Kế hoạch năm 2023 tỉnh sẽ trồng 300.000 cây phân tán; trồng, chăm sóc, bảo vệ hơn 500 ha rừng. Ngay trong Tết trồng cây đầu xuân, các địa phương phấn đấu trồng khoảng hơn 500 cây xanh các loại. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Riêng trong năm 2022, toàn tỉnh trồng 369.842 cây các loại đạt 130,83% kế hoạch năm, bằng 118,94% cùng kỳ năm 2021 và tăng 2,3 lần so với năm 2020, tổng kinh phí huy động khoảng 7,11 tỷ đồng, gồm ngân sách nhà nước 2,16 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa 4,47 tỷ đồng; nguồn khác 0,48 tỷ đồng.
Cây xanh, lá phổi của sự sống.
Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 17-6-2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh sẽ trồng 1,5 triệu cây phân tán các loại. Đồng thời quy định cụ thể về cây xanh sử dụng công cộng; chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát quỹ đất trồng cây theo địa bàn quản lý, trên cơ sở các quy định, quy trình kỹ thuật trồng cây xanh trong các khu vực đô thị và nông thôn, nhằm xây dựng kế hoạch trồng cây xanh sát thực tế. Chủ động chuẩn bị vốn, vật tư, cây giống, bảo đảm hoàn thành kế hoạch trồng cây phân tán hàng năm và cả giai đoạn của từng địa phương, đơn vị trong tỉnh. Tăng cường huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh; kết hợp thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư công theo đúng quy định. Chương trình, dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng KCN, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây xanh; nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái rừng, phát huy được vai trò của rừng và cây xanh đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, thực sự là lá phổi xanh của cuộc sống.
Phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phong trào trồng cây đầu xuân do Bác Hồ khởi xướng đã khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường sống xanh, cải thiện hệ sinh thái của cộng đồng dân cư trước bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng do tốc độ phát triển kinh tế- xã hội mạnh mẽ hiện nay. Với phương châm trồng cây thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức, trồng đến đâu chắc đến đó, chăm sóc tốt các cây đã trồng, ngành Nông nghiệp giao chỉ tiêu, kế hoạch trồng cây xanh cụ thể đến từng huyện, thành phố và các sở, ngành, đơn vị tổ chức thực hiện. Trồng cây đúng thời vụ; lựa chọn loài cây trong phù hợp với địa điểm trồng, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội và cảnh quan môi trường sinh thái. Sau khi trồng, công tác chăm sóc, bảo vệ phải đuợc quan tâm và gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân, để phong trào trồng cây xanh thực sự đi vào chiều sâu, không thể thiếu trong chiến lược phát triển chung của tỉnh.
Nguồn:baobacninh.com.vn