Để triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…các cấp, ngành trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), sử dụng dịch vụ công…
Công dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Phú Lâm, huyện Tiên Du.
Đặc biệt liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết TTHC, giao dịch dân sự khi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng từ ngày 1-1-2023, bám sát hướng dẫn của Bộ Công an, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, sử dụng phù hợp, hiệu quả 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế việc yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi giải quyết các TTHC như: Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ Căn cước công dân có gắn chíp; người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sử dụng ứng dụng VNeID; sử dụng thông báo số định danh cá nhân…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gửi tin nhắn đến các thuê bao di động để người dân hiểu, nắm được 7 phương thức trên khi tham gia giải quyết các TTHC, cung cấp dịch vụ công; in tờ rơi và cấp phát đến từng gia đình trên địa bàn tỉnh nắm được và thực hiện; niêm yết hướng dẫn các phương thức tại trụ sở tiếp công dân; các địa phương xây dựng, đưa vào hoạt động mô hình dịch vụ công trực tuyến; thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đến địa bàn thôn, khu phố; thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát việc triển khai các quy định của Nghị định 104 về việc sử dụng các phương thức khai thác thông tin công dân thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sau ngày 31-12-2022… Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong giải quyết các TTHC, cũng như trong các giao dịch dân sự, sử dụng dịch vụ công.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án 06, dịch vụ công trực tuyến, triển khai các thủ tục liên quan đến thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú còn những vướng mắc, bất cập như: Trình độ công nghệ thông tin của nhiều người dân còn hạn chế và chưa có thói quen sử dụng giấy tờ điện tử; một số cơ quan nhà nước chưa sẵn sàng tiếp nhận giấy tờ điện tử do quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý cấp trên; việc kết nối, khai thác, cập nhật, chia sẻ thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn bấp cập, một số trường hợp thông tin chưa đầy đủ, chưa trùng khớp; một số thủ tục về hộ tịch như đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký lại khai sinh…khi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng gặp khó khăn trong việc xác định mối quan hệ nhân thân, xác định quá trình cư trú (nơi thường trú) trước đây, xác định mối quan hệ trong gia đình; việc xác nhận tình trạng hôn nhân khó khăn đối với các trường hợp công dân ở nơi khác mới chuyển khẩu đến xin đăng ký khai sinh cho con là mẹ đơn thân cần xin xác nhận tình trạng hôn nhân nơi cũ, do đó nếu không có xác nhận nơi cư trú sẽ không có căn cứ để lập hồ sơ…
Đây cũng là các vấn đề được tỉnh tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương để xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Từ đó nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, nhất là việc sử dụng các phương thức khi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các TTHC liên quan.