Ươm những mầm xanh
 Trong khi nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống chật vật, gian nan tìm lực lượng kế cận thì di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh khá lạc quan với nguồn lực trẻ dồi dào và vững vàng. Đó là bởi công tác nuôi dưỡng, ươm mầm thế hệ liền anh, liền chị tương lai luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, đặc biệt là tình yêu cùng ý thức trách nhiệm bồi đắp, trao truyền của các nghệ nhân, anh hai, chị hai ở hầu khắp làng Quan họ gốc và làng Quan họ thực hành. Bền bỉ từ năm này qua năm khác, thế hệ trước cần mẫn, tâm huyết truyền dạy, thế hệ sau trân trọng, say mê học hỏi tiếp nối làm cho di sản Quan họ phát triển ngày một thêm nở cành xanh ngọn.

Đó là bởi công tác nuôi dưỡng, ươm mầm thế hệ liền anh, liền chị tương lai luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, đặc biệt là tình yêu cùng ý thức trách nhiệm bồi đắp, trao truyền của các nghệ nhân, anh hai, chị hai ở hầu khắp làng Quan họ gốc và làng Quan họ thực hành. Bền bỉ từ năm này qua năm khác, thế hệ trước cần mẫn, tâm huyết truyền dạy, thế hệ sau trân trọng, say mê học hỏi tiếp nối làm cho di sản Quan họ phát triển ngày một thêm nở cành xanh ngọn.

Các thế hệ Quan họ làng Hoài Trung (Liên Bão, Tiên Du) giao lưu với hai Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng và Nguyễn Thị Bàn tại khu Diềm, (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).


Mùa hè 2023, hoạt động truyền dạy Quan họ, đặc biệt là các lớp Quan họ thanh thiếu nhi, Quan họ măng non được tổ chức sôi nổi ở hầu khắp các làng Quan họ gốc và nhiều làng Quan họ thực hành trong tỉnh. Tối thứ Ba ngày 25-7, chúng tôi đến Nhà văn hóa khu phố Yên Mẫn (phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh), trong hội trường có gần 40 em thiếu nhi đang say sưa luyện hát bài “Dâng Đảng ta câu ca Quan họ” được đặt lời mới theo làn điệu Quan họ “Trên rừng 36 thứ chim”. Điểm đặc biệt của lớp học là tỷ lệ nam nữ khá đồng đều. Yêu Quan họ từ nhỏ và có nhiều kinh nghiệm biểu diễn trên sân khấu, em Vũ Cẩm Ngân, 11 tuổi thổ lộ: “Em rất yêu Quan họ. Em thuộc nhiều làn điệu cả lời cổ và lời mới. Em được ông Dũng và bà Hậu trong CLB Quan họ uốn nắn từng cách lấy hơi, nhả chữ để câu hát được tròn vành rõ chữ, đúng điệu, đúng làn...”.
Luôn quan tâm phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng khu phố Yên Mẫn chia sẻ: Lớp Quan họ măng non khai giảng từ tháng 6 và duy trì trong suốt 3 tháng hè, thu hút khoảng 70-80 cháu tham gia với tỷ lệ nam nữ tương đương. Đây là hoạt động do CLB Quan họ và Đoàn Thanh niên khu phố phối hợp tổ chức từ năm 2010 đến nay. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến thệ hệ mầm non, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, địa điểm cho các cháu sinh hoạt, ngoài ra còn có một phần hỗ trợ nhỏ như nước, hoa quả, bánh kẹo để khuyến khích, động viên các cháu trong dịp hè. Đây là sân chơi bổ ích, ý nghĩa, giúp các cháu rời xa điện thoại, máy tính...
Quan họ là một “nghề chơi” công phu, ngoài thuộc làn điệu còn phải hiểu biết lề lối sinh hoạt, tinh tường văn hoá ứng xử, cốt cách của người Quan họ. Để hình thành được lớp liền anh liền chị kế cận mẫu mực thì việc truyền dạy Quan họ không thể một sớm một chiều mà luôn phải kiên trì theo lối “mưa dầm thấm lâu”. Mô hình này cũng được CLB Quan họ Hoài Trung bền bỉ thực hiện từ năm 2011 đến nay. Anh hai Dương Đức Thắng, Phó Chủ nhiệm CLB Quan họ Hoài Trung (Liên Bão, Tiên Du) bộc bạch: “Cách đây 40 năm, cả làng Hoài Trung có mình tôi là em bé biết hát Quan họ. Thế nhưng bây giờ, hầu như các cháu trong làng đều thích nghe và biết hát Quan họ”.
Ban đầu, lớp Quan họ măng non ở Hoài Trung chỉ khoảng 4-6 em, sau tăng dần và duy trì thường xuyên từ 15 đến 20 em. Đặc biệt, mùa hè năm nay có hơn 50 cháu từ 5 đến 15 tuổi tham gia sinh hoạt đều đặn vào thứ Bảy hàng tuần. Ngoài uốn câu, bẻ giọng, hướng dẫn các cháu nắm bắt được kỹ thuật hát những làn điệu Quan họ lời cổ, lời mới, các anh hai, chị hai còn đặc biệt quan tâm, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của người Quan họ. Liền anh, liền chị nhí được dạy bảo về lòng biết ơn, kính trọng ông bà, bố mẹ trong gia đình, được trau dồi, luyện tập cách đi đứng, nói năng, thưa gửi lễ phép với mọi người xung quanh... Bên cạnh đó, lớp Quan họ măng non Hoài Trung còn tổ chức phong phú hoạt động ngoại khóa như: Tham quan làng Diềm, đền Vua Bà - Thủy tổ Quan họ, gặp gỡ hai Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng và Nguyễn Thị Bàn; cho liền anh, liền chị nhí trải nghiệm, tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử quê hương tại Bảo tàng Bắc Ninh và Thư viện tỉnh và giao lưu với một số CLB Quan họ măng non trong tỉnh...
Truyền dạy, bồi dưỡng thế hệ trẻ không những diễn ra sôi nổi ở các làng Quan họ gốc mà còn được nhiều địa phương và các làng Quan họ thực hành trong tỉnh quan tâm. Mới đây, lớp bồi dưỡng bảo tồn nghệ thuật Dân ca Quan họ tại Trung tâm Văn hóa Luy Lâu thu hút gần 50 thanh thiếu niên ở các xã, phường trên địa bàn thị xã Thuận Thành tham gia. Bà Hoàng Thị Thơm, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thị xã Thuận Thành cho biết: Hoạt động này nằm trong chương trình kế hoạch hàng năm của Trung tâm nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, ý nghĩa cho thanh thiếu nhi sinh hoạt dịp hè. Trong khoảng 15 ngày học tập, các cháu được nghệ sĩ chuyên nghiệp bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ thuật ca hát, cách thức biểu diễn Quan họ. Qua đó khơi dậy tình yêu di sản trong thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy mạch nguồn văn hóa truyền thống quê hương.   
Quá trình đào tạo thế hệ kế cận của loại hình di sản văn hóa Quan họ là bài học kinh nghiệm, là mô hình thiết thực cho nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác tham khảo để “san lấp” khoảng trống kế cận. Thực tế cho thấy, sự quan tâm của chính quyền các cấp, ngành và địa phương cùng cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ xứng đáng sẽ thu hút được giới trẻ.
Bây giờ, sứ mệnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh đang được trao truyền cho những mầm xanh Quan họ kế tục. Các cấp, ngành chức năng, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cần có chiến lược lâu dài, mở thêm nhiều lớp truyền dạy nâng cao; tổ chức phong phú hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn Quan họ dành cho lứa tuổi thanh thiếu nhi để tìm kiếm, phát hiện tài năng và kịp thời quan tâm bồi dưỡng, đào tạo hạt nhân làm lực lượng kế cận nòng cốt để mạch nguồn, bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc chảy mãi không bao giờ vơi cạn.

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập