Tham dự tiết học có lãnh đạo và phòng chuyên môn Sở GD-ĐT; cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn/nhóm trưởng chuyên môn, giáo viên môn Lịch sử các trường THPT thuộc 3 huyện: Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài. Tại Văn Miếu Bắc Ninh có đại diện 2 Sở và Ban quản lý di tích tỉnh.
Chương trình phối hợp giữa 2 Sở GD-ĐT và Văn hóa, Thể Thao và Du lịch nhằm thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa nói chung và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng; tăng cường giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương thông qua hệ thống di tích lịch sử, các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm tại các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về di sản văn hóa của địa phương. Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình phối hợp là triển khai mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử” và “Giờ học lịch sử online” tại các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa.
“Giờ học lịch sử online” được kết nối trực tuyến với điểm cầu Văn Miếu Bắc Ninh
Theo đánh giá bước đầu của Sở GD-ĐT, phương thức tổ chức dạy học mới đã tạo nên sự hứng thú, tăng sức hấp dẫn cho bài học. Học sinh được trải nghiệm, tìm hiểu thông tin thông qua hướng dẫn viên tại điểm cầu di tích lịch sử Văn Miếu Bắc Ninh.
Đây là mô hình dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong lĩnh hội tri thức, góp phần đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, nâng cao hiệu quả việc triển khai nội dung giáo dục địa phương tỉnh Bắc Ninh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các bộ phận chuyên môn của Sở GD-ĐT và các nhà trường trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện hơn mô hình mới này.
Từ mô hình điểm được triển khai tại Trường THPT Lương Tài, trên cơ sở rút kinh nghiệm những hạn chế phát sinh, từ thực tế giảng dạy và tương tác, tới đây, Sở GD-ĐT sẽ triển khai nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh ở cả 3 cấp Tiểu học, THCS và THPT; tăng cường tương tác giữa hướng dẫn viên tại điểm cầu di tích lịch sử, thiết chế văn hóa với học sinh và giáo viên giảng dạy trực tiếp trên lớp; tăng cường trang thiết bị, tối ưu đường truyền tạo điều kiện để các nhà trường có thể triển khai hiệu quả mô hình “Giờ học lịch sử online”.