Văn hoá giao thông của người Bắc Ninh - Kinh Bắc
Không còn là khái niệm trừu tượng hay khẩu hiệu hô hào, văn hoá giao thông của người Bắc Ninh- Kinh Bắc giờ đây đã được định hình, thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể, lan toả sâu rộng trong đời sống xã hội. Điều này có được nhờ quyết tâm chính trị, nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, trách nhiệm các nội dung Nghị quyết 87 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Kế hoạch 71 của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh ATGT”.

Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân đội MBH đúng cách.

 

Bắc Ninh hôm nay đang từng ngày đổi mới, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì thế, công tác bảo đảm ATGT phục vụ cho sự phát triển và vì an toàn, hạnh phúc nhân dân luôn là vấn đề được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi được Bộ Công an lựa chọn làm điểm xây dựng mô hình “Tỉnh ATGT”, ngày 15-3-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 87/NQ-TU về xây dựng “Tỉnh ATGT”. Đưa Nghị quyết sớm vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân đã đồng hành, chung sức vào cuộc. Từ cấp tỉnh, huyện đến xã đều thành lập Tổ thường trực xây dựng “Tỉnh ATGT”, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể; tập trung tuyên truyền, phổ biến, triển khai hiệu quả Nghị quyết, Kế hoạch; tổ chức ký cam kết chấp hành quy định về ATGT, thực hiện bộ quy tắc ứng xử “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh-Kinh Bắc đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và nhân dân. Việc làm này nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của toàn xã hội, bởi không chỉ giúp nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong việc chấp hành, thực hiện nghiêm pháp luật về trật tự ATGT, tạo dựng văn hóa giao thông mang đặc trưng riêng của quê hương Quan họ-niềm tự hào của mỗi người dân.
Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh được biết: Với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ nên trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng “Tỉnh ATGT” đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn được áp dụng, nhân rộng ở các địa phương, đơn vị. Qua gần 1 năm thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. ATGT được bảo đảm, các tuyến đường thông thoáng phục vụ cho lưu thông của người dân thuận tiện, TNGT giảm; các cấp, các ngành tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông, xử lý những bất cập, bổ sung, hoàn thiện các thiếu sót trong tổ chức giao thông… Đặc biệt, ý thức của người dân, người tham gia giao thông được nâng lên rõ nét.
Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người dân, lan tỏa văn hoá giao thông tới mọi đối tượng, thành phần xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT được triển khai dưới nhiều hình thức; xây dựng và duy trì hoạt động hằng loạt mô hình bảo đảm ATGT ở các đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; ký cam kết chấp hành quy định về ATGT cho tất cả mọi người, từ cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp nhân dân… Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng và phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh các hành vi vi phạm trật tự ATGT”, đây là hoạt động thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, tăng cường “phạt nguội” gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, huy động sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự ATGT…

 

Từ 15- 3 đến hết tháng 11, toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về ATGT, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết, Kế hoạch về xây dựng “Tỉnh ATGT”, xây dựng “văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh-Kinh Bắc cho hơn 1,4 triệu lượt người; 100% người đang công tác, làm việc trong các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, trường học, khu phố, thôn, xóm, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, người nước ngoài...

Theo Trung tá Nguyễn Tuấn Hải, Đội trưởng Đội tuyên truyền, xử lý vi phạm về trật tự ATGT (Phòng CSGT, Công an tỉnh) thì song hành với công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng chú trọng hướng dẫn các kỹ năng giao thông an toàn, giúp người dân biết cách tự phòng vệ trước hiểm hoạ TNGT. Tổ chức các lớp học miễn phí về ATGT, trưng bày, triển lãm tranh, ảnh, chiếu phim lưu động về ATGT sâu rộng… Đặc biệt là việc quan tâm thực hiện có hiệu quả bộ Quy định tiêu chí bảo đảm trật tự ATGT trong đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng, xếp loại lao động; Quy chế văn hóa công sở, văn hóa giao thông và chuẩn mực đạo đức, ứng xử, giao tiếp của công chức, viên chức, người lao động; Bộ tiêu chí “ATGT” đối với gia đình, dòng họ, cơ sở tôn giáo… Những qui định này không những góp phần tích cực trong việc huy động các sở, ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên, LLVT, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động… nghiêm chỉnh chấp hành các qui định về bảo đảm ATGT mà còn là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả để lan tỏa những điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm ATGT của tỉnh.
Hưởng ứng chủ trương của tỉnh, mỗi người dân trong tỉnh cũng tích cực thực hiện và tham gia vào các hoạt động cụ thể. Anh Nguyễn Văn Dũng, khu phố Xuân Lê, phường Xuân Lâm (thị xã Thuận Thành) chia sẻ: “Chúng tôi luôn hiểu rằng, xây dựng “Tỉnh ATGT” không chỉ thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển mà còn vì sự an toàn của mỗi người dân. Bởi thế, khi được triển khai, mỗi người đều nêu cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm qui định mỗi khi ra đường; nhắc nhở con, cháu người thân thực hiện các cam kết bảo đảm ATGT, văn hóa giao thông với dòng họ, với các cấp, ngành, nhà trường; tích cực tham gia bảo đảm ATGT tại địa phương… góp phần cùng đẩy lùi TNGT, xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ”.   
Mô hình “Tỉnh ATGT” đưa lại nhiều đổi thay tích cực. Đi trên những cung đường rộng mở ở các huyện, thị xã, thành phố, qua những tỉnh lộ, Quốc lộ hay ngay ở mỗi xã, phường, thị trấn đều cảm nhận được sự văn minh, thông thoáng. Người và phương tiện tham gia giao thông nền nếp, đúng qui định; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, những điểm nóng, phức tạp về giao thông từng bước được quan tâm, xử lý triệt để; ý thức của người tham gia giao thông nâng lên rõ rệt. Những kết quả này tạo niềm tin, động lực để các cấp, ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi người dân tự hào và thêm quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết, Kế hoạch của tỉnh về xây dựng “Tỉnh ATGT”, xây dựng văn hóa giao thông đặc trưng của người Bắc Ninh-Kinh Bắc vì sự phát triển nhanh và bền vững của quê hương và vì an toàn, hạnh phúc của mỗi người dân. 

Lê Đại- Nguyên Đức

(Báo Bắc Ninh)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập