Tháng 12 này, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (3/12/1908 - 3/12/2023), học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, suốt cả cuộc đời đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc,
vì hạnh phúc của nhân dân.
Đồng chí Ngô Gia Tự (bí danh Ngô Sỹ Quyết) sinh ngày 3-12-1908, tại xóm Xanh, làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn (nay là phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn) trong một gia đình giàu lòng yêu nước. Ngay từ thủa thiếu thời, đồng chí đã nổi tiếng là người học trò thông minh, xuất sắc. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp loại ưu trường Kiêm Bị thị xã Bắc Ninh, Ngô Gia Tự thi vào trường trung học Bưởi. Năm 1926, đang học năm thứ tư Trường Bưởi (Hà Nội), Ngô Gia Tự đã tham gia phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh và bị nhà trường đuổi học. Trở về quê, đồng chí Ngô Gia Tự vừa dạy học kiếm sống, vừa hoạt động cách mạng và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.
Lăn lộn trong phong trào cách mạng của quần chúng, Ngô Gia Tự sớm nhận thức được tính cấp thiết, khách quan của việc thành lập Đảng Cộng sản, đồng chí đã đấu tranh kiên quyết và hoạt động tích cực cho mục tiêu đó. Tháng 3 năm 1929 đồng chí Ngô Gia Tự tham gia thành lập chi bộ cộng sản tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội. Ngày 17 tháng 6 năm 1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Ban Chấp hành lâm thời gồm 8 đồng chí, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự. Tháng 7 năm 1929, đồng chí Ngô Gia Tự thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang. Ngày 4 tháng 8 năm 1929 tại núi Hồng Vân (núi Lim, Tiên Du) theo sự chỉ đạo của đồng chí, Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh- Bắc Giang được thành lập. Sự ra đời của Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh- Bắc Giang đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong phong trào cách mạng ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Là một người có năng lực vận động quần chúng, đồng chí Ngô Gia Tự được tổ chức phân công vào Nam Kỳ để tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây đồng chí Ngô Gia Tự đã tích cực hoạt động và thành lập được chi bộ Đảng ở nhà máy đóng tàu Ba Son (Sài Gòn), đồn điền cao su Phú Riềng (Bình Phước) và chi bộ Đảng xã Vĩnh Kim (Tiền Giang). Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Ngô Gia Tự được cử là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Bằng hoạt động tích cực của đồng chí Ngô Gia Tự, phong trào cách mạng ngày càng phát triển rầm rộ, nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình của công nhân, nông dân nổ ra ở hầu khắp các tỉnh Nam Kỳ. Giữa lúc phong trào cách mạng đang lên, đồng chí Ngô Gia Tự bị mật thám bắt tại một cơ sở cách mạng ở Sài Gòn, ngày 31 tháng 5 năm 1930. Mặc dù bị địch tra tấn hết sức dã man, nhưng chúng không thể khuất phục được ý chí sắt đá và lòng trung thành vô hạn của đồng chí đối với Đảng và cách mạng…
Học tập và noi gương đồng chí Ngô Gia Tự, quyết tâm xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự là một tấm gương sáng chói về tinh thần ý chí cách mạng tiến công, ham học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng, “biến nhà tù đế quốc thành trường học”, luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết, trước hết. Đồng chí đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; tiêu biểu cho đạo đức và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Phát huy truyền thống yêu nước của quê hương Bắc Ninh, tiếp bước đồng chí Ngô Gia Tự, đã có hàng vạn người con quê hương Bắc Ninh đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Những cống hiến, hy sinh của đồng chí Ngô Gia Tự và những người con ưu tú của Bắc Ninh là niềm tự hào, động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực.
Nhìn lại chặng đường sau tái lập tỉnh, từ một tỉnh thuần nông, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, sau hơn 26 năm, Bắc Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, vượt bậc trên các lĩnh vực, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Đến nay, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp và 31 cụm công nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, tỉnh thu hút thêm 538 dự án đầu tư mới (118 dự án trong nước và 420 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng và 2.193 triệu USD. GRDP bình quân đầu người hiện đạt là 7.000 USD; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện còn 0,94%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 60,3%, cao hơn 18,5% so với bình quân chung cả nước. Hạ tầng giao thông, đô thị phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng. Lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế luôn được quan tâm chăm lo đầu tư phát triển. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh đặc biệt chú trọng nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên được nâng cao. Hệ thống chính trị được củng cố, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Tự hào quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc đã sinh ra người con ưu tú Ngô Gia Tự, với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, mỗi cán bộ, đảng viên Bắc Ninh tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, học tập tấm gương tinh thần cách mạng của các thế hệ cha anh và chí khí kiên trung, bất khuất của đồng chí Ngô Gia Tự; tăng cường hơn nữa đoàn kết, thống nhất trong Đảng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, quyết tâm xây dựng Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đó chính là sự tri ân của các thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh và tấm gương cách mạng kiên trung của đồng chí Ngô Gia Tự một cách thiết thực và có ý nghĩa nhất.