Không thể kể hết những cách làm hay, hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT thời gian qua. Những nỗ lực, cách làm ấy đã tạo sự đồng thuận trong dư luận, cộng hưởng thành sức mạnh từng bước thay đổi nhận thức của mỗi người dân. Đây chính là tiền đề, động lực quan trọng để các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và mỗi người dân tiếp tục kiên định mục tiêu, giữ vững thành quả đạt được trong xây dựng “Tỉnh ATGT”.
Lực lượng cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh) tuyên truyền, ký cam kết chấp hành quy định giao thông đường thủy nội địa với chủ tàu, thuyền chở khách ngang sông.
Sau 3 tháng triển khai Nghị quyết số 87 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 71 của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh ATGT”, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Mô hình “Tỉnh ATGT” đang đi đúng hướng, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, người dân quan tâm, vào cuộc thực hiện. Nhiều nhiệm vụ về xây dựng “Tỉnh ATGT” được triển khai từ sớm, ngay khi Nghị quyết mới được ban hành nên đạt hiệu quả tích cực. Đặc biệt, công tác tuyên tuyền được quan tâm đẩy mạnh, tạo được sự đồng thuận dư luận, lan tỏa tích cực đến các tầng lớp nhân dân, tạo ra khí thế, hiệu ứng mạnh mẽ, sự vào cuộc chủ động, tích cực ở tất cả các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
Có dịp đến các huyện, thị xã, thành phố nhận thấy có nhiều thay đổi trong trật tự đô thị, trật tự công cộng và ý thức chấp hành qui định về ATGT của người dân. Những điểm phức tạp về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng ven các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trước đây đã được giải tỏa, sắp xếp hợp lý. Trong các khu vực nội thị của thành phố Bắc Ninh và các thành phố, thị xã đã không còn tình trạng ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè làm nơi bán hàng, lòng đường làm nơi đậu xe của khách. Các biển hiệu, biển quảng cáo, lều, bạt… vi phạm hành lang ATGT, mất mỹ quan đô thị cơ bản được dỡ bỏ. Nhiều điểm bất cập, phức tạp về ATGT được xử lý kịp thời nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc và TNGT. Tình trạng người điểu kiển phương tiện giao thông vi phạm qui định đã giảm rõ rệt… Thành quả ấy đến từ sự quyết tâm cao độ của các cấp, các ngành trong triển khai xây dựng “Tỉnh ATGT” và ý thức tự giác của mỗi người dân trong tỉnh.
Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh thì sau 3 tháng triển khai Nghị quyết số 87, TNGT trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh khắc phục, giải quyết 2 điểm đen, 19 điểm tiềm ẩn về nguy cơ mất ATGT. Lực lượng Công an các cấp đã tiến hành xử phạt hành chính đối với hơn 11 nghìn trường hợp vi phạm… Qua quá trình triển khai, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao trong dư luận và chuyển biến rõ nét về nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông, qua đó góp phần quan trọng bảo đảm trật tự ATGT và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mỗi địa phương.
Chủ tịch UBND phường Phố Mới (thị xã Quế Võ) Nguyễn Duy Cảnh cho biết: “Là địa phương có các tuyến QL 18 và TL 279 chạy qua, trên địa bàn cũng có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân, có chợ trung tâm và nhiều hộ dân buôn bán, dịch vụ, bởi vậy khi triển khai thực hiện xây dựng “Tỉnh ATGT”, Đảng ủy, HĐND, UBND phường chỉ đạo các ngành, đoàn thể, khu phố thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Qua công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về Nghị quyết xây dựng “Tỉnh ATGT”, về vấn đề bảo đảm trật ATGT, trật tự công cộng, trật tự đô thị đã được nâng lên rõ rệt. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng được dẹp bỏ. Đường thông, hè thoáng, giao thông thuận lợi không chỉ góp phần tích cực vào sự phát trển kinh tế- xã hội, xây dựng phường Phố Mới ngày càng văn minh, phát triển mà còn giúp mỗi người dân yên tâm hơn khi tham gia giao thông”.
Thành quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết 87 về xây dựng “Tỉnh ATGT” đưa lại là rất rõ rệt, thế nhưng để giữ vững thành quả ấy, các cấp, ngành cần tiếp tục kiên định mục tiêu, triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm vẫn là công tác thông tin tuyên truyền để hình thành văn hóa giao thông của người dân Bắc Ninh- Kinh Bắc. Điều này đã được đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chỉ đạo rõ tại hội nghị sơ kết 3 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 87. Theo đó, thời gian tới các cấp, ngành cần tập trung đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả 8 nhóm giải pháp về xây dựng “Tỉnh ATGT”. Trọng tâm là các cơ quan Đảng, người đứng đầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, MTTQ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới” và Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới” nhằm nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT, tiếp tục giảm TNGT và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông. Phải xác định bảo đảm trật tự ATGT vừa là mục tiêu, vừa là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần và trách nhiệm gương mẫu, không can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông. Cán bộ giữ vị trí càng cao càng phải gương mẫu, có như vậy mới có thêm động lực, tạo thêm thuận lợi cho việc xây dựng thành công “Tỉnh ATGT” gắn với văn hóa giao thông của người Bắc Ninh - Kinh Bắc…
Qua thực tế triển khai công tác tuyên truyền, nhiều kinh nghiệm cũng đã được rút ra để làm tốt hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới. Đó là cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo ra chiến dịch tuyên truyền cao điểm từng bước thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành đối với vấn đề bảo đảm ATGT; nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm trật tự ATGT, trật tự công cộng, trật tự đô thị trong toàn dân. Trong triển khai nhiệm vụ tuyên truyền cần thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, trong từng thời điểm để đưa lại hiệu quả tích cực. Song song tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về ATGT, quán triệt, phổ biến các Nghị quyết, Kế hoạch về xây dựng “Tỉnh ATGT” cần tuyên truyền những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, kinh nghiệm hiệu quả từ thực tiễn cơ sở để nhân rộng, đồng thời phê phán những hành vi gây cản trở giao thông, can thiệp vào việc tuần tra, xử lý của lực lượng chức năng; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để tạo sức răn đe. Quá trình triển khai tuyên truyền kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc nảy sinh để các cấp, các ngành điều chỉnh cho phù hợp…
Các cấp, ngành, đơn vị chức năng cũng như các địa phương cần tiếp tục duy trì chiến dịch truyền thông sâu rộng và dài hơi, đa dạng, đổi mới các thức tuyên truyền sao cho phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng trong xã hội. Ngoài việc đẩy mạnh giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, các cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng hướng dẫn các kỹ năng giao thông an toàn, giúp người dân biết cách tự phòng vệ trước hiểm hoạ TNGT. Tổ chức các lớp học miễn phí về ATGT, trưng bày hoặc triển lãm tranh, ảnh, chiếu phim lưu động về ATGT đến từng cơ sở… Đặc biệt là việc quan tâm thực hiện có hiệu quả bộ Quy định tiêu chí bảo đảm trật tự ATGT trong đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng, xếp loại lao động; Quy chế văn hóa công sở, văn hóa giao thông và chuẩn mực đạo đức, ứng xử, giao tiếp của công chức, viên chức, người lao động; Bộ tiêu chí “ATGT” đối với gia đình, dòng họ, cơ sở tôn giáo… Những qui định này không những góp phần tích cực trong việc huy động các sở, ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên, LLVT, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động… nghiêm chỉnh chấp hành các qui định về bảo đảm ATGT mà còn là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả để lan tỏa những điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm ATGT của tỉnh.
Giao thông Bắc Ninh đang từng ngày phát triển, những cung đường to đẹp, đồng bộ nối dài từ thành thị đến mỗi làng quê đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Song, đi liền với sự phát triển ấy phải là sự an toàn, văn minh. Bởi vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong triển khai xây dựng “Tỉnh ATGT” thì mỗi người dân cũng cần tự giác chấp hành nghiêm các qui định, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông vì hạnh phúc, sức khỏe của chính mình và vì sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
Nguồn:baobacninh.com.vn