Vai trò dẫn dắt trong phát triển vùng đồng bằng sông Hồng
Năm 2022, trải qua những biến động lớn, diễn biến phức tạp, khó dự báo của thế giới, nhưng vùng đồng bằng sông Hồng đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và môi trường, đặc biệt vai trò của 1 trong 2 đầu kinh tế cả nước tiếp tục được phát huy. Nằm trong vùng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gắn với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Ninh khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh và vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương, địa phương và các mối liên kết trong nội vùng, từng bước vượt qua thách thức vươn lên trở thành cực tăng trưởng quan trọng, bảo đảm vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế của vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.

 

 

Từ một tỉnh thuần nông khi mới tái lập, sau 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Bắc Ninh giai đoạn 2005-2021 đạt 13,9%/năm. Năm 2021, quy mô GRDP tăng lên 133,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,71% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng (4/11 tỉnh, thành phố). GRDP bình quân đầu người đạt 91,3 triệu đồng, gấp hơn 5 lần năm 2005 và gấp 1,76 lần cả nước… đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh chung của vùng và cả nước. Phát triển công nghiệp “là khâu đột phá”, trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Quy mô công nghiệp tăng nhanh (hình thành 16 khu công nghiệp tập trung và 33 cụm công nghiệp, diện tích 7.455 ha đã thu hút hút các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ vào Bắc Ninh, trong đó có nhiều tập đoàn thương hiệu toàn cầu như: Samsung, Canon, Goertek, Amkor…

 


Sau khi trải qua những biến động chưa từng có của đại dịch COVID, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022 tỉnh Bắc Ninh tiếp tục bận rộn với công việc sắp xếp tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh cũng như nhiều hoạt động xã hội khác để duy trì chuỗi cung ứng và gia tăng gia trị thương hiệu địa phương. Trong đó có nhiều điểm nhấn quan trọng, với nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước, thể hiện rõ vai trò là đầu tàu, liên kết và phát triển kinh tế trong vùng đồng bằng Sông Hồng.
Nhiều hoạt động giao lưu, xúc tiến đầu tư được triển khai trong năm. Hàng chục đoàn công tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến Bắc Ninh để tìm hiểu học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, đặc biệt là bàn thảo các giải pháp để tiến tới hợp tác đầu tư. Tại buổi lễ khánh thành nhà mày LS Electric mới tại KCN Yên Phong mở rộng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quốc Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Young Joo đánh giá: “Hàn Quốc là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và Bắc Ninh. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tăng nhanh trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư lên tới 14 tỷ USD. Trên nền tảng hợp tác kinh tế vững chắc giữa 2 quốc gia thời gian qua, thiết nghĩ cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể nâng tầm mối quan hệ hợp tác song phương Việt- Hàn. Hy vọng thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp của Hàn Quốc tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình mở rộng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng”.

 

Các dự án đầu tư linh kiện điện tử là động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng công nghiệp của toàn vùng đồng bằng sông Hồng.

 

Bày tỏ ấn tượng với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh đạt được trong thời gian qua, ông Chen Chien Cheng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TES Touch Embedded Solutions cho biết: TES là Công ty chuyên về giải pháp phần cảm ứng, công nghệ cao. Qua tìm hiểu tiềm năng, lợi thế của Bắc Ninh, Công ty mong muốn có cơ hội được hợp tác đầu tư vào tỉnh, nhằm dịch chuyển nhà máy sản xuất và phần D&R từ Ấn Độ về Việt Nam.

Sự phát triển công nghiệp của Bắc Ninh thu hút nhiều nhà đầu tư hạt nhân đã lan tỏa mạnh mẽ cho phát triển công nghiệp của cả vùng. Điển hình là Tập đoàn Samsung đặt trung tâm sản xuất tại KCN Yên Phong đã kéo theo hơn 100 doanh nghiệp vệ tinh tại các KCN trong và ngoài tỉnh như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…Các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Ninh liên kết sản xuất công nghiệp và liên kết dịch vụ vận tải với Hải Phòng, Quảng Ninh. Với các tỉnh thành tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Bắc Ninh mở rộng liên kết phát triển nông nghiệp và dịch vụ… Đóng góp phần lớn trong số 3,09% điểm tăng trưởng công nghiệp của cả nước là các dự án đầu tư linh kiện điển từ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng.
 Cùng với vị trí địa lý thuận lợi trong vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Ninh có hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng lan tỏa phát triển đến các địa phương lân cận, nhất là hệ thống giao thông kết nối (đường sắt, đường bộ, đường sông), gần sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng, 4 tuyến đường cao tốc đi qua tỉnh, góp phần đẩy mạnh kết nối, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô đi qua một số quận, huyện của Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, kỳ vọng tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực lan tỏa liên vùng. Bắc Ninh đã quy hoạch hành lang sáng tạo dựa trên nòng cốt là khu nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kết nối với hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu triển khai.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH tỉnh: Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng là vùng đất lịch sử lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, bằng những thành quả đã kiến tạo, còn thể hiện tốt vai trò dẫn dắt trong phát triển của cả vùng đồng bằng sông Hồng. Điều này được khẳng định từ những yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng. Đó là, cơ cấu kinh tế hiện đại dựa trên cụm ngành điện tử và đang chuyển nấc cao hơn (nhóm ngành này chiếm tỷ trọng lớn và có khả năng tăng trưởng cao); Tụ hội đô thị gia tăng dung lượng thị trường; Nguồn lực từ các dự án FDI lớn đầu tư mở rộng và khởi động những KCN rất đắc địa về vị trí không gian và cụm, ngành; Thực lực kinh tế đến từ đầu tư vào sản xuất kinh doanh hơn là dịch vụ tài chính, khả năng rủi ro trong bối cảnh biến động của thế giới tác động đến Bắc Ninh ít hơn; Tính trội và lợi thế trong liên kết vùng của tỉnh... Hình ảnh của địa phương được kết tinh bằng bản sắc văn hóa, sự tin cậy của các cấp lãnh đạo, sự hài hòa trong văn hóa ứng xử của nhân dân, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, quốc phòng an ninh được củng cố.
Với những yếu tố đó, Bắc Ninh tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò dẫn dắt  phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và ngày càng đóng góp quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Bước vào năm mới 2023, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng bị thách thức bởi sự cạnh tranh giữa các nước lớn, toàn vùng nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng sẽ đón nhận nhiều cơ hội, nhưng sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Song trên nền tảng thành quả được tôi luyện trong khó khăn, với vị trí chiến lược của mình, Bắc Ninh tiếp tục phát huy vai trò là địa bàn động lực, khai thác mọi tiềm năng trong nội vùng để tận dụng các cơ hội từ hội nhập, lan tỏa, kết nối với các địa phương trong vùng phát triển nhanh, mạnh khẳng định vị thế của một khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập