Với những giá
trị nhân văn, nhân bản, độc đáo, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở Di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hướng về ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng
3, mỗi người dân Việt Nam lại ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm cá nhân với Tổ
quốc, non sông để tiếp tục kế tục sự nghiệp vĩ đại của cha anh, xây dựng nước
Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Một nghi thức trong lễ Giỗ Tổ Hùng vương năm 2019 do Thành ủy –
HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng, Công
viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc. Ảnh: haiquanonline.com.vn.
Vào dịp tháng Ba âm
lịch hằng năm, người Việt ở trong nước cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước
ngoài lại cùng hướng về quê hương, nguồn cội để tưởng nhớ, thành kính, biết ơn
tổ tiên, ông bà và những người đã hy sinh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân
tộc, gây dựng cơ đồ đất nước.
Với những giá trị nhân
văn, nhân bản, độc đáo, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở Di sản văn hóa
phi vật thể đại diện của nhân loại. Hướng về ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3, mỗi
người dân Việt Nam lại ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm cá nhân với Tổ quốc,
non sông để tiếp tục kế tục sự nghiệp vĩ đại của cha anh, xây dựng nước Việt
Nam phồn vinh, hạnh phúc.
TRỞ VỀ NGUỒN CỘI
Lịch sử dựng nước và
giữ nước của dân tộc Việt Nam trải qua bao trận binh đao khói lửa, chống lại âm
mưu, dã tâm xâm lược của kẻ thù đến từ phương Bắc, phương Tây để bảo vệ, gìn
giữ nền độc lập, tự do, xây nền thái bình muôn thuở. Lý giải về nguyên nhân làm
nên những chiến công vĩ đại của quân dân Việt Nam, nhiều học giả, nhà nghiên
cứu trong và ngoài nước đều chung một nhận định, đó là nhờ sức mạnh của truyền
thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình,
đạo lý, sự cần cù, thông minh, sáng tạo của người dân Việt Nam. Những đức tính,
phẩm chất tốt đẹp đó được sản sinh, hình thành và tôi luyện qua thử thách thời
gian, được gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ, lắng đọng, chưng cất trở thành
hệ giá trị, bản sắc văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam.
|
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm
được tổ chức thành kính, trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống
|
Trong các giá trị văn
hóa truyền thống tiêu biểu của người Việt, lòng yêu nước là một giá trị mang
tính bất biến, luôn đứng ở vị trí cao nhất trong thang bậc giá trị, như sợi chỉ
đỏ xuyên suốt dòng chảy lịch sử dân tộc. Tinh thần ấy luôn được bồi đắp, bổ sung
thêm nội hàm, tính chất, ý nghĩa mới và được nâng lên thành một thứ chủ nghĩa
mà người Việt luôn tự hào - chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng. Sinh thời,
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó
là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm
lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ,
to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước
và lũ cướp nước”(1).
Việt Nam có vị trí địa
chính trị đặc biệt quan trọng, ở ngã ba đường thông thương quốc tế, cửa ngõ đi
vào khu vực Đông Nam Á, nơi có nguồn tài nguyên, thiên nhiên khoáng sản dồi
dào. Vị trí đó có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng đồng thời cũng
luôn phải đối diện với những khó khăn, thử thách trước sự nhòm ngó, xâm lăng
của các thế lực hung hãn bên ngoài. Từ thuở vua Hùng khai mở cơ đồ, dựng xây
nước Văn Lang đã từng phải đối diện với những hiểm hoạ từ giặc ngoại xâm. Và
đến nay, sau hơn bốn nghìn năm, việc gìn giữ, bảo vệ toàn vẹn biên cương lãnh
thổ vẫn luôn là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, trọng yếu của toàn thể nhân
dân Việt Nam. Bởi sự thật và chân lý khách quan: “Nước Việt Nam có quyền hưởng
tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc
Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ
vững quyền tự do, độc lập ấy”(2).
Thật hiếm có dân tộc
nào như dân tộc Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử luôn phải vùng lên đánh
đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự do, kiến thiết, xây dựng cuộc sống
mới. Nhưng cũng chính điều kiện, hoàn cảnh lịch sử đó đã hun đúc và thắp sáng
truyền thống yêu nước nồng nàn, anh hùng, dũng cảm, kiên cường.
Trong điều kiện, hoàn
cảnh chiến tranh, yêu nước thể hiện ở tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết
sinh, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do; ở hành động, việc làm,
lời nói khảng khái, dõng dạc của những người bình dị, khiêm nhường nhưng anh
hùng, bất khuất: Còn cái lai quần cũng đánh; Cuộc đời đẹp nhất là ở trận tuyến
đánh quân thù... Khi đất nước trở lại cuộc sống hoà bình, tinh thần yêu nước
lại được biểu hiện đa dạng qua những mong ước, khát vọng, cống hiến thầm lặng
để dựng xây nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với các cường
quốc năm châu.
Bên cạnh giá trị
thiêng liêng là lòng yêu nước thì tinh thần đoàn kết cũng là một giá trị tiêu
biểu, nổi bật trong văn hóa truyền thống của người Việt. Người Việt thường gọi
nhau là “đồng bào” - tiếng gọi thân thương, quen thuộc nhưng rất đỗi thiêng
liêng, tự hào, gợi nhắc tình nghĩa anh em keo sơn, gắn bó, thuỷ chung. Nghĩa
tình sâu nặng ấy được truyền thuyết hoá qua câu chuyện “Con Rồng cháu Tiên” như
nhắc nhở những thế hệ mai sau về nguồn cội, tổ tông, khi cùng chung mẹ Âu Cơ,
là con cháu vua Hùng, nên tất cả đều là anh em một nhà (Tứ hải giai huynh
đệ).
Chung một cội nguồn
nên tình thương yêu, quan tâm, gắn bó, cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau là những phẩm
chất mà người Việt trân trọng, gìn giữ, đúc kết trong những câu ca dao, tục
ngữ, thành ngữ dân gian: Máu chảy ruột mềm; Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người
trong một nước phải thương nhau cùng; Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác
giống nhưng chung một giàn; Thương người như thể thương thân; Lá lành đùm lá
rách; Lá rách ít đùm lá rách nhiều; Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ; Anh
em như thể chân tay,…
Mặt khác, là cư dân
của nền văn hóa, văn minh nông nghiệp lúa nước, người Việt từ sớm đã biết tập
hợp, cố kết cộng đồng, hình thành lên những bản làng, thôn xóm với luỹ tre xanh
và con đê thân thuộc bao quanh. Họ kết nối, gắn bó với nhau bởi sợi dây huyết
thống, dòng họ; bởi truyền thống văn hóa lâu đời với những mối quan hệ vai vế
thứ bậc được quy định chặt chẽ nhằm gia tăng trách nhiệm của cá nhân với gia
đình, cộng đồng, tạo sức mạnh của tình đoàn kết, gắn bó keo sơn. Đoàn kết là
một yêu cầu mang tất yếu, khách quan, tạo sức mạnh cộng đồng để ứng phó tốt với
những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết và những bất trắc, khó
lường của cuộc sống xã hội. Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, lòng yêu nước và tinh
thần đại đoàn kết dân tộc lại trỗi dậy, tạo sức mạnh tinh thần to lớn, tiếp
thêm niềm tin, động lực và nguồn năng lượng dồi dào để dân tộc vượt qua những
ghềnh thác khó khăn, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, xây dựng đất nước
ngày càng giàu đẹp.
Vào dịp tháng Ba âm
lịch hằng năm, người Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc cũng như cộng đồng người Việt
Nam ở nước ngoài luôn trào dâng cảm xúc thiêng liêng, bâng khuâng, mong nhớ,
cùng hướng về nguồn cội để bày tỏ niềm thành kính, tri ân công đức tổ tiên, của
các bậc vua Hùng đã có công khai mở cơ đồ, dựng xây đất nước: “Dù ai đi ngược
về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3. Dù ai buôn bán gần xa, nhớ ngày giỗ
Tổ tháng 3 mùng 10”.
Với ý nghĩa và giá trị
độc đáo, tiêu biểu, thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân bản, tác động mạnh mẽ đến
đời sống tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Tín
ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (hay còn gọi là Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên) của
người Việt được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện
của nhân loại (2012). Năm 2017, Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Luật sửa đổi, bổ
sung Điều 73 của Bộ luật Lao động (2004), theo đó người lao động được nghỉ làm
trong Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, mùng 10 tháng 3 âm lịch. Những sự kiện đó cho
thấy Ngày Giỗ Tổ càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong đời
sống văn hóa cộng đồng. Đây là dịp để mỗi người cùng ý thức sâu sắc hơn về
trách nhiệm của bản thân với gia đình, quê hương, với cội nguồn, tổ tiên, ông
bà, cha mẹ.
Hướng về quá khứ với
những trang sử hào hùng, oanh liệt của cha ông, mỗi cá nhân cần phát huy mạnh
mẽ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân
tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, từ đó có nhiều cống
hiến tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Để phấn đấu đạt mục
tiêu: Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào
giữa thế kỷ XXI, một trong những giải pháp trọng tâm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24-11-2021 là phải “khơi
dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết,
khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy
cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người
Việt Nam”(3). Đây là nguồn lực tinh thần, sức mạnh nội sinh và là động lực đột
phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030,
tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Trong bối cảnh trữ
lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản ngày càng cạn kiệt do sự khai
thác quá mức cũng như nhu cầu tiêu dùng, tiêu thụ ngày càng cao của người dân,
để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm, việc khơi dậy mạnh mẽ lòng
yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đại đoàn kết, truyền thống văn hóa,
sức mạnh con người Việt Nam cần được đẩy mạnh, tăng cường, tham gia tích cực
vào quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tuy nhiên, phát triển phải
đảm bảo tốt các nguyên tắc cũng như xử lý hài hoà các mối quan hệ giữa truyền
thống với hiện đại, bảo tồn, gìn giữ với phát huy, phát triển. Phát triển dựa
trên nền tảng của những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc là xu
hướng, con đường lựa chọn của nhiều quốc gia tiên tiến.
Việt Nam là đất nước
có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời với những giá trị tốt đẹp được hình
thành, bồi đắp trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước của cha ông.
“Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý
thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái,
khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động;
sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…”(4). Những giá trị tốt
đẹp, cao quý, thiêng liêng ấy cần được phát huy, lan toả mạnh mẽ và cụ thể hoá
trong trong hành động, lời nói, việc làm của mỗi cá nhân, nhất là với đội ngũ
cán bộ, đảng viên – những người được nhân dân yêu quý, đặt trọn niềm tin, niềm
kỳ vọng. Bằng tài năng, trí tuệ và tình yêu quê hương, đất nước, họ sẽ có những
quyết sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp để dẫn lối, soi đường cho dân tộc đi
theo.
Trở về với những giá
trị tốt đẹp, những lời răn dạy của cổ nhân để không ngừng tu dưỡng, phấn đấu,
cống hiến, hướng đến những mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp; đồng thời phải biết tiết
chế, kiểm soát và đẩy lùi “tham, sân, si”, những dục vọng, lợi ích cá nhân,
tránh sa vào những thói hư, tật xấu, tham ô lãng phí, xâm phạm lợi ích quốc
gia, dân tộc, chà đạp lên những giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Về với
cội nguồn, hoà trong không khí linh thiêng, trầm mặc của khu Di tích lịch sử
Đền Hùng toạ lạc trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì,
tỉnh Phú Thọ), mỗi du khách như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để viết tiếp
những trang sử mới cho dân tộc, đất nước.
Thành tâm hướng về
Ngày Giỗ Tổ, mỗi chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm cá nhân với cội
nguồn lịch sử; gắn bó sâu nặng với quê hương, Tổ quốc mình; nhớ những lời thề
thiêng liêng và quyết tâm sắt đá sẵn sàng hy sinh để bảo vệ và gìn giữ toàn vẹn
biên cương, lãnh thổ của cha ông; khắc ghi lời nhắc nhủ của Chủ tịch Hồ Chí
Minh khi Người về thăm Đền Hùng và nói chuyện với các cán bộ Đại đoàn quân Tiên
Phong (ngày 19/9/1954): "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta
phải cùng nhau giữ lấy nước".
Những giá trị tinh
thần vô giá đó cần được chuyển hoá thành những hành động, việc làm cụ thể của
mỗi người trong cuộc sống hôm nay, tạo nguồn xung lực, sức mạnh mới để sớm hiện
thực hoá khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.
Nguồn:tuyengiao.vn