Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng của cách mạng Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, thuộc dòng họ Nguyễn Trãi, tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc phường Phù Khê, thị xã Từ  Sơn).

Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, lớn lên trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” của xứ Kinh Bắc, phẩm chất cách mạng anh hùng, bất khuất, thông minh, trí tuệ đã hình thành rất sớm trong Nguyễn Văn Cừ từ tuổi thiếu niên. Ngay từ năm 17 tuổi, khi còn đang học ở Trường Bưởi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng. Bị mật thám Pháp phát hiện và bị đuổi học, đồng chí được tổ chức phân công đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Không quản hiểm nguy, gắn bó với phong trào công nhân, cùng với đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người đã thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Mạo Khê (Uông Bí), sau đó chỉ đạo thành lập Ðảng ủy Ðặc khu mỏ Hòn Gai, Quảng Ninh.
Năm 1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, bị tòa án thực dân kết án lưu đày tại nhà tù Côn Ðảo. Mặc dầu bị đày ải, tra tấn, đồng chí luôn giữ vững ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản, đồng thời tranh thủ thời gian học hỏi, thực hiện khẩu hiệu “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” để rèn luyện nghị lực và nâng cao trình độ bản thân. Ðến khi ra tù (năm 1936), đồng chí đã trưởng thành về mọi mặt và trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Ðảng. Tháng 3-1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ V, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi mới 26 tuổi đời, là Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta.

 

anh tin bai

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Phù Khê, thị xã Từ Sơn.


Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Ðảng, mặc dù chỉ trong khoảng thời gian 2 năm (1938-1940), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Ðảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh cách mạng đòi dân sinh dân chủ sục sôi trong cả nước. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI, vạch ra sự chuyển hướng cực kỳ quan trọng trong chiến lược và sách lược cách mạng, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI, được các Hội nghị Trung ương VII (1940) và nhất là Hội nghị Trung ương VIII (5-1941) kế thừa, bổ sung và phát triển lên một bước mới, đưa tới thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Là người đưa ra sáng kiến thành lập Mặt trận Dân chủ và chỉ đạo thực hiện từ ý tưởng trở thành hiện thực, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Ðảng ta đã tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng trên những hình thức mới, sắc thái mới, làm cho phong trào cách mạng dưới sự chỉ đạo của Ðảng có bước phát triển nhảy vọt, đồng thời hướng sự chỉ đạo của Ðảng tới thống nhất, chặt chẽ cả về chủ trương và tổ chức thực hiện, tạo nên một phong trào hoạt động rất sôi nổi, làm cho thế lực và ảnh hưởng của Ðảng trong quần chúng tăng lên. Ðây là những hình thức tổ chức và các hình thức đấu tranh chưa từng có ở giai đoạn trước.

 

anh tin bai

Cuốn “Tự chỉ trích” do đồng chí Nguyễn Văn Cừ biên soạn sau cuộc tổng tuyển cử Hội đồng quản hạt ở Nam kỳ, năm 1939. Ảnh tư liệu

 

Là một người thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với các trào lưu cách mạng cải lương, cơ hội, năm 1939, đồng chí viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, làm tài liệu giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nêu cao vũ khí tự phê bình và phê bình, chống lại chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội dưới mọi mầu sắc. Đây là một kiệt tác của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tác phẩm “Tự chỉ trích” có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn. Tác phẩm chẳng những uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, mà còn là một văn kiện tổng kết những kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, là một đóng góp có giá trị vào kho tàng lý luận và chính sách về Mặt trận thống nhất của Đảng ta.
Tác phẩm “Tự chỉ trích” cùng với những cống hiến lý luận khác của đồng chí Nguyễn Văn Cừ phản ánh sự sáng suốt của một trí tuệ lỗi lạc, trí tuệ đó là kết quả tổng hợp của sự vững vàng, kiên định lập trường, quan điểm và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp với một năng lực vận dụng phương pháp biện chứng mác-xít để nắm bắt chính xác thực tế cùng những diễn biến của nó - cái đã qua, cái đang tới - để tư duy và đề xuất chủ trương, chính sách...
Giữa lúc cách mạng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử mới, Đảng cần những cán bộ tài trí, vững vàng, kiên định để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác, thì đồng chí lại bị mật thám bắt, ngày 18-1-1940. Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, nhưng kẻ thù không lay chuyển được khí tiết cách mạng của người cộng sản kiên trung Nguyễn Văn Cừ. Bất lực, chúng đã xử bắn đồng chí tại Hóc Môn - Gia Định vào sáng ngày 28-8-1941.
29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, trong đó gần 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng của cách mạng Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc, chiến sĩ cách mạng kiên cường, người cộng sản mẫu mực, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nguồn:baobacninh.com.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image




Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập