Ứng phó linh hoạt với đại dịch, bảo đảm công tác chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho nhân dân
Vừa chống dịch, vừa duy trì các hoạt động chuyên môn là nhiệm vụ
“kép” mà ngành Y tế Bắc Ninh đã thực hiện trong thời gian qua và sẽ tiếp tục
triển khai trong giai đoạn tới đây. Một trong những điểm nhấn quan trọng về mục
tiêu trọng tâm năm 2022 của ngành Y tế Bắc Ninh là kịp thời điều chỉnh các giải
pháp, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, bảo đảm công tác chăm sóc sức khoẻ
toàn diện cho nhân dân. Phóng viên Báo Bắc Ninh có cuộc trao đổi với Tiến sĩ,
bác sĩ CKII Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế về nội dung này.
Phóng viên: Cùng với cả nước, Bắc Ninh đã trải qua
hơn 2 năm chống đại dịch COVID-19 với những đợt dịch có tính chất, quy mô khác
nhau. Bà có thể khái quát lại chặng đường chống dịch vừa qua?
Bác sĩ Tô Thị Mai Hoa: Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải
qua 4 đợt bùng phát dịch COVID-19, quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi
đợt đều có xu hướng phức tạp hơn, Bắc Ninh với đặc thù là địa phương có sự giao
lưu, giao thương rộng rãi cũng không ngoại lệ.
Bắc Ninh là địa phương bị ảnh hưởng bởi cả 2 đợt dịch năm 2021, trong đó, đợt
dịch với những ca bệnh đầu tiên liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
T.Ư được ghi nhận sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm 2021 là đợt dịch phức tạp nhất,
kéo dài đến nay và công tác ứng phó đòi hỏi linh hoạt, thay đổi liên tục.
Trong giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4, Bắc Ninh trở thành một trong những tâm
dịch nóng bỏng nhất của cả nước, và có thể nói, trong hai tháng 5 và 6-2021 là
thời gian chống dịch căng thẳng nhất của tỉnh nói chung và ngành Y tế Bắc Ninh
nói riêng, song với việc kiên định nguyên tắc “Ngăn chặn - phát hiện - cách ly
- khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả” đã giúp Bắc Ninh cơ bản khống
chế được dịch bệnh vào cuối tháng 6-2021.
Bệnh viện Sản - Nhi Bắc
Ninh triển khai thêm nhiều kỹ thuật trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.
Cũng trong giai đoạn
này, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh,
Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế xây dựng các
nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng; xây dựng Hướng
dẫn thí điểm cho doanh nghiệp hoạt động theo mô hình vừa sản xuất vừa lưu trú;
công tác điều trị, xét nghiệm, cách ly; xây dựng Tiêu chí đối tượng tiêm vắc
xin phòng COVID-19 đối với cơ sở sản xuất kinh doanh/doanh nghiệp tại các khu
công nghiệp, cụm công nghiệp…
Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia,
dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; trong khi đó,
có thể xuất hiện các chủng vi - rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến
phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin, có thuốc điều trị giúp
giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay
đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang chung sống an
toàn với dịch bệnh.
Từ giữa tháng 10-2021, thực hiện Nghị quyết số 128/NC-CP của Chính phủ về Quy
định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;
các hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế của Bộ Y tế, ngành tiếp tục tham mưu
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ
đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128. Việc chuyển mục tiêu từ “zero COVID”
sang thích ứng linh hoạt để thích nghi lâu dài với đại dịch cũng yêu cầu ngành
Y tế cần có sự chuẩn bị ứng phó khác biệt so với trước đây.
Phóng viên: Vậy bà đánh giá như thế nào về khả năng ứng
phó của ngành Y tế tỉnh nhà qua từng chặng đó?
Bác sĩ Tô Thị Mai Hoa: Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch
COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND,
UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính
trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách
nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu.
Để phòng, chống dịch có hiệu quả, ngành Y tế Bắc Ninh thường xuyên cập nhật,
điều chỉnh kịp thời biện pháp chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế ở từng giai
đoạn. Do đặc thù của địa phương có sự giao lưu, giao thương rộng rãi, ở giai
đoạn nào, tỉnh Bắc Ninh cũng có ca nhiễm, có giai đoạn trở thành tâm dịch của
cả nước, song với những nỗ lực không mệt mỏi, dịch bệnh trên địa bàn từng bước
được kiểm soát và sức khỏe, tính mạng của nhân dân được bảo vệ tốt nhất nhờ
thực hiện đồng bộ và quyết liệt hệ thống các giải pháp khoa học, phù hợp với
tình hình thực tiễn. Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần để các cấp, ngành,
địa phương hoàn thành tốt “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an
sinh xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch đồng thời xác lập và vận hành trạng
thái bình thường mới cho các hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn tỉnh.
Từ tháng 7-2021, ngành Y
tế đã triển khai hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm test nhanh
SARS-CoV-2 tại nhà và đã phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn
biến phức tạp như hiện nay.
Năng lực giám sát phòng, chống dịch liên tục được rèn luyện, thử thách và nâng
cao qua mỗi đợt dịch. Nếu như đầu năm 2020, tất cả mẫu bệnh phẩm đều phải gửi
ra T.Ư xét nghiệm thì Bắc Ninh đã nhanh chóng triển khai tốt công tác xét
nghiệm tại chỗ, đến nay, hệ thống y tế công lập đã đạt công suất khoảng 2.500 mẫu
đơn một ngày và có thể huy động nâng công suất trong trường hợp cần thiết lên
5.500 mẫu đơn một ngày với sự tham gia vào cuộc của hệ thống y tế tư nhân trên
địa bàn. Cán bộ, nhân viên y tế toàn ngành từ tỉnh đến cơ sở đều thuần thục
việc lấy mẫu, tiêm vắc-xin phòng COVID-19 với khả năng chịu được áp lực cao.
Ngành Y tế cũng tự tin đủ năng lực chủ động phát hiện sớm, khoanh vùng xử trí
kịp thời không để dịch bệnh bùng phát, sẵn sàng ứng phó với diễn biến nhanh và
bất thường của dịch bệnh COVID-19.
Song song đó, công tác điều trị COVID-19 được chú trọng, liên tục cập nhật,
điều chỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi chuyển hướng linh hoạt, để chủ động
ứng phó với nhiều kịch bản tình huống có thể xảy ra, ngoài việc phân tầng điều
trị, ngành triển khai các trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc F0 tại nhà; đầu tư
nâng cao năng lực cung cấp ô xy y tế, năng lực hồi sức cấp cứu cho các bệnh
viện, trung tâm y tế…
Phóng viên: Vậy những giải pháp nào được ngành Y tế Bắc Ninh
tiếp tục ưu tiên tập trung trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và
mối lo ngại có thể sẽ xuất hiện thêm các biến chủng mới?
Bác sĩ Tô Thị Mai Hoa: Triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải
pháp thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là nhiệm vụ hàng đầu
mà ngành Y tế Bắc Ninh đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tập trung vào
3 nhóm giải pháp, gồm: Tiếp tục nâng cao năng lực giám sát dịch ở các cấp, nhất
là ở cơ sở; nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc
COVID-19, tập trung bảo vệ người dân thuộc nhóm nguy cơ và các giải pháp hạn
chế người nhiễm trở nặng và tử vong; thực hiện việc bao phủ vắc-xin nhanh nhất,
nhiều nhất, phối hợp cùng các lực lượng chức năng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà
từng người, không bỏ sót người chưa được tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Phóng viên: Vừa chống dịch, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ
thường xuyên, vậy những giải pháp chuyên môn và phụ trợ thì sao, thưa bà?
Bác sĩ Tô Thị Mai Hoa: Ưu tiên công tác phòng, chống dịch không có nghĩa
ngành Y tế bỏ quên những nhiệm vụ khác. Với việc triển khai thực hiện mục tiêu
kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa bảo đảm các hoạt động bình
thường về khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số… ngành chỉ đạo các đơn vị chủ
động thích ứng hơn nữa với dịch bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh kể cả công lập
và ngoài công lập khôi phục các hoạt động khám, chữa bệnh, thực hiện tái cấu
trúc đơn vị, bảo đảm điều trị cho người bệnh COVID-19 và không COVID-19, nâng
cao năng lực cấp cứu, điều trị tích cực, kiểm soát nhiễm khuẩn. Song song với
đó, xác định mô hình bệnh tật trong thời kỳ COVID-19 và hậu COVID-19, cung ứng
các dịch vụ tương ứng, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Tiếp tục
triển khai có hiệu quả hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh,
Bệnh viện Sản - Nhi và các đơn vị trong ngành, góp phần kết nối ngành Y tế với
người dân gần hơn nữa, mỗi đơn vị, mỗi cán bộ trong ngành phải thực sự coi
người dân là khách hàng, là trung tâm để hoạt động và phục vụ.
Đối với y tế cơ sở, các trạm y tế tiếp tục chuyển đổi mô hình hoạt động theo nguyên
lý y học gia đình, thực hiện mô hình trạm y tế điểm theo Quyết định 368 của
UBND tỉnh, nâng tỷ lệ quản lý, điều trị, chăm sóc người mắc các bệnh mạn tính
tại trạm y tế. Đề xuất với các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm đầu tư cho
trạm y tế đặc biệt là tăng thêm nhân lực cho trạm y tế cấp xã để đáp ứng tốt
yêu cầu nhiệm vụ là tuyến đầu - tuyến gần dân nhất của hệ thống y tế, là cánh
tay nối dài của ngành y tế với người dân.
Ngành Y tế cũng sẽ tiếp tục phát triển nguồn nhân lực y tế bằng nhiều giải pháp
như: Tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, quản lý, sử dụng; phát triển nguồn nhân
lực chuyên khoa tại các bệnh viện, thu hút nguồn nhân lực đối với các vị trí
việc làm khó tuyển dụng; xây dựng, trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chính sách
khuyến khích, ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành y tế…
Chủ động bảo đảm hậu cần cho các hoạt động của các đơn vị trong ngành, nâng cao
năng lực dự trù, cung ứng, quản lý, sử dụng thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm,
trang thiết bị y tế.
Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong ngành Y tế, cập nhật hồ sơ sức khỏe điện
tử của từng người trên địa bàn sau những tháng gián đoạn vì COVID-19, từ đó xây
dựng dữ liệu lớn về tình hình sức khỏe của người dân…
Nguồn:baobacninh.com.vn