Tranh dân gian Đông Hồ - “tấm thẻ căn cước” của văn hóa Việt
Có nhà nghiên cứu nhận định rằng: Trong thế giới “phẳng” và hội nhập mênh mông này, mỗi dân tộc luôn muốn có bản sắc riêng về văn hóa như một tấm “căn cước”. Nếu đi tìm tấm “căn cước” cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam thì tranh dân gian Đông Hồ là ứng cử số một.

“Hỡi cô thắt lưng bao xanh/Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/Có ao tắm mát có nghề làm tranh”. Câu ca xưa dắt ta về ngôi làng nhỏ bên bờ nam sông Đuống, đưa ta vào thế giới nghệ thuật thị giác chiêm ngưỡng những tờ tranh bình dị óng ánh sắc điệp của làng tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành). Những đường nét đơn sơ chắt lọc, màu sắc tươi tắn, bố cục không cầu kỳ mà chặt chẽ của dòng tranh quê làng Mái như dội tới tâm hồn ta bao hoài bão, khát vọng cao xa... Chính cái “màu dân tộc” và “giấy điệp” đã làm nên thần thái của dòng tranh, cũng là cái “chất Đông Hồ” đặc sắc, khác biệt với các dòng tranh dân gian khác để cùng làm giàu giá trị cho kho tàng di sản mỹ thuật Việt Nam.
Cội nguồn lịch sử dòng tranh dân gian độc đáo này tuy chưa tìm ra bằng chứng xác thực, nhưng trong trí nhớ của các nghệ nhân thì nghề này có từ rất lâu, khoảng thế kỷ XVIII đã có người nổi tiếng từng được vời vào cung vẽ hài cho hoàng hậu. Còn theo tổng hợp các nguồn tư liệu khác nhau của giới nghiên cứu, ở thế kỷ XVI, loại tranh này phát triển phổ biến và đi vào văn học. Bởi vậy, dòng tranh này phải xuất hiện từ trước đó, khoảng thế kỷ XV-XVI.
Vẻ đẹp của tranh là nghệ thuật tạo hình đặt trên nền giấy dó lấp lánh ánh điệp. Nghệ thuật chơi màu của các nghệ nhân Đông Hồ cũng rất độc đáo. Chỉ đơn giản là những chất liệu có sẵn được chế tác từ cỏ cây hoa lá trong thiên nhiên thế mà khi bước vào tranh, màu như có hồn, sống động lạ thường, như thấy trên mỗi bức tranh Đông Hồ thấp thoáng đồi núi, ruộng đồng, rừng cây bãi bể, hương thơm ngan ngát suốt dọc dài đất nước...

 

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu với các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế kỹ thuật khắc ván tranh Đông Hồ.


Nhiều học giả quốc tế đến làng Mái nghiên cứu và viết sách về dòng tranh dân gian Đông Hồ. Không thể kể hết được những xuất bản phẩm giới thiệu tranh Đông Hồ ở Hungari, Nga, Thụy Điển, Nhật Bản, Pháp, Đức, Singapore, Mỹ... Trong cuốn sách “Tranh dân gian Việt Nam” của Durand xuất bản ở Pháp năm 1960 và được dịch ra tiếng Việt vào năm 2017 có nêu nhận xét: “Người ta tìm thấy trong những tờ tranh đó quan niệm về cái đẹp, ý thức thiên bẩm về hình họa, những bố cục hài hòa có nhịp điệu của dân tộc này”.
Nếu xưa kia, chỉ dịp Tết, tranh Đông Hồ mới được ưa chuộng nhắc đến thì ngày nay, dòng tranh độc đáo này được giới thiệu thường xuyên và rộng rãi, được khai thác sử dụng làm chất liệu cho nhiều sản phẩm nghệ thuật đương đại. Tại nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế, hay trong những bảo tàng mỹ thuật danh giá trên thế giới, không hiếm lần công chúng bắt gặp sắc màu, đường nét, hình ảnh của những bức tranh Đông Hồ. Đi qua những thăng trầm của lịch sử, tranh Đông Hồ chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình. Cuối năm 2012, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được nhà nước đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

 

Theo khảo sát của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa-Trịnh Sinh-Lê Bích: Ở Đông Hồ xưa kia có 17 dòng họ cùng tham gia sản xuất tranh, song đến nay chỉ còn 3 dòng họ giữ được nghề của cha ông với khoảng 30 người trực tiếp tham gia vào hoạt động làm tranh. Nổi bật là dòng họ Nguyễn Đăng với các gia đình nghệ nhân: Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Đăng Khiêm, Nguyễn Đăng Sần; dòng họ Nguyễn Hữu với gia đình, con cháu cố Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Sam; dòng họ Trần Nhật với gia đình nghệ nhân Trần Nhật Tấn... Đến nay, người cao tuổi nhất và được coi là “linh hồn” của làng nghề là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Đăng Chế.
Bằng sự lao động sáng tạo nghệ thuật gian khổ, bền bỉ của cha ông, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác kỳ công mài giũa viên ngọc quý vô giá. Trân trọng di sản, thế hệ hôm nay đang nỗ lực hành động làm cho viên ngọc nghệ thuật quý giá ấy ngày càng sáng trong, kết đọng trí tuệ lịch sử và trí tuệ thời đại.

 

Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ sẽ là điểm du lịch hấp dẫn của Bắc Ninh.

 


Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030” với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Đề án khẳng định giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ, xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh này. Hiện nay, hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” cũng được Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Cùng với đó, nhiều biện pháp bảo tồn thiết thực gắn với phát triển du lịch để nghề làm tranh được hồi sinh cũng đang được tỉnh Bắc Ninh, chính quyền địa phương, người dân Đông Hồ chung tay thực hiện.
Mới đây, tại chính địa điểm mà xưa kia hoạt động sản xuất tranh diễn ra sôi động, tỉnh Bắc Ninh vừa đưa vào sử dụng Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ với các hạng mục công trình kiến trúc quy mô, đồ sộ, đậm bản sắc, gắn liền với không gian cổ kính của di tích lịch sử quốc gia đình Tranh. Điểm nhấn của Trung tâm Bảo tồn là Nhà trưng bày, diện tích hơn 500m2 với hơn 1.000 tài liệu, hiện vật được nghiên cứu, sưu tầm từ các gia đình nghệ nhân và nhân dân địa phương. Một số bản khắc gỗ, mẫu tranh cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Ngoài ra, còn nhiều ảnh, phim tư liệu được phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu và học tập, nghiên cứu của du khách. Đây cũng là không gian để du khách được trải nghiệm, thực hành in tranh dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân.
Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, đại diện đơn vị được giao trực tiếp quản lý, vận hành khai thác thiết chế Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ cho biết: Chúng tôi đang triển khai các hoạt động kết nối giữa các điểm du lịch trong tỉnh và các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, lấy Trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ là trọng điểm, từ đó xây dựng tour, tuyến phục vụ đa dạng đối tượng khách. Với đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp, sự phối hợp nhiệt tình của các nghệ nhân, sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp và nhân dân địa phương, chúng tôi tin tưởng chắc chắn Trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ được đông đảo du khách biết đến và yêu dòng tranh này hơn.   

Nguồn:baobacninh.com.vn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập