là đường hướng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lập nên những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập