Tổng Bí thư: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới
Sáng 4/5, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị,
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tại hội nghị, Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XIII tập trung thảo luận, cho ý kiến và quyết định về
các nội dung: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa
XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh
toàn diện công cuộc đổi mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tổng kết 20 năm thực
hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển
và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng
viên. Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm
2021 và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội
nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, để chuẩn bị cho Hội nghị Trung
ương lần này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã sớm thành lập các ban chỉ đạo nghiên
cứu, tổng kết, xây dựng các báo cáo, đề án về những nội dung nêu trên để báo
cáo Bộ Chính trị thảo luận, cho ý kiến và trình Trung ương xem xét, quyết định.
Các ban chỉ đạo đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp
hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như tình hình thực tiễn của đất
nước, khu vực và thế giới để tiến hành tổng kết, nghiên cứu, xây dựng các báo
cáo, đề án, tờ trình, dự thảo các nghị quyết trình Trung ương. Bộ Chính trị,
Ban Bí thư cũng đã nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị,
Ban Bí thư năm 2021 gắn với thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa
XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để xây dựng các báo cáo
trình Hội nghị Trung ương lần này.
Kịp thời tháo gỡ vướng
mắc
Việc tổng kết 10 năm
thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính
sách, pháp luật về đất đai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tổng kết
thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về đất đai lần này là một
yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi
mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong
công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước,
người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030
nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến
năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đây là một lĩnh vực
rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng
đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, hiện vẫn còn không ít ý
kiến khác nhau. Khi thảo luận, đánh giá tình hình và nguyên nhân, chúng ta cần
nắm vững phương pháp duy vật biện chứng, các quan điểm và nguyên tắc cơ bản đã được
xác định trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước để phân tích một
cách toàn diện, khách quan kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, biện
pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và pháp luật về đất đai.
“Chỉ rõ nội dung của
Nghị quyết đã được thể chế hóa như thế nào? Những điểm gì thể chế hóa đúng,
điểm gì chưa đúng? Những quan điểm, yêu cầu quan trọng nào của Nghị quyết chưa
được thể chế hóa hoặc chưa được thực hiện một cách nghiêm túc? Tình hình thực
hiện trong thực tế như thế nào? Những chủ trương, chính sách gì cần bổ sung,
sửa đổi, điều chỉnh?”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng chỉ rõ, cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Trên
cơ sở đó, đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể
chế, chính sách về đất đai; chú ý các vấn đề hiện đang vướng mắc hoặc gây bức
xúc trong xã hội và những nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Thực hiện sự chỉ đạo
của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, thời gian qua Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết
15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông
thôn đã triển khai tổng kết Nghị quyết một cách nghiêm túc, bài bản, công phu,
khoa học, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, với tinh thần trách nhiệm cao của
các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học,
nhà quản lý; kế thừa kết quả tổng kết các Nghị quyết Trung ương về chính sách,
pháp luật đất đai và kinh tế tập thể.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đề nghị, Trung ương tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất
cao về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông
dân, nông thôn và những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, đáp
ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới - đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
tiếp tục phát huy thật tốt những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm
thành công đã đạt được; khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại
và nguyên nhân được rút ra trong quá trình tổng kết.
Về tổng kết 20 năm
thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX tiếp tục đổi mới, phát triển
và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, bám
sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực tế đất nước, tập trung thảo luận
làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm,
tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ và giải pháp lớn cần được quán triệt và
triển khai thực hiện để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, đúng đắn
và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Nâng cao hơn nữa chất
lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng
Các đại biểu dự khai mạc
hội nghị.
Đề án xây dựng tổ chức
cơ sở đảng và đảng viên đã đề cập một cách khách quan, toàn diện tình hình thực
hiện Nghị quyết và Kết luận, chỉ ra những kết quả chủ yếu đã đạt được; những
hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích rõ nguyên nhân. Từ đó đề ra quan
điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tục đổi mới, tăng cường xây
dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình
hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đề nghị, nghiên cứu thật kỹ, thảo luận thật dân chủ, thẳng thắn, tạo sự
thống nhất cao về những vấn đề nêu trong Tờ trình. “Để sau Hội nghị Trung ương
lần này chúng ta có một chuyển biến, tiến bộ mới, thực chất, mạnh mẽ, hiệu quả,
nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng ta theo
đúng tinh thần tư tưởng của Lê-nin "Thà ít mà tốt"; "những đảng
viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần!", Tổng Bí thư
nói.
Về Đề án thành lập Ban
Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng cho biết, thực hiện Chương trình công tác năm 2022 và Kết luận tại phiên
họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kết
luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công
tác này, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp
với các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng Đề án
thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đề án đã trình bày đầy
đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên
tắc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ
máy, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực, và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, quyết định về những kiến nghị, đề
xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban
Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường
sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến
địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta, theo tinh thần "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông
suốt!".
Tự phê bình và phê
bình nghiêm túc, thẳng thắn, dân chủ
Thực hiện Quy chế làm
việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, trong
tháng 1 năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 3 ngày để tiến hành kiểm
điểm, tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể và cá nhân
từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với việc thực hiện
Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ
thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng cho biết, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này đã được thực
hiện một cách nghiêm túc, bài bản, theo quy chế, quy trình từng bước hợp lý.
Các báo cáo kiểm điểm đều được chuẩn bị theo đúng quy định, hướng dẫn. Không
khí kiểm điểm theo tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm túc, thẳng thắn, dân
chủ, đoàn kết, chân tình. Các đồng chí được góp ý đã tiếp thu nghiêm túc, cầu
thị, coi đây như là cơ hội quý để học tập, chia sẻ lẫn nhau. Trong quá trình
kiểm điểm, từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã liên hệ đến trách
nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực được phân công, thấy rõ những ưu điểm để phát
huy, nhận ra những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục.
Qua kiểm điểm tập thể
và cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Năm 2021, trong bối cảnh có rất
nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn luôn đoàn kết, thống
nhất, bình tĩnh, kiên định, sáng suốt trước khó khăn, thử thách, có nhiều đổi
mới và sáng tạo, bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối, cụ thể hóa các nội
dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã có các quyết sách đúng
đắn, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân tổ chức triển khai thực hiện, đạt được những kết
quả quan trọng, khá toàn diện, có những dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên
và nhân dân ghi nhận, bạn bè thế giới đánh giá cao.
Tuy nhiên, công tác
lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng còn một số hạn chế, khuyết
điểm. Công tác dự báo chiến lược, hoạch định đường lối, chính sách và tổng kết
thực tiễn, nghiên cứu lý luận có lúc, có việc chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu,
đòi hỏi của tình hình mới. Trong phòng, chống dịch bệnh có lúc, có nơi còn lơ
là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ
trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn có những hạn
chế, bất cập trong nghiên cứu, dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển
khai thực hiện có bài bản và kịp thời các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn,
bảo đảm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm
các hoạt động bình thường.
Với tinh thần nhìn
thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những ưu
điểm, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban
Bí thư gắn với thực hiện Kết luận Trung ương 4 khóa XIII trên các lĩnh vực, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương cần chỉ rõ những nguyên nhân, rút ra
những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp tích cực khắc phục trong thời
gian tới.
Những nội dung trình
Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng
đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh
vực trọng yếu như: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống
chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở, đáp ứng
yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới;.... Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng yêu cầu, Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung
nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét, quyết định
vào cuối kỳ họp.
Theo chương trình, hội
nghị làm việc đến ngày 10/5/2022.
Nguồn: TTXVN