Vận dụng quan điểm của C.Mác về thể chế để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam
Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Ảnh: TTXVN.

1. Một số quan điểm của C.Mác về thể chế

Ngày nay, nhiều nhà kinh tế thể chế và sử kinh tế đã khẳng định rằng C.Mác chính là nhà kinh tế đầu tiên đã nghiên cứu sâu sắc về các thể chế kinh tế và coi C.Mác là nhà tiền bối của học thuyết kinh tế thể chế. Căn cứ của họ là những thành tựu khoa học của C.Mác về vai trò của lực lượng sản xuất và các nhân tố toàn diện hợp thành lực lượng sản xuất; về vai trò của quan hệ sản xuất, đặc biệt là của chế độ sở hữu và chế độ phân phối (tức là những thể chế kinh tế rất cơ bản); về quan hệ (lúc phù hợp, lúc mâu thuẫn) giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất; về môi trường tương tác giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng (tức là những thể chế chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội).

C.Mác là nhà thể chế đầu tiên, bởi vì, ông đã nói về những hình thức bắt buộc của hành vi, trong những hình thức bắt buộc ấy, các quá trình kinh tế được thể chế hóa, rõ ràng đó là lý luận về thể chế[1]. Đóng góp to lớn của của chủ nghĩa Mác vào lý luận kinh tế là lý luận về các hình thức sở hữu, nguyên tắc cưỡng chế kinh tế và chủ nghĩa duy vật lịch sử (lý luận về phương thức sản xuất).

Chủ nghĩa Mác cho rằng, việc phân chia tư liệu sản xuất chủ yếu và các nguồn lực kinh tế không bị điều tiết bởi các cơ chế tự nhiên, mà phụ thuộc vào việc, ai là người kiểm soát các tư liệu sản xuất chủ yếu, nghĩa là những nguồn lực ngày càng khan hiếm hơn, trong những thời kỳ nhất định. Trong xã hội nô lệ, các nguồn lực ấy là những người nô lệ. Dưới chế độ phong kiến, đó là đất đai. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, đó là tư bản được vật hóa. Ngày nay, các nguồn lực ấy là các nguồn thông tin và quan trọng là các nguồn tự nhiên (vì các nguồn tự nhiên ngày càng trở nên hạn chế).

Các nhà kinh tế cổ điển khẳng định rằng, vấn đề sở hữu là hoàn toàn không quan trọng, thí dụ, người ta sẽ gỡ bỏ những hạn chế phong kiến, thì trật tự tự nhiên sẽ được hình thành, sẽ xuất hiện chế độ cạnh tranh tự do, và trong chế độ này sẽ được phúc lợi xã hội tối đa. Những người mác-xít cho rằng, sẽ không đạt được điều đó, vì tư liệu sản xuất bị độc quyền hóa bởi các nhóm người nhất định, cân bằng sẽ là tối ưu lợi ích, không phải của xã hội, mà chỉ của những nhóm người đó thôi và coi đó chỉ là lý luận của giai cấp thống trị.

Kinh tế chính trị cổ điển (Adam Smith, David Ricardo, John Stuart Mill) coi cưỡng bức kinh tế là bình thường hay là nguyên tắc kinh tế tự nhiên, họ cho rằng thế giới không có sự cưỡng bức, mà chỉ có những hợp đồng thuần túy tự nguyện, còn nếu ai đó cưỡng bức con người đi làm việc, thì đó không phải là kinh tế. Chủ nghĩa Mác cho rằng, nếu nợ nần cưỡng bức con người làm việc thì đó chỉ là trò chơi tự do của các lực lượng thị trường. C.Mác lần đầu tiên nói về hiện tượng cưỡng bức kinh tế, coi đó là đặc điểm của chủ nghĩa tư bản. Trước ông, các nhà kinh tế chính trị đã xem xét “cưỡng bức” chỉ thuần túy là ép buộc bằng bạo lực (cưỡng bức bằng bạo lực thô bạo). Đối với C.Mác, các loại cưỡng bức đó trên thực tế chỉ là một, bởi vì chúng đều dẫn đến một kết quả là: một bộ phận yếu thế của xã hội không có quyền sử dụng các nguồn lực dự trữ phải đi làm việc vì lợi ích của bộ phận xã hội khác có quyền sử dụng các nguồn dự trữ ấy.

C.Mác nói rằng, không có trật tự kinh tế tự nhiên, rằng mỗi thời đại, mỗi trình độ của lực lượng sản xuất sinh ra một kiểu tối ưu hóa lợi ích của các quan hệ kinh tế, một kiểu cưỡng bức lao động của đa số vì lợi ích của thiểu số và một kiểu huy động các lợi ích kinh tế. Cho nên theo C.Mác, có phương thức sản xuất công xã nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cuối cùng là cộng sản chủ nghĩa.

2. Thực trạng xây dựng, phát triển và hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam

Những thành tựu

Nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN cũng ngày càng hoàn thiện và đầy đủ. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm đổi mới tư duy, chuẩn bị về tư tưởng và đường lối đổi mới thể chế kinh tế sao cho phù hợp với thực tiễn đất nước, đáp ứng nhu cầu thời đại.

Từ chỗ chủ yếu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, giờ đây chế độ sở hữu đã được đổi mới căn bản sang nhiều chế độ sở hữu, với nhiều thành phần kinh tế đan xen hỗn hợp, xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Hình thức phân phối đã được đa dạng hóa, bên cạnh hình thức phân phối dựa trên lao động còn xuất hiện hình thức phân phối theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Các loại thị trường đã được đa dạng và từng bước phát triển, trở nên thống nhất và hoạt động không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn mở rộng ra khu vực và thế giới. Hầu hết các loại giá hàng hóa, dịch vụ được xác lập theo cơ chế thị trường. Môi trường đầu tư và kinh doanh được chú trọng cải thiện, tạo điều kiện và đảm bảo quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Tăng trưởng và phát triển kinh tế đã từng bước gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, trong đó phát triển kinh tế được coi là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội.

Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế từng bước được đổi mới chức năng, nhiệm vụ sao cho phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Chức năng quản lý nhà nước về kinh tế của các cơ quan nhà nước, chức năng chủ sở hữu DNNN với chức năng kinh tế DNNN từng bước được tách bạch rõ. Nhà nước đã chuyển từ quản lý từng hoạt động nhỏ, lẻ của nền kinh tế sang quản lý tổng thể toàn bộ nền kinh tế quốc dân, chuyển từ can thiệp trực tiếp sang can thiệp gián tiếp thông qua hệ thống pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết khác.

Tính dân chủ và công khai ngày càng được đề cao. Sự tham gia của người dân, của các tổ chức xã hội vào quá trình hoạch định và thực thi các chính sách phát triển ngày càng được khuyến khích. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực phù hợp hơn với cơ chế thị trường.

Các cơ chế, chính sách đã chú trọng kết hợp giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội cho người dân tham gia và nhận được thành quả từ quá trình phát triển kinh tế.

Những hạn chế

Thể chế kinh tế hiện hành của Việt Nam vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Quá trình xây dựng và thực hiện thể chế KTTT định hướng XHCN Việt Nam diễn ra còn chậm, chưa đồng bộ. Khung lý luận về thể chế KTTT định hướng XHCN vẫn còn chưa cụ thể, chưa xác định rõ đặc trưng cơ bản của nền KTTT định hướng XHCN. Hệ thống pháp luật kinh tế chưa thực sự được đồng bộ, thiếu ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật. Một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, thậm chí là mâu thuẫn lẫn nhau, gây nhiều khó khăn trong quá trình thực thi luật pháp và quá trình vận hành của nền KTTT.

Hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, chưa thực sự bình đẳng trong việc tiếp cận một số nguồn lực xã hội giữa các chủ thể kinh tế. Chính sách tiền lương vẫn mang tính bình quân, chưa thật sự công bằng, chưa tạo điều kiện khuyến khích, thu hút và sử dụng nhân tài. Hệ thống thuế còn kém đồng bộ và thiếu ổn định, hiệu quả sử dụng tín dụng nhà nước chưa cao. Vấn đề quản lý, giám sát phân phối thu nhập ở những lĩnh vực kinh doanh độc quyền còn kém; cải cách hành chính còn chậm; môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ. Quyền sở hữu tài sản chưa được bảo đảm thực thi nghiêm minh.

Mặc dù đã có những tư duy đổi mới về chế độ sở hữu, song vấn đề sở hữu và phân phối trong các DNNN vẫn chưa được xử lý rõ ràng, gây cản trở và làm thất thoát tài sản nhà nước. Các công ty cổ phần sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước, tập thể và tư nhân chậm hình thành và phát triển. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước nhiều nước vẫn còn bị phân biệt đối xử. Vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong thực tế chưa được phát huy rõ nét. Việc sắp xếp, đổi mới các DNNN còn nhiều vướng mắc, năng suất và hiệu quả của các doanh nghiệp này cũng như của các đơn vị sự nghiệp công chưa tương ứng với lượng vốn bỏ ra. Kinh tế trang trại, kinh tế hộ còn gặp nhiều khó khăn trở ngại. Các đơn vị sự nghiệp công chậm được đổi mới, thiếu đội ngũ những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Các yếu tố thị trường và các loại thị trường phát triển còn rất chậm. Các thể chế về giá, về hợp đồng, về cạnh tranh và kiểm soát chưa hình thành đầy đủ. Hệ thống thị trường chưa được đồng bộ, cấu trúc thị trường chưa hoàn chỉnh, chưa kết nối hoàn toàn thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Quản lý nhà nước về giám sát và điều tiết thị trường chưa hoàn chỉnh, chưa phát huy được tính hiệu quả.

Thể chế bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội còn nhiều bất cập. Sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, các tầng lớp dân cư xuất hiện ngày càng rõ nét. Tỷ lệ các hộ nghèo và hộ cận nghèo còn ở mức cao, nguy cơ tái nghèo lớn. Hệ thống an sinh xã hội vẫn ở mức sơ khai, chưa được thiết lập đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của đông đảo tầng lớp nhân dân. Mức độ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp. Chất lượng y tế, giáo dục chưa cao. Nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội chưa được giải quyết tốt.

Hệ thống hành chính hoạt động chưa hiệu quả, gây không ít cản trở đối với sự phát triển năng lực sản xuất và huy động nguồn lực xã hội. Cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành bộ máy nhà nước còn nhiều dấu ấn của nền kinh tế cũ. Vai trò, chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế vẫn chưa được xác định rõ. Cải cách hành chính chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra ban đầu.

3. Giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam

Tiếp tục đổi mới tư duy thể chế và tư duy phát triển

Phải chuyển tư duy sang cơ chế thị trường trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, từ lĩnh vực sở hữu, lĩnh vực quản lý kinh tế của Nhà nước đến lĩnh vực phân phối.

Bên cạnh đó, cần phải thống nhất và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và của toàn thể nhân dân về mục tiêu, công cụ thực hiện KTTT. Theo đó, nền KTTT hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, khuyến khích mọi người dân làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống nhân dân.

Hoàn thiện khung pháp luật cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Cần phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật về sở hữu nhằm thể chế hóa đường lối phát triển KTTT với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Qua đó, cần làm rõ nội hàm cụ thể của sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước; xác định rõ ràng và đầy đủ các quyền của chủ sở hữu, quyền của người sử dụng.

Hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp với các cam kết quốc tế và lộ trình đã công bố.

Làm rõ giới hạn mà Nhà nước có thể can thiệp các biện pháp hành chính và hoạt động của doanh nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật đảm bảo cho sự đồng bộ giữa các thị trường yếu tố như thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường công nghệ,...

Chú trọng hoàn thiện pháp luật về tài chính công, xây dựng luật ngân sách nhà nước theo hướng công khai, minh bạch.

Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh tế thị trường

Thứ nhất, đối với chủ thể là Nhà nước

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính, khắc phục những chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa chính quyền các cấp, cũng như các cơ quan đồng cấp; Kiên quyết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ hai, đối với chủ thể là doanh nghiệp:

Đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp theo hướng nâng cao tính chủ động và tự chịu trách nhiệm; hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới DNNN; hoàn thiện cơ chế hỗ trợ, hoạt động và cạnh tranh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; mở rộng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường năng lực thị trường cho các chủ thể kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Thứ ba, đối với các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp:

Xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị -xã hội, nghề nghiệp; khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi pháp luật; bảo đảm vai trò giám sát, giám định xã hội và phản biện chính sách.

Hoàn thiện từng bước cơ chế thực thi thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN

Bảo đảm nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam được vận hành đầy đủ theo quy luật thị trường. Lấy lợi ích của toàn xã hội là mục tiêu cho việc hoạch định chính sách cạnh tranh; duy trì cơ chế cạnh tranh hiệu quả; bảo đảm mọi cá nhân và tổ chức đều được bình đẳng trước pháp luật; tiếp tục hoàn thiện khung luật pháp về cạnh tranh.

Hoàn thiện việc phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những nhiệm vụ Nhà nước cần làm và những việc không nhất thiết phải thực hiện, phân định rõ các công việc địa phương có toàn quyền quyết định và những việc phải tham vấn ý kiến của Trung ương hoặc phải thực hiện theo quyết định của Trung ương, cần nghiên cứu kỹ để thực hiện cơ chế phân cấp khác nhau cho các địa bàn khác nhau tùy theo điều kiện và năng lực các cấp.

Tăng cường khả năng phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc hoạch định, thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan quản lý nhà nước, cần phải có các quy định, chế tài nhằm bảo đảm nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm giải trình, có sự tham gia của cộng đồng, làm rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan và cá nhân...

Đẩy mạnh việc thu hút sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và vận hành thể chế KTTT. Tăng cường bồi dưỡng, giáo dục cho nhân dân về dân chủ và pháp luật, về nghĩa vụ, quyền hạn tham gia vào xây dựng và thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích sự tham gia của các chủ thể của nền kinh tế.

Quá trình đổi mới ở Việt Nam gắn liền với quá trình đổi mới thể chế kinh tế, là sự chuyển hóa từ thể chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang thể chế KTTT định hướng XHCN, đây là một mô hình hoàn toàn mới, chưa hề có tiền lệ cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn trong lịch sử nhân loại. Do đó, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, góp phần xây dựng một nền KTTT đầy đủ, hiện đại; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển KTTT định hướng XHCN.

                                                                                                                                               Nguồn:xaydungdang.org.vn

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập