Tuyên truyền ATGT - Những cách làm sáng tạo, hiệu quả

Đổi mới về nội dung, đa dạng về cách thức tiếp cận, truyền tải đã và đang được các cấp, ngành, đơn vị chức năng triển khai có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đến mọi người dân. Việc làm này nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của toàn xã hội, bởi không chỉ giúp nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong việc chấp hành, thực hiện nghiêm pháp luật về trật tự ATGT mà còn giúp dần định hình văn hóa giao thông mang đặc trưng của người Bắc Ninh- Kinh Bắc như mục tiêu Nghị quyết 87 đề ra.

Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho thanh thiếu niên, phật tử tại chùa Kim Ngưu (xã Phật Tích, Tiên Du).

 

Việc khảo sát nhận thức, nhu cầu tuyên truyền là một trong những sáng tạo trong công tác tuyên truyền đưa lại hiệu quả tích cực. Triển khai nhiệm vụ này, các cấp, các ngành hữu quan đã tập trung khảo sát với từng đối tượng, địa bàn đặc thù, nhất là tổ chức, doanh nghiệp, KCN, cụm công nghiệp, làng nghề, trường học, các dòng họ, tôn giáo, các tuyến, địa bàn thường xuyên vi phạm, xảy ra TNGT để từ đó xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp, hiệu quả.
Xác định đúng đối tượng cần tuyên truyền, các cấp, ngành hữu quan đã tổ chức triển khai với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, sát thực với từng đối tượng cụ thể. Ít có khi nào công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết, Kế hoạch về xây dựng “Tỉnh ATGT” lại được triển khai sâu rộng đến mọi thành phần xã hội như thời gian vừa qua. Từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước đến đoàn viên, hội viên các đoàn thể; LLVT, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, các thành phần tôn giáo… đều được tuyên truyền phát luật về trật tự ATGT, về Nghị quyết, Kế hoạch xây dựng “Tỉnh ATGT”. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi thành phần xã hội của các cấp, các ngành không chỉ giúp người dân trong tỉnh nắm vững chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về bảo đảm ATGT mà còn tạo sự thống nhất, ý chí quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết về xây dựng “Tỉnh ATGT”.

Trên các tuyến đường của thành phố Bắc Ninh có nhiều pano tuyên truyền về xây dựng “Tỉnh ATGT”, văn hóa giao thông.


Cùng Ban ATGT tỉnh và cán bộ, chiến sĩ của phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đến tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT tại nhiều doanh nghiệp, địa phương, chúng tôi nhận thấy với từng đối tượng, các tuyên truyền viên lại đưa ra nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp, dễ hiểu, dễ nghe nhất. Từ truyền đạt các nội dung của Nghị quyết, Kế hoạch đến kể những câu chuyện đời thường gắn với công tác bảo đảm ATGT đều được tuyên truyền viên biến tấu linh hoạt sao cho phù hợp với đối tượng tiếp nhận.
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hải, Đội trưởng Đội tuyên truyền, xử lý vi phạm về trật tự ATGT (Phòng CSGT, Công an tỉnh) cho rằng: Tuyên truyền pháp luật về giao thông thường khô cứng, bởi vậy, để đạt hiệu quả cần phải xác định rõ đối tượng để từ đó có những phương pháp phù hợp. Với học sinh, sinh viên, ngoài việc tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT nói chung, cần chú trọng tuyên truyền về các qui định khi đi xe đạp điện, xe máy điện; những lỗi thường hay gặp phải; việc triển khai xây dựng các mô hình: “Cổng trường ATGT”, “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn”… Với phụ huynh, học sinh nhấn mạnh việc tuyên truyền Bộ tài liệu dành cho cha mẹ hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn. Với công nhân tuyên truyền việc chấp hành quy định về ATGT trong các khu, cụm công nghiệp… Tại các làng nghề truyền thống, làng nghề thủ công chú trọng tuyên truyền việc bảo đảm hành lang ATGT, trật tự công cộng…


Anh Nguyễn Đình Bá làm nghề tự do, hiện trú tại phường Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh), chia sẻ: Gần đây, tôi nhận được nhiều tin nhắn điện thoại của cơ quan chức năng về công tác bảo đảm ATGT đường bộ, đường thủy... Đây là những thông tin rất hữu ích đối với tôi và nhiều người. Những tin nhắn này như một lời nhắc nhở tôi phải thực hiện nghiêm qui định khi tham gia giao thông, thực hiện văn hóa giao thông để chung tay xây dựng “Tỉnh ATGT”.
Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu” nên công tác tuyên truyền luôn được các cấp, ngành, đơn vị, lực lượng chức năng xác định phải triển khai kiên trì, bền bỉ qua đó giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề ATGT.

Nhiều cách làm trong công tác tuyên truyền xây dựng “Tỉnh ATGT” đã đưa lại hiệu quả tích cực, như: Tổ chức ký cam kết chấp hành quy định về ATGT, không can thiệp vào công việc của CSGT trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Sau thời gian triển khai, đến nay tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội, thôn, làng khu phố trong tỉnh đều đã triển khai ký cam kết đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Việc ký cam kết không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người mà qua đó cũng là kênh tuyên truyền về Nghị quyết, Kế hoạch xây dựng “Tỉnh ATGT” một cách hiệu quả.

 

Một tiểu phẩm tại Hội thi tuyên truyền lưu động tỉnh năm 2023 với chủ đề “Bắc Ninh với văn hóa giao thông” được công chúng đón nhận. 


Hình thức chuyển tin nhắn qua các thuê bao điện thoại di động, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội cũng đưa lại nhiều hiệu quả tích cực. Từ khi triển khai xây dựng “Tỉnh ATGT”, Công an tỉnh đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đẩy mạnh thực hiện phần việc Tuổi trẻ Công an tỉnh xung kích tham gia xây dựng “Tỉnh ATGT”; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông như: Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vietnamobile để thực hiện tuyên truyền bằng hình thức gửi tin nhắn điện thoại đến người dân trên địa bàn. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua kênh “Chính quyền điện tử Bắc Ninh” trên Zalo, trang Fanpage “Bắc Ninh 24h”… Đẩy mạnh tuyên truyền qua các hình thức này đã tạo sự lan tỏa sâu rộng, hiệu quả trong xã hội.
Nhiều biện pháp tuyên truyền theo hướng truyền thống cũng được triển khai. Trên các tuyến đường, khu đông dân cư, trước trụ sở các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn đều có pa nô, khẩu hiệu nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm các qui định về ATGT, tuyên truyền về Nghị quyết, Kế hoạch xây dựng “Tỉnh ATGT”. Lực lượng công an bên cạnh việc tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cũng đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, việc xây dựng “Tỉnh ATGT”, đồng thời cấp phát hàng nghìn MBH cho người dân, học sinh, sinh viên… Trong công tác tuyên truyền, mỗi sở, ngành, đơn vị đều có những cách làm riêng, đưa lại hiệu quả tích cực. Điển hình như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngoài việc tích cực tham mưu với UBND tỉnh xây dựng ban hành Bộ quy tắc “Văn hoá giao thông của người Bắc Ninh- Kinh Bắc” còn tuyên truyền dưới nhiều hình thức, như thiết kế bộ tranh cổ động treo tại các cửa ngõ của tỉnh (tổng 1.200m2 pa nô); tổ chức gần 100 buổi chiếu phim, tuyên truyền lưu động ở cơ sở; tổ chức Hội thi tuyên truyền lưu động tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIII năm 2023 với chủ đề “Bắc Ninh với văn hóa giao thông”. Hội thi thu hút hơn 200 diễn viên, tuyên truyền viên của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia thi ở 3 nội dung: Trang trí xe tuyên truyền lưu động, pa nô ảnh và tiểu phẩm tuyên truyền theo hình thức “sân khấu hóa” tạo được hiệu ứng rất lớn.

 

Hàng nghìn mũ bảo hiểm đã được các lực lượng chức năng tặng cho học sinh, sinh viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn.

 

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: ATGT là câu chuyện của mọi người, mọi nhà. Hình thức tuyên truyền “sân khấu hóa” có ưu điểm là sinh động, dễ hiểu với những tình huống chân thực, gần gũi trong đời sống, nhờ đó, những quy định, điều khoản, khái niệm văn hóa giao thông vốn khô khan, hành chính được chuyển tải đến mọi người một cách mềm mại, chi tiết, dễ hiểu, dễ nhớ... Qua hội thi góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân với vấn đề ATGT, góp phần từng bước hình thành thói quen văn minh khi tham gia giao thông.
Xác định để văn hoá giao thông sớm được hình thành, lan toả sâu rộng và bền vững trong nhân dân thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên được các cấp, ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Khi triển khai xây dựng “Tỉnh ATGT”, Sở Giáo dục - Đào tạo tích cực chỉ đạo các Phòng Giáo dục-Đào tạo, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT, việc xây dựng “Tỉnh ATGT” trực quan và trên các trang thông tin điện tử; tổ chức ký cam kết chấp hành qui định về ATGT đến học sinh, sinh viên và phụ huynh các trường Mầm non; lồng ghép nội dung về ATGT vào các hoạt động ngoại khóa, chính khóa, trong các bài giảng để học sinh nắm rõ, thực hiện và tuyên truyền, vận động phụ huynh thực hiện…


Em Nguyễn Thảo Nhi, học sinh lớp 9A trường THCS Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh) tâm sự: “Thông qua những buổi tuyên truyền, nói chuyện ngoại khóa về Luật Giao thông mà nhà trường tổ chức đã góp phần trang bị cho chúng em những kiến thức cơ bản về Luật Giao thông, nhất là những quy định đối với học sinh. Qua những buổi như thế, giúp chúng em hiểu và tham gia giao thông đúng Luật hơn”.
Văn hóa giao thông không tự nhiên mà có mà phải hình thành từ quá trình thực hành và trở thành thói quen của mỗi người khi ra đường. Quá trình xây dựng thói quen đó cần được thực hiện từ sớm, ngay trong nhà trường và phải được thực hiện hằng ngày. Bởi thế, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh, sinh viên là giải pháp bền vững trong công tác bảo đảm ATGT cho hôm nay và mai sau.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập