Vấn đề an toàn thực phẩm từ vụ việc mì ăn liền Hảo Hảo

Ngày 20/8/2021, trên trang website của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền, trong đó có 2 sản phẩm nguồn gốc từ Việt Nam, gồm: Mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56g, hạn sử dụng đến 10/11/2022). Hai thương hiệu này do công ty Acecook Việt Nam sản xuất. Theo FSAI, một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa chất Ethylene oxide. Tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng FSAI lo ngại rằng, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide thường xuyên trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Đây là loại chấtkhông được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở Liên minh châu Âu (EU). Sự việc trên khiến dư luận băn khoăn, lo lắng về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm mì ăn liền đang bày bán ở trong nước.

Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), nhu cầu sử dụng mì ăn liền ở Việt Nam đang đứng thứ 3 trên thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019. Tính theo bình quân đầu người, Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới khi mỗi người dân tiêu thụ khoảng hơn 72 gói mì/năm, chỉ xếp sau Hàn Quốc[1]. Điều này cho thấy sự ưa thích của người Việt với loại sản phẩm này. Trong nhiều hãng mì ăn liền, mì gói Hảo Hảo nằm trong top 10 nhãn hiệu thực phẩm được người tiêu dùng bình chọn nhiều nhất. Hiện nay, mì gói Hảo Hảo cũng đã có mặt ở hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chính vì vậy, thông tin sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Acecook bị thu hồi tại Ireland do có chứa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm ngay lập tức tác động đến dư luận trong nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, sản phẩm của Việt Nam đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia, trong đó có cả những nước có yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Sự việc xảy ra đối với mì gói của Acecook tại Ireland khiến dư luận rất băn khoăn về việc quản lý tiêu chuẩn, chất lượng thực phẩm của Việt Nam. Ngườidân mong muốn, các cơ quan chức năng cần sớm bổ sung, hoàn thiện các quy định về chất lượng an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước, đồng thời đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của sản phẩm khi xuất khẩu đến các thị trường khác trên thế giới.

Các tầng lớp nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ khi giao Bộ Công Thương xác minh, làm rõ vấn đề; giao Bộ Y tế căn cứ quy định của Luật An toàn thực phẩm, khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất Ethylene oxide bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương rà soát, cập nhật và thông tin rộng rãi về yêu cầu, mức giới hạn các chất hạn chế sử dụng, chất cấm... trong sản phẩm thực phẩm phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu. Nhiều ý kiến đ nghị các cơ quan chức năng cần thông tin minh bạch về việc có hay không chất cấm Ethylene oxide trong các sản phẩm nói trên để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng các mặt hàng thực phẩm khô nói chung và mì ăn liền nói riêng.

Theo các chuyên gia, hiện nay ở Việt Nam, Ethylene oxide không nằm trong danh mục những chất được dùng trong sản xuất thực phẩm, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc được phép sử dụng, bởi thực tế có những chất không tốt cho sức khỏe nhưng trong danh mục quy định cũng chưa bao phủ hết. Nhiều nước trên thế giới cũng chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng chất này hoặc hàm lượng được phép sử dụng trong thực phẩm ở mỗi nước cũng rất khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng tiêu dùng cần tìm hiểu tiêu chuẩn, quy định của các nước để đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để rà soát, xem xét xây dựng quy định, đưa ra tiêu chuẩn giới hạn của các chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm đối với hàng sản xuất trong nước để đảm bảo an toàn về sức khỏe lâu dài cho người dân và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trong hội nhập thương mại quốc tế.

Từ vụ việc của công ty Acecook Việt Nam, công tác tuyên truyền trong thời gian tới cần chú ý một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền chính xác, khách quan vấn đề nêu trên đến các tầng lớp nhân dân để người dân có nhận thức, lựa chọn đúng đắn và không hoang mang khi sử dụng các mặt hàng thực phẩm khô, trong đó có sản phẩm mì ăn liền. Thông tin cần nhấn mạnh, hiện nay các cơ quan chức năng đang khẩn trương làm rõ vấn đề trên.

Hai là, đẩy mạnh việc tuyên truyền các giải pháp của cơ quan chức năng trong việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm tiêu dùng, trong đó có thực phẩm khô, nhằm đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người dân và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ba là, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc sản xuất thực phẩm an toàn, đáp ứng đúng yêu cầu đặt ra đối với sức khỏe người tiêu dùng, đề cao văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu, rộng.

                                               

    Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy



[1]Thống kê hiện nay có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam. Không chỉ có các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhiều thương hiệu quốc tế khác cũng đang thâm nhập vào thị trường nội địa Việt Nam. Điều này khiến các sản phẩm mì ăn liền ở thị trường Việt Nam rất đa dạng, phong phú, đem lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng cả về chủng loại và giá cả mặt hàng.

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập