Cán bộ Trung tâm HCC huyện Tiên Du hướng dẫn cách tạo tài khoản dịch vụ công cho người dân.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; tập trung xây dựng chính quyền điện tử từ tỉnh đến cơ sở dần chuyển sang chính quyền số. Do vậy, công tác ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh đạt được nhiều kết quả toàn diện, góp phần phát triển trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội đặc biệt là trong cải cách hành chính (CCHC). Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được kết nối, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công các Bộ, ngành và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm (BHXH Việt Nam); Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (Bộ Tư pháp)… Hệ thống được vận hành tại trung tâm dữ liệu của tỉnh, đáp ứng tiêu chí của hệ thống thông tin cấp độ 3, bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình hoạt động. Trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh hiện cung cấp 1.790 dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/06/2022 của Chính phủ, qua đó tạo điều kiện, phục vụ người dân và doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến thuận lợi nhanh chóng.
Những nỗ lực trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào CCHC góp phần bảo đảm sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Thời gian qua, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc và ký số văn bản điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ DVC trực tuyến toàn trình trên hệ thống của tỉnh là 35,52% và trên Cổng dịch vụ công Quốc gia là hơn 36%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn tỉnh là 38,87%, trong đó: tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cấp tỉnh là 58,01%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cấp huyện (bao gồm cả cấp xã) là 30,42%; tổng số PAKN được tiếp nhận trên thiết bị di động là 2.137, tổng số PAKN đã xử lý là 1.963, đạt 91,9%. Bắc Ninh hiện xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng DVC quốc gia; xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2022; Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỉ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%.
Việc ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh đã có những đột phá mới, tạo chuyển biến lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; thay đổi phong cách, lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên; góp phần xây dựng nền hành chính công thực sự minh bạch, hiệu quả; cách thức tiếp cận, giao dịch giữa tổ chức, người dân và chính quyền cũng đã được chuyển từ phương thức truyền thống sang các phương thức hiện đại. Việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC được công khai, minh bạch hóa quá trình xử lý hồ sơ TTHC của người dân và doanh nghiệp, giúp lãnh đạo các cấp có thể theo dõi, kiểm tra, giám sát và đồn dốc đến từng phòng ban, bộ phận và cán bộ, công chức, viên chức trong việc xử lý hồ sơ TTHC, cũng như cho phép người dân có thể tra cứu thông tin, kết quả giải quyết TTHC. CNTT đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực của tỉnh phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh.
Để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin TTHC, cải thiện tình hình và tăng cường tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tỉnh tiếp tục ban hành một số văn bản bảo đảm môi trường pháp lý để thúc đẩy việc triển khai ứng dụng CNTT; các sở ban, ngành cần sớm ban hành các quy trình điện tử tương ứng với các thủ tục hành chính (trước mắt cần hoàn thành ngay với 100 thủ tục hành chính phát sinh nhiều hồ sơ nhất), tối ưu hóa biểu mẫu điện tử giúp người dân, doanh nghiệp nộp các tờ khai, hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai ký số từ xa, phát hành biên lai điện tử, chứng thực bản sao điện tử, số hóa hồ sơ tài liệu, tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin đồng bộ, hiện đại; thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 5; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về tham gia các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, nhất là trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào tiếp nhận, giải quyết TTHC cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một của các cấp.