Văn hoá giao tiếp của người Bắc Ninh xưa
Văn hoá giao tiếp của người Bắc Ninh xưa là sự tích hợp và được hình thành do nhiều nguồn: văn hoá truyền thống của làng xã, văn hoá Phật giáo, văn hoá Nho giáo,… từ đó tạo nên đặc điểm của di sản văn hoá giao tiếp mà trải qua hàng ngàn năm, được các tầng lớp nhân dân trân trọng và phát huy.

Trong không khí đón Xuân Quý Mão tưng bừng của xứ Bắc thanh quý, chúng tôi xin được điểm qua một vài nét độc đáo trong văn hoá giao tiếp của người Bắc Ninh trong lịch sử.
1.Văn hoá giao tiếp thể hiện ở một số cử chỉ mang giá trị biểu cảm khi gặp nhau và khi từ biệt
Người Bắc Ninh nói riêng, người Việt nói chung, ngày xưa, khi gặp nhau, người ta không bắt tay mà chắp hai tay trước ngực vái nhau. Cách vái  thường thấy là hai người cùng vái nhau, đầu hơi cúi xuống. Dưới (về chức vụ, vai vế, tuổi tác) vái dài người bề trên và gập mình cúi đầu. Người bề trên chắp hai tay trước ngực, đầu không cúi để tỏ sự đáp lễ. Trong câu chuyện, thông thường, người dưới không nói nhiều, không nói to, khi nói không khoa chân múa tay hoặc vừa cười vừa nói, không khoe khoang, khoác lác.
Nếu khi gặp nhau, hai bên thường chỉ vái nhau một lần thì khi chia tay, có thể động tác vái nhau diễn ra hai, ba lần. Đó là một lần khi chủ khách đều bước xuống sân, lần thứ hai là chủ tiễn khách ra đến đường cái quan hay bến đò. Ngày xưa, khi khách đã lên ngựa hoặc xuống đò,… đôi bên cũng không dơ tay vẫy nhau như ngày nay mà cúi gập mình, vái nhau lần cuối (ngày xưa gọi là bái biệt).
2. Những từ ngữ dùng ở đầu câu và cuối câu khi giao tiếp
Người Bắc Ninh xưa, khi giao tiếp với người trên hoặc người có địa vị ngang hàng, các cụ đều dùng những từ mở đầu câu chuyện bằng một trong các từ: “bẩm”. “thưa”, “con (cháu, em) xin phép”,… để tỏ sự trân trọng, tôn kính người đối thoại. Đi liền với những từ đó là cử chỉ chắp hai tay, đầu cúi xuống với âm lượng của câu nói vừa đủ nghe, rõ ràng, rành mạch, ngắn gọn, có lượng thông tin cao mà không ề à, dài dòng, tối nghĩa.
Còn ở cuối câu, người dưới nói với người trên bao giờ cũng có chữ “ạ” chứ không dùng chữ “nhé”. Chữ “nhé” chỉ có người bề trên nói với người dưới mang sắc thái ngữ nghĩa khuyên bảo, răn dạy. Ngày nay, nhiều bạn trẻ không chú ý đến cách dùng chữ cuối câu. Khi nhắn tin cho những người thuộc bề trên của mình cứ dùng chữ “nhé”. Chẳng hạn: “Cháu cảm ơn chú nhé!”, “Ngày mai cháu sang nhà chú nhé”, “Cháu nhận được bài của chú rồi nhé”,… Đọc những dòng tin nhắn này, những người không phải là cùng trang lứa của người nhắn tin, họ rất không có thiện cảm với những chữ “nhé” đó. Nếu các bạn trẻ đó thay chữ “nhé” bằng chữ “ạ” ở cuối câu thì vừa thể hiện được sự tôn trong người đối thoại, vừa thể hiện được mình là người có văn hoá, và như vậy, sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu.
3. Những món quà mang theo khi đến thăm bạn bè và những từ ngữ cần dùng
Ngày xưa, ở vùng nông thôn Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung, điều kiện đường xá và phương tiện giao thông rất lạc hậu. Dù đi đường ngắn hay đường dài, người dân chủ yếu là đi bộ. Vì vậy, mặc dù ở cách nhau không xa nhưng những người bạn tri kỷ hoặc người bà con ở khác xã, khác tổng, cách sông cách đò,… hàng năm mới có thể đến thăm nhau được một đôi lần. Dựa vào sự hiểu biết cá tính của người bạn, của người thân, người ta khi đến thăm nhau, thường mang những phẩm vật, đồ chơi đến tặng bạn. Vật phẩm này hoàn toàn không có giá trị vật chất cao sang gì, không có ý nghĩa hối lộ mà chỉ là thể hiện tấm thịnh tình với nhau. Chẳng hạn, nếu biết ông bạn chủ nhà thích đánh cờ mà chưa có bộ quân cờ ưng ý, người bạn đến chơi sẽ mang theo bộ quân cờ bằng sừng hoặc bằng gỗ quý để tặng bạn. Nếu biết ông bạn có thú thưởng trà mà trong nhà chưa có bộ đồ trà như ý muốn, ông bạn tri kỷ sẽ tìm mua tặng ông bạn bộ đồ trà tuy không đắt tiền nhưng độc đáo. Nếu thấy bà bạn, thích nhai trầu với vỏ quạch, bà bạn sẽ ra chợ mua mấy đoạn vỏ quạch thật ngon tặng bà bạn. Viết đến đây, người viết bài này nhớ lại: khi còn học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có được GS Đặng Nghiêm Vạn cho hay: GS Tôn Thất Tùng rất thích đọc tiểu thuyết trinh thám và sách phản gián. Nếu bệnh nhân nào muốn tỏ sự biết ơn vì được cứu sống, cứ tìm mua các loại sách đó, mang biếu thì GS rất vui, còn nếu mang phong bì hay hiện vật đắt tiền đến thì ông ghét lắm!
Cũng là câu chuyện biếu tặng, các cụ ngày xưa rất thận trọng trong việc dùng từ ngữ. Đối với ai và vào thời điểm nào thì dùng từ “biếu”, khi nào thì dùng từ “tặng”, khi nào thì dùng từ “đãi”. Từ “biếu” thông thường là từ thường dùng của người bề dưới trao tặng vật lên người bề trên. Nhưng trong một số trường hợp, những người bạn thân tình hoặc cuộc trao tặng vật phẩm diễn ra trong không gian trang trọng, thời khắc trang trọng,… người ta vẫn dùng từ đó. Từ “tặng” được dùng trong mọi hoàn cảnh, không gian thân tình. Còn từ “đãi” được dùng khi ai đó mời một hoặc một nhóm người có sự thân mật nhất định ăn một bữa tiệc (ngày nay, người ta thường dùng từ “chiêu đãi”) hoặc tặng ai đó một món tiền nhỏ khi cần thiết,…
Tóm lại, văn hoá giao tiếp của người Bắc Ninh ngày xưa có nhiều nét rất đáng trân trọng. Nó không những phản ảnh một khía cạnh của truyền thống văn hoá của vùng Quan họ mà còn thể hiện nét thanh lịch của vùng quê đã sinh ra rất nhiều nhà khoa bảng lừng danh, rất nhiều nhà ngoại giao có tài cho đất nước. Truyền thống đó rất cần được trân trọng, kế thừa và phát huy trong xã hội ngày nay.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập